Qua công nghệ vũ trụ và sử dụng ảnh vệ tinh SAR để quan trắc sự biến dạng mặt đất, PGS-TS Lê Văn Trung thuộc Trung tâm Địa tin học (Khu công nghệ phần mềm Đaịh học Quốc gia – TP.HCM) đã có những bằng chứng thuyết phục về hiện tượng lún sụt đất tại TP.HCM
Quận – huyện nào cũng lún!
Theo PGS TS Lê Văn Trung, trước đây một số cuộc khảo sát đã chỉ ra các biến dạng bề mặt địa hình (lún đất) đang xảy ra tại nhiều nơi, thể hiện qua các hiện tượng mặt đất xung quanh các giếng khoan tại nhiều khu vực thuộc các quận huyện 6, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè bị hạ thấp, làm trồi ống chống giếng khoan, trong đó rõ rệt nhất là tại Khu công nghiệp Tân Tạo, ống trồi lên 25 cm, Trạm quan rắc quận Bình Tân (22 cm), Cty Nam Long (Bình Tân): 17,5 cm…
Tuy nhiên, đến nay, việc quan trắc và giám sát lún tại TP.HCM vẫn chưa được thực hiện một cách có hệ thống. Các nghiên cứu, khảo sát và quan trắc nói trên mới chỉ thực hiện một cách cục bộ tại một số điểm có giếng khoan và một số nơi có nhà dân bị lún nên không thể xác định rõ mức độ biến dạng bề mặt đất của cả khu vực TP.HCM.
PGS TS Lê Văn Trung đã sử dụng ảnh được cung cấp bởi ENVISAT – vệ tinh thám sát trái đất lớn nhất với 10 bộ cảm biến quang học và ra đa được phóng lên quỹ đạo vào năm 2002 nhằm thực hiện sứ mệnh thám sát bề mặt trái đất, khí quyển, đại dương và băng trôi.
Sử dụng 2 ảnh ENVISAT thu nhận vào ngày 16/12/2003 và 04/05/2004 với dữ liệu DEM-SRTM được xây dựng theo kỹ thuật InSAR (dựa trên việc loại bỏ những khoảng giao thoa trùng giữa hai ảnh, tạo ra khoảng giao thoa cuối cùng thể hiện sự thay đổi bề mặt), mới đây kết quả nghiên cứu của ông Trung cho thấy bề mặt địa hình ở tất cả các quận huyện đều bị biến dạng với các mức độ khác nhau.
Cụ thể : Tại các khu đô thị mới thuộc khu vực 3 quận 2, 7 và Bình Thạnh, độ lún đất đã vượt qua con số 20 cm. Trong khi đó, khu vực các quận huyện: 1, 3, 4, 5, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Chánh có độ lún từ 15 -20 cm. Các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức lún từ 10 -15 cm. Khu vực ngoại thành bị lún ít hơn so với nội thành, trong đó đáng kể nhất là Hóc Môn (từ 2,5 -10 cm), còn lại đều thấp hơn mức 2,5cm.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tiếp kỹ thuật xử lý PSIInSAR với ảnh hai vệ tinh ERS-1 và ERS-2 (được cung cấp bởi cơ quan không gian châu Âu) tại 5 thời điểm khác nhau và đã cho kết quả tương tự.
Đất lún là một trong các nguyên nhân gây ngập úng nghiêm trọng tại TP.HCM trong thời gian qua. |
Không thể xem thường
Theo PGS TS Lê Văn Trung, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với các khu chế xuất – khu công nghiệp và khu dân cư mọc lên như nấm ở các khu vực quận mới không chỉ tạo ra làn sóng xây dựng các công trình mà còn khiến nguồn nước ngầm bị khai thác bừa bãi, cạn kiệt.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy sản lượng nước ngầm bị khai thác ở TP.HCM hiện đã vượt mức 600 nghìn m3/ngày, trong khi lượng nước bù đắp chỉ ở mức dưới 200 nghìn m3/ngày.
Mực nước dưới đất của các tầng chứa nước ngày càng bị hạ thấp kết hợp với áp lực của các công trình xây dựng phía trên đã gây nên sự biến dạng (lún) bề mặt địa hình.
“Tình trạng lún đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và đe dọa đến sự tồn vong của các công trình dân dụng và công nghiệp. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy tình trạng lún ở TP.HCM rất đáng báo động.
Nghiêm trọng hơn là theo nghiên cứu của tổ chức liên quốc gia về biến đối khí hậu toàn cầu thì mực nước biển hiện đã tăng khoảng 10 cm so với thời điểm cách đây 20 năm trước, dẫn đến tình trạng nhiều khu vực ở TP.HCM có địa hình thấp (từ 2m trở xuống so với mực nước biển) thường xuyên bị ngập”. – PGS TS Lê Văn Trung cảnh báo.
Cũng theo ông Trung, nhiều nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Úc, Nhật, đặc biệt là Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải (TQ) đã áp dụng thành công công nghệ vũ trụ để phát hiện hiện tượng lún đất. Do đó, việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ cho bài toán lún của TP.HCM là hết sức cấp bách, cần thiết.