Sản xuất gây ô nhiễm môi trường: Chính quyền còn thờ ơ

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng chính quyền địa phương xem đây là… chuyện nhỏ và chỉ xử lý cho lấy có.

Ô nhiễm từ ấp phế liệu…

4 tháng nay, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh TPHCM mọc lên khá nhiều vựa phế liệu và lò tái chế nhựa phế liệu. Tuyến đường hai bên kênh Bà Tri, đoạn từ đường Võ Văn Vân đến hương lộ 80 dài khoảng 1 km, có đến gần 20 điểm phân loại, tẩy giặt bao ni lông.

Nhiều người dân địa phương cho biết, trước đây nước kênh Bà Tri trong veo nhưng giờ đây đã chuyển sang màu đen kịt do mỗi ngày có hàng tấn bao ni lông phế liệu được đưa xuống kênh giặt. Đặc biệt là mùi lông súc vật do những người kinh doanh phế liệu phơi đầy hai bên đường, bốc mùi hôi thối kinh khủng.

Ông Trần Văn Cành ngụ tại số nhà E8/21 ấp 5 xã Vĩnh Lộc B cho biết, vựa phế liệu nằm cách nhà ông khoảng 100m vừa mới xây lò nấu, đốt nhựa từ tháng 01/2008.

Từ sáng cho đến chiều tối, cơ sở này hoạt động thải khói đen, bụi than khiến mùi hôi nồng nặc bốc lên bay khắp khu dân cư. Hít phải luồng không khí ô nhiễm này, nhiều người dân, nhất là người già và trẻ em bị khó thở, nôn mửa, nhức đầu, cay mắt…
Bà Nguyễn Thị Minh Trang nhà số E15/32 ấp 5 cho biết thêm: “Từ ngày lò phế liệu hoạt động thải mùi hôi, con chị bị viêm họng thường xuyên, vừa uống hết thuốc thì vài ngày sau lại bị tái phát”.

Nhà chị Trang luôn đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi nhưng cũng chẳng ngăn được bao nhiêu. Gió thổi hướng nào thì nhà dân ở hướng đó lãnh đủ. Đáng lo hơn là Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 1 nằm gần đó nên mùi hôi ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến việc học của các em.

…Đến khu phố lò nhuộm

Còn người dân ở khu phố 3 phường Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân cũng khổ sở vì sống chung với khói, bụi, sức nóng từ các lò nhuộm tại đây gây ra. Trên con đường Gò Xoài, Tân Kỳ Tân Quý, dọc theo kênh nước Đen, hàng trăm ống khói sừng sững xỉa lên mái nhà xưởng, thải khói suốt ngày đêm.

Cao điểm là lúc tối 18-20 giờ, thời điểm các lò đồng loạt nổi lửa, khói đen bay mịt mù khu phố. Hơi nóng hầm hập từ các lò tỏa ra khiến nhiều người dân khu phố 3 có cảm giác như đang ở phòng tắm hơi.

Được biết, từ vài cái lò nhuộm từ Phú Bình (quận 11) chuyển về đây hoạt động từ năm 1999, sau đó thấy làm ăn được, nhiều người đổ xô về đây lập nên làng nhuộm vải có quy mô lớn. Theo thống kê sơ bộ, số lượng lò nhuộm tại khu phố 3 hiện có gần 200 lò và những chủ lò đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Nhiều bà con cho biết, khu vực này chưa có nước thủy cục nên người dân phải dùng nước giếng khoan. Vài năm trở lại đây, nguồn nước giếng này đang chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi không thể sử dụng được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các lò nhuộm đã xây các hầm chứa nước cho thẩm thấu một phần xuống đất và một phần cho chảy ra con kênh nước Đen, gây ô nhiễm tầng nước ngầm của các giếng khoan.

Giải quyết: Mời hai bên lên hòa giải?

Bà con cho biết, ngày 21/02/2008, tổ dân phố 8 và 9 đã gởi đơn đến UBND xã Vĩnh Lộc B đề nghị sớm giải quyết vấn đề khói thải gây độc hại môi trường từ các lò nấu phế liệu nhưng không được giải quyết. Bà con phản ánh đến công an xã Vĩnh Lộc B thì được nơi đây chỉ đến Ban Môi trường xã. Ban Môi trường xã lại trả lời đã chuyển vụ việc qua trật tự đô thị và giao cho Ban nhân dân ấp giải quyết. Người dân liên hệ Ban nhân dân ấp thì được trả lời: không có thẩm quyền xử lý!

Quá bức xúc, người dân phản ánh đến Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bình Chánh thì nơi đây “hứa” sẽ xuống kiểm tra… Nhiều người dân bất bình nói: “Khói từ việc đốt dây điện lấy đồng và các cách đốt phế liệu khác thải ra lượng khí dioxin rất lớn, độc hại gấp hàng ngàn lần khói thuốc lá, dễ gây ung thư cho người và vật nuôi nhưng chính quyền địa phương phớt lờ và xem đây là… chuyện nhỏ. Họ đùn đẩy và chỉ xử lý qua loa cho lấy có như lập biên bản vi phạm xong để đó…!”.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao khi phát hiện những làng ung thư thì cơ quan chức năng ráo riết tìm nguyên nhân để khắc phục (dù việc này đã quá muộn). Còn ở đây, tác nhân có thể gây ung thư cho người dân nằm sờ sờ ra đó mà chính quyền địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn? Sau khi “trên đổ cho dưới, rồi dưới lại đổ cho trên” để né tránh việc giải quyết, chính quyền địa phương cho mời hai bên lên hòa giải”.

Nhiều bà con ở đây bức xúc: “Lẽ ra, những chủ lò vi phạm Luật Môi trường thì căn cứ vào luật để xử lý, sao chính quyền địa phương lại mời người tố cáo ô nhiễm môi trường lên hòa giải với họ giống như tranh chấp tài sản dân sự? Liệu đằng sau việc chậm giải quyết ô nhiễm môi trường này còn có gì khuất tất?”.

Nhiều chủ lò thiếu văn hóa còn thách thức người dân: “Muốn kiện, tao chỉ chỗ cho mà kiện”. Thậm chí, một số chủ lò còn hăm dọa những người khiếu kiện: “Chỗ làm ăn của người ta, đứa nào bày đặt quậy phá, tao cho người bẻ cổ”.

Vậy bao giờ mới xử lý tình trạng ô nhiễm nói trên để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân?