Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cũng như nông dân ở nhiều địa phương trong nước, đa số nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện còn thiếu hiểu biết về thị trường; thiếu khả năng và điều kiện tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Vì thế, nông dân không phát huy được các tiềm năng sẵn có, chi phí cho sản xuất lớn, lợi nhuận thấp, rất lúng túng không biết phải đối phó như thế nào trước sự bùng phát của các dịch bệnh, trước những diễn biến thất thường trên thị trường… Trong bối cảnh đó, nhiều người nhận thấy mô hình liên kết “4 nhà cùng nông dân ra đồng” đã giúp cho nhà nông có khả năng vượt qua khó khăn để an tâm sản xuất. Đây cũng được xem là mô hình khuyến nông hữu hiệu thời hội nhập.
Từ cuối những năm 1980, khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, để giúp hạt gạo ĐBSCL tăng sức cạnh tranh trên thương trường, tỉnh An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu, đã đề ra chính sách “4 nhà”. Sáng kiến này của ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã tạo ra động lực mới, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông ở An Giang.
Bốn nhà đó là: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Họ cùng ngồi lại, liên kết, hợp tác với nhau để tạo nền tảng phát triển nông nghiệp vững chắc. Nhà nước tham gia khuyến nông thông qua hệ thống ngành nông nghiệp. Nhà doanh nghiệp có nguồn lực tài chính tham gia để giúp nông dân và cũng nhằm đạt mục tiêu riêng của mình. Sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học ở các vụ, viện, trường… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đến với nông dân… Còn với nhà nông thì sự hợp tác đó chính là những điển hình nông dân tiên tiến, sản xuất kinh doanh giỏi.
Thành công của liên kết “4 nhà” tại An Giang đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi vụ lúa, thông qua việc thực hiện chương trình “Ba giảm ba tăng”; chương trình chuyển giao kỹ thuật chọn tạo giống, nâng diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận trên 60%; tạo ra trên 200 tổ sản xuất giống cộng đồng; hàng trăm nông dân biết chọn tạo và sản xuất giống theo yêu cầu của sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Mô hình “liên kết 4 nhà” sau đó nhanh chóng được nhiều địa phương ở ĐBSCL hưởng ứng và nhân rộng.
Thế nhưng, vụ lúa hè thu năm 2006, cả ĐBSCL điêu đứng vì bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL), gây thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa, ước tính cả ngàn tỉ đồng. Lúc đó, để giữ an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng xuất khẩu gạo! Phong trào “liên kết 4 nhà” lúc này gặp trở ngại lớn. Hệ thống bảo vệ thực vật của nhà nước thông qua ngành nông nghiệp quá mỏng và không đủ tiềm năng về tài chính để hỗ trợ nông dân. Giới khoa học cũng không đủ người và tiềm lực tài chính để có mặt ở khắp nơi khi dịch bệnh lan rộng. Khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của nông dân vì thế cũng không đáp ứng được việc phòng chống các dịch bệnh mới bùng phát.
Lúc đó, vụ lúa đông xuân 2006-2007 tại ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (nơi 2 vụ lúa trước bị dịch VL-LXL phá hoại nặng) tiếp tục đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhưng cũng từ “cái khó” ấy, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), tại đây, một mô hình 45 ha phòng chống bệnh VL-LXL cho lúa đông xuân đã được hình thành. Một tổ cán bộ gồm 3 người do Tiến sĩ (TS) Nguyễn Như Cường – Viện Bảo vệ Thực vật Hà Nội- vào “cắm trại” ngay bên mô hình 45 ha này. Và ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa đã thành công trong việc đẩy lùi bệnh VL-LXL, đem lại năng suất bình quân 8,64 tấn/ha lúa nếp – thứ lúa rầy nâu ưa thích nhất. Thành quả đó đã làm nức lòng nông dân ĐBSCL.
Sau thành công này, AGPPS đã tổ chức cho nông dân các tỉnh ĐBSCL đến tham quan “mô hình ấp 4”; đồng thời tổ chức hội thảo khoa học với sự tham dự của giáo sư nhiều viện, trường từ Nam chí Bắc và nông dân tiên tiến các tỉnh. “Mô hình ấp 4” mau chóng được nhân rộng ở ĐBSCL.
Tỉnh Trà Vinh đã đề nghị AGPPS xây dựng mô hình phòng chống bệnh VL-LXL tại ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần – một ấp có 99% đồng bào là người dân tộc Khmer, trình độ canh tác thấp, thất mùa liên tiếp vì sâu bệnh. Lúc đó, AGPPS đứng trước thách thức lớn khi đầu tư vào mô hình 110 ha tại ấp Cầu Tre. Bởi lẽ, trình độ canh tác nông nghiệp của người dân ở đây còn thấp, nhiều tập tục canh tác lạc hậu còn đè nặng người trồng lúa, điều kiện tự nhiên lại khắc nghiệt (cuối nguồn nước ngọt, thường bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô)…
Nhưng với sự “dấn thân” của nhà khoa học trẻ, TS Nguyễn Như Cường và các đồng nghiệp đã ngày đêm bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con nông dân những biện pháp kỹ thuật tiên tiến, xử lý giống, sạ thưa bằng máy sạ hàng, bón phân đúng lúc, theo dõi mật độ rầy nâu, không phun thuốc trừ sâu khi chưa cần thiết để tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường… Họ đã tạo một kết quả thật bất ngờ: ấp Cầu Tre được mùa lớn vụ hè thu, tiếp đó là vụ thu đông 2007. Năng suất lúa hè thu bình quân trên 5 tấn/ha, nông dân có lời lớn từ cây lúa.
