ThienNhien.Net – Ngày 7/4 là ngày kỉ niệm thành lập tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng thời chính thức được chọn là ngày sức khỏe thế giới hàng năm. Với chủ đề cho năm 2008 là “Bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn nhấn mạnh những mối đe dọa chưa từng thấy của biến đổi khí hậu với việc bảo vệ sức khỏe toàn cầu.
WHO cho biết thông qua tăng cường hợp tác, cộng đồng thế giới sẽ có những biện pháp thiết thực nhằm đối phó với những vấn đề sức khỏe có liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Tính đến nay, đã có một số hoạt động hợp tác diễn ra như: thắt chặt theo dõi, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch và hợp tác bảo vệ sức khỏe trong các trường hợp khẩn cấp…
Trong chủ đề này sức khỏe thế giới năm nay, WHO muốn truyền đi các thông điệp:
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe: Khoa học đã chứng minh, trái đất đang nóng dần lên và nếu không kiểm soát được tình trạng này thì loài người sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật, thiệt hại hơn nữa liên quan đến các thảm họa thiên nhiên: thiếu lương thực, thiếu nước, bệnh tật. Nhiều nơi trên thế giới người dân sẽ không có chỗ ở do mực nước biển dâng cao, và chịu sự ảnh hưởng của hạn hán, đói kém. Băng đá tan chảy làm chu kì thủy văn và khả năng tái tạo đất thay đổi. Chúng ta nên tính đến những ảnh hưởng này đối với sức khỏe ngay từ bây giờ.
Dân nghèo là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu: Khí hậu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến mỗi vùng với mức độ khác nhau, tùy vào điều kiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, mức nghèo đói, thực trạng sử dụng đất cũng như cơ cấu chính trị. Các quốc gia đang phát triển với tỉ lệ đói nghèo, suy dinh dưỡng cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, tình hình chính trị bất ổn sẽ khó có thể đối phó với những ảnh hưởng của khí hậu thay đổi nên họ sẽ là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Các phương pháp bảo vệ sức khỏe truyền thống là công cụ hữu hiệu chống lại biến đổi khí hậu: Cải thiện vệ sinh nguồn nước sạch, đảm bảo lương thực an toàn, tiêm phòng, kiểm soát và phòng chống bệnh tật là những hoạt động có hiệu quả nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Những chương trình này cần được đẩy mạnh hơn nữa đặc biệt là các khu vực dân số đông, có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn, nhằm ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Cần liên minh hợp tác nhằm đối phó với những đe dọa sức khỏe toàn cầu: Biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và cần có sự liên minh, cộng tác của các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, các nhóm chuyên gia cũng như cộng đồng địa phương để đưa ra những biện pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Các quyết định liên quan đến quy hoạch đô thị, giao thông, cung cấp năng lượng, thực phẩm, sử dụng đất và nguồn nước cũng ảnh hưởng tới khí hậu và sức khỏe. Do đó cần có sự hợp tác giữa các tổ chức trên thế giới trong nhiều lĩnh vực nhằm đổi mới, đưa ra giải pháp để ổn định khí hậu và bảo vệ sức khỏe.
Cần nhanh chóng thúc đẩy các biện pháp bảo vệ sức khỏe: Nếu nhiệt độ còn tiếp tục tăng cao, thì những hậu quả về thảm họa thiên nhiên là không thể lường trước. Chính vì thế, ngay từ bây giờ các cơ quan, tổ chức cần phối hợp thúc đẩy các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến khí hậu trong tương lai. Các hợp tác về sức khỏe trên thế giới nhằm giảm bớt hậu quả và dần thích nghi với biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết.