Đã gần chục năm nay, ông Nguyễn Vinh Xưởng ở phường Tứ Liên (Tây Hồ – Hà Nội) lặn lội đi khắp chốn cùng quê để làm cái việc chẳng mấy ai hứng thú, đó là nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi như bình, chum, liễn, lọ… đã sứt mẻ, cũ kỹ rồi mang về trưng bày.
Đây không chỉ là một thú chơi
Nhiều người bảo ông gàn, ông chỉ cười: “Đây không chỉ là một thú chơi, tôi muốn con cháu mình có thể hình dung được cuộc sống của cha ông cách đây hàng thế kỷ”.
Ngôi nhà 3 tầng khang trang của ông nổi bật nhờ những dò phong lan rực rỡ. Bước vào sân, bạn sẽ thấy ngỡ ngàng trước những chum, vại, … được bài trí rất ngăn nắp, thẩm mỹ.
Trong “khu vườn quê” ấy hiển nhiên không thể thiếu được tiếng chim hót, nước chảy róc rách. Chủ nhân của “bảo tàng” tươi cười: “Chả cứ gì ngày cuối tuần, vào ngày thường, đồng ngũ của tôi, hay mấy cụ già ở Hội Sinh vật cảnh thường xuyên rủ nhau tới đây để được hưởng không khí thanh bình, thôn dã”.
Lý giải cơ duyên đưa ông đến với thú sưu tầm có một không hai này, ông Xưởng bảo: “Chỉ tại ông… Dương Thụ. Một lần, tôi xem ti vi, thấy nhạc sỹ có thú chơi lạ – sưu tầm đồ cổ, điều đặc biệt là ông ấy bày biện, sắp xếp rất đẹp mắt khiến vợ chồng tôi mê mải đến… “phát điên”. Mấy đêm liền, chúng tôi bàn nhau đi điền dã, thăm thú các làng quê, từ đó góp nhặt những thứ này. Được cái, bà nhà tôi có cùng đam mê nên quyết tâm được nhân đôi”.
Thế rồi, đang sinh sống ở Hàng Buồm, ông bà chuyển dinh cơ lên Tây Hồ. Với diện tích khá rộng rãi, không gian thoáng đạt, bên trên, ông treo khoảng 200 dò lan đủ loại, nào Tai trâu, đuôi sóc Lào, địa lan… là sản phẩm từ những chuyến ngược rừng của ông bà. Dưới bóng mát của lan là hàng ngàn hiện vật như chum, vò đựng hạt giống, bát, đũa, nậm rượu, liễn đựng tương… với chất liệu phong phú như gốm, tre, gỗ, đá…
“Từ ngày có bảo tàng nhỏ này, gia đình tôi vui hẳn lên. Cuối tuần, con cháu tề tựu đông đủ, lại thêm bạn bè chúng nữa, đứa này rỉ tai đứa kia, rủ nhau đến. Thế là nhà tôi thành địa điểm lý tưởng, hấp dẫn cho kỳ nghỉ cuối tuần. Bà nhà tôi bỗng nhiên lên chức “hướng dẫn viên du lịch”. Nhiều cháu đến đây để tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của ông bà ngày xưa. Thế mới biết, bọn trẻ không phải đứa nào cũng thích chát, game…” – ông Xưởng hồ hởi khoe.
Nó ẩn chứa công sức, mồ hôi của người thợ thủ công và văn hoá truyền thống
Vừa đưa khách đi thăm vườn bà Lê Thị Phụng, vợ ông vừa giải thích: “Thú chơi này tốn tiền chứ chẳng ra tiền, bởi chúng tôi không kinh doanh, cho dù rất nhiều người ngỏ ý mua lại những thứ này. Điều duy nhất khiến vợ chồng tôi say sưa lân la nhặt nhạnh, thậm chí mua lại những thứ bỏ đi là để thế hệ sau biết trân trọng sức lao động của cha ông, hiểu được cuộc sống sinh hoạt từ xa xưa của thế hệ trước”.
Có thể cảm nhận được điều ấy khi ông bà khoe bộ điếu bát có từ đời nhà Thanh, hay bộ liễn bằng gỗ được bài trí rất trang trọng trên bàn thờ. Ông Xưởng cho biết: “Trong một chuyến đi xa, tôi đã mua lại bộ liễn này của một nhà nông. Sau đó, tìm trong tài liệu, gặp gỡ nhiều chuyên gia, tôi mới biết, đó là vật quý. Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), dân mình thường dùng liễn để đựng cơm. Liễn cao và có nắp là để dành cho bậc thượng lưu. Còn tầng lớp dân thường chỉ dùng liễn thấp và không nắp. Đó là nét văn hoá độc đáo mà nếu không lưu giữ lại, liệu con cháu mình có biết đến thời kỳ thuộc địa đen tối ấy?”.
Thế là từ thuở ban đầu với mấy cái chum đựng thóc, đến nay, khu trưng bày của ông đã trở nên chật chội, đến mức, ông phải gửi nhờ mấy người bạn cùng chung sở thích. Chỉ tay vào cái vại đựng thóc với vẻ ngoài sáng láng nhưng còn hằn rõ vết gắn bằng xi với vẻ mặt đầy tự hào, ông bảo: “Để nó hoàn chỉnh thế này không đơn giản đâu. Tôi phải mất 3 tuần mới làm được đấy. Lúc đầu không có kinh nghiệm, cái vại bị vỡ thành 8 mảnh, tôi cứ gắn bằng keo rồi nó lại bong ra. Nhưng làm mãi, tôi phát hiện ra, chỉ có gắn xi, sau đó mới dùng đến keo, thế là ổn. Giờ thì kể cả là vỡ vụn tôi cũng phục chế nó thành hình”.
Ông kể, gần 1.000 hiện vật này hầu hết ban đầu đều không nguyên vẹn, lành lặn. Thế nên ông thấy tiếc khi người ta vứt vào bụi rậm hay sọt rác. Vì ẩn chứa trong đó công sức, mồ hôi của người thợ thủ công và văn hoá truyền thống của cha ông. Trong bộ sưu tập của ông, có cả những chiếc chum niên đại hàng trăm năm. Nhưng ông trân trọng nên hàn gắn, phục chế lại để người đời có dịp thưởng thức.
Được hỏi vì sao ông không thành lập một bảo tàng tư nhân, biết đâu đó lại là “của độc” giúp ông sinh lời, ông Xưởng từ tốn nói: “Tôi nghĩ người sưu tập, dù là đồ cổ hay chỉ là những thứ vô tri vô giác thì điều quan trọng nhất là cái Tâm chứ không phải chuyện lời lãi