Tiếng vang từ Cầu Tre đã khiến Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Tà Keo (Campuchia) là ông Sa Run sang dự ngày hội mừng được mùa ở ấp Cầu Tre và tha thiết mời các chuyên gia Việt Nam sang giúp tỉnh này xây dựng mô hình trồng lúa như ở Cầu Tre. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ thị cho ông Trần Hoàng Kim- Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh – phải tìm cách nhân rộng mô hình Cầu Tre.
Thắng lợi ở ấp Cầu Tre, một vùng nông thôn sâu nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên và xã hội, đã chứng minh: Người trồng lúa vẫn có lời trong sự cạnh tranh gay gắt thời hội nhập, trong bối cảnh có nhiều loại dịch hại do thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường… một khi “4 nhà” cùng siết tay nhau, “cùng ra đồng với nông dân”- như cách mà TS Nguyễn Như Cường và các cộng sự của anh đã thực hiện ở ấp Cầu Tre.
Thế là sau những thành công gặt hái được từ các mô hình ở Long An, Bến Tre, Trà Vinh của vụ đông xuân 2006-2007, hè thu và thu đông 2007, Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của tỉnh An Giang mà nòng cốt là AGPPS đã ra đời. Với tiềm lực kinh tế của một Công ty cổ phần có doanh thu gần 2.000 tỉ đồng mỗi năm, AGPPS đã tuyển dụng và đào tạo thêm 41 kỹ sư nông nghiệp, nâng tổng số cán bộ kỹ thuật lên 91 người trực tiếp cùng bà con trên đồng ruộng sản xuất.
Mỗi nhân viên kỹ thuật của AGPPS (gọi tắt là lực lượng FF) được trang bị đầy đủ các phương tiện đã triển khai tại 13 tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ với 1.000 điểm trình diễn và 11 mô hình trên diện tích 1.800 ha, với 15.000 nông dân trực tiếp tham gia. Mỗi nhân viên của lực lượng FF là một “TS Như Cường” trên đồng ruộng, cùng ăn- cùng ở- cùng làm với nông dân.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty AGPPS trực tiếp cùng nông dân giải quyết các vấn đề khó khăn trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Họ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, các yêu cầu trong sản xuất của nông dân. Và những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn đó trở thành đơn đặt hàng cho các nhà khoa học ở các viện, trường nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện qui trình sản xuất phù hợp từng vùng, đáp ứng nhu cầu sản xuất hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO. Các nhân viên FF trở thành cầu nối giữa khoa học và thực tiễn, giữa nông dân và nhà khoa học; giúp người sản xuất nâng cao trình độ để tự quản lý đồng ruộng thông qua việc thực hiện các mô hình canh tác tốt, quản lý dịch hại tổng hợp…
Với cách làm của AGPPS, mối “liên kết 4 nhà” được củng cố và nâng cao. Nghiên cứu khoa học của các trường, vụ, viện, các nhà khoa học độc lập đã được đưa vào phục vụ sản xuất một cách thiết thực, hình thành các tiến bộ kỹ thuật thực sự. TS Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, đơn vị đưa quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất trong liên kết “4 nhà” thời gian qua, cho biết: “Quy trình áp dụng trên đồng ruộng ĐBSCL vừa qua là quy trình động, phù hợp với từng vùng, từng thời điểm dịch hại và phù hợp với nguyên tắc IPM – chủ động quản lý dịch hại, thiên tai”.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, một số nhân viên FF cho biết, ngoài khoản lương được AGPPS trả đủ sống, họ được nông dân “nuôi” suốt tháng và hầu như không có đám giỗ nào trong làng mà nhân viên FF không được mời.
Võ Minh Huân, một nhân viên FF, nói: “Nông dân chỉ thiếu khoa học kỹ thuật, kiến thức sử dụng thuốc BVTV, nếu có, họ sẽ thoát khỏi dịch rầy nâu, VL- VXL một cách nhẹ nhàng. Được đến với nông dân, cùng họ một nắng hai sương trên đồng ruộng, tôi học được ở họ nhiều kinh nghiệm sản xuất, còn họ học ở chúng tôi những kiến thức khoa học mới. Hai bên ngày càng trở nên thân thiết. Rồi niềm vui bùng lên khi vụ mùa bội thu. Đến lúc này, nông dân coi chúng tôi như những người ruột thịt. Có lẽ đây là hạnh phúc đặc biệt của những người FF”.
Liên kết “4 nhà cùng nông dân ra đồng” là một sáng tạo xuất phát từ thực tiễn sản xuất lúa gạo ở tỉnh An Giang. Nó báo hiệu một thời kỳ mới của cây lúa ở ĐBSCL với sự “dấn thân” của các doanh nghiệp. Với cách làm như thế, chúng ta có quyền hy vọng cây lúa – hạt gạo Việt Nam sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.