Có người hỏi: “Cao Lãnh có gì lạ?”, Xin thưa, thành phố mới toanh (vừa được “lên chức” năm 2007) này là một trong những đô thị xanh… nhất nước! Giữa cái nóng ngột ngạt đặc trưng đầu mùa mưa của vùng đất phương Nam, thành phố nhỏ của tỉnh Đồng Tháp như “lá phổi” xanh giữa lòng Đồng bằng sông Cửu Long mênh mang sóng nước.
Màu xanh đong đầy khắp phố
Một kỷ niệm không thể nào quên khi về Cao Lãnh công tác năm 2000. Ngày ấy, thật thú vị khi “được phép” cưỡi xuồng ba lá… dừng đèn đỏ, chờ đèn vàng, chạy đèn xanh trên khắp tuyến giao thông nội ô trung tâm. Chuyện nghe có vẻ nực cười, nhưng lúc ấy phố phường Cao Lãnh chỗ nào cũng thấy mênh mông nước, không cưỡi xuồng thì chỉ có… bơi. Kỷ niệm khó quên ấy chắc chắn sẽ không có dịp được tái hiện, dù đang có mặt ở thành phố ngay trong mùa nước nổi…
Trong không gian êm đềm rợp mát của Công viên Văn Miếu, ông Trí, Giám đốc Doanh nghiệp Minh Trí, vốn là “thân hữu” của tôi “khoe mẽ”: “Giống như hầu hết các khu đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm thành phố Cao Lãnh cũng dạt dào sông nước với hai con sông Cao Lãnh và Đình Trung. Nhưng chốn này mang dáng vẻ riêng mà không nơi nào có được là những mảng xanh đặc thù đong đầy khắp các góc phố, con đường ở nội ô. Màu xanh ấy, khi ở gần thì luôn hiện hữu, lúc cách xa thì nhớ nhung muốn gặp…”.
Du khách có dịp ghé qua thành phố này sẽ không bỏ lỡ cơ hội đến thăm Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 1km. Đây cũng là “điểm nhấn” không thể thiếu trong nhật ký hành trình của chúng tôi. Trong khuôn viên rộng hơn 3ha, các khu tiểu cảnh được bố trí khá đẹp mắt. Khu lăng mộ cụ Phó bảng nằm dưới một đài sen với chín đầu rồng tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, ghi tạc công ơn của cư dân Đồng Tháp Mười và nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khu nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo đúng nguyên mẫu, gây ấn tượng đặc biệt cho du khách. Ngoài ra, nơi đây còn tái hiện nơi làm việc của vị lãnh tụ kính yêu hệt như nguyên mẫu phòng làm việc của Bác ở Khu di tích Phủ Chủ tịch (Hà Nội). Năm 1992, khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Tiếc nuối vô cùng vì quỹ thời gian hạn hẹp, không thể ghé thăm các danh lam thắng cảnh khác của Cao Lãnh như: Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng…, những nơi chỉ nghe tên thôi cũng đã mười phần khơi gợi sự hiếu kỳ. Biết “khách” tiếc nuối, các “chiến hữu” đền chúng tôi bằng một chiếu nhậu chốn miệt vườn…
Ẩm thực miệt vườn mùa nước nổi
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ động, thực vật phong phú đã góp phần làm nên những món ăn đặc sản mang đậm “dấu ấn” của vùng. Đến đất này mùa nước nổi, bạn sẽ thấy ê hề những món ẩm thực khoái khẩu, ngon “trên cả tuyệt vời”…
Khi hỏi: “Mùa nước nổi, Cao Lãnh có đặc sản gì lạ?”, Đại Thọ – anh bạn người địa phương “trêu tức”: “Nhóc! Muốn “lủm” món gì, rắn, rùa, chuột, gà nước… ăn bi nhiêu đây cân đủ, tin chớ?”.
Tất nhiên là tin, rất tin là khác khi đối diện với vóc dáng quá khổ của Đại Thọ. Tính sơ sơ, cậu chàng “chỉ” cân nặng có… 113kg. Đúng là mẫu hình lý tưởng của bậc… sành ăn!
Chuột đồng quay lu. Mèo cũng phải… meo!
Món đầu tiên mà “dân chơi” Cao Lãnh giới thiệu cho là “Tí ông… ngồi thùng” – tên gọi “văn chương” của món chuột đồng quay lu. Theo chân “chiến hữu” thổ địa, thâm nhập chợ Cao Lãnh để tìm “hàng”. Chuột ở đây “nhóc” hàng, mua “vô tư” với giá chỉ 25.000 – 28.000 đồng /kg. Có “hàng” rồi kéo nhau xuống xuồng đến điểm hẹn miệt sâu để nâng ly cụng chén cho có phần… hương đồng cỏ nội!
Món chuột đồng quay lu ngon nhất phải kể đến bộ da. So với heo sữa quay, da chuột đồng giòn gấp bội phần. Ngoài ra, món chuột khìa nước dừa cũng xứng đáng xếp đầu bảng.
Ri voi – hổ hành, chén sành cũng “bắt”
Gian hàng của chị Năm trong lòng chợ Cao Lãnh thật dễ “nể” với nhóm bò sát: rắn hổ hành, ri voi, hổ đất. “Mua dìa nhậu chơi cậu hai, rắn mùa này “múp” lắm…”. Cùng với tiếng chào mời, chị Năm trình làng tận mắt để khách có thể “thực mục sở thị” trong nét mặt mang màu… tàu lá chuối, đúng là sợ xanh mắt mèo dù trước đó đã… xơi thịt chuột!
Với sự ngã giá rành rỏi của các chiến hữu địa phương, rắn ri voi, hổ hành… được bán với giá 65.000 – 90.000 đồng/kg. Ngoài ra, muốn có đủ bộ sung có thể “tậu” thêm cụ rùa với giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Có 3 món truyền thống thường gặp khi ăn món rắn: bằm xúc bánh tráng, gỏi và cháo đậu xanh. Có điều, ăn món rắn giữa mênh mông đồng nước có cảm giác thú vị hơn nhiều.
Chạch nấu bông đấu vàng điên điển
“Hỡi anh chàng điển trai, mai dìa có nhớ vàng bông điên điển…”. Câu hò “mướt rượt” của cô gái ven sông khiến du khách không thể không một lần thử món hương hoa đồng nội này.
Bông điên điển không chỉ đặc sắc với màu vàng đặc trưng, mà còn độc đáo ở chỗ luôn giữ nguyên sắc màu dù có chiên, xào, nấu… Vậy thì bông điên điển “hợp rơ” với thực đơn nào nhất?. “Với cá chạch lấu bông, ngọt nước ngọt cơm, bảo đảm vào nồi lẩu ưng tát cạn nước miền Đông cũng còn chưa đã…”, Đại Thọ khẳng định.
Câu hò của thiếu nữ miền Tây đã đặc tả được cái “thần” của bông điên điển, và xin mượn nó để thay lời kết cho một lần thâm nhập làng ẩm thực mùa nước nổi…
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Anh còn rầu em xào bông điên điển
Điên điển vàng điểm bông chạch lấu
Thuận nghĩa đôi mình cạn nước miền Đông…”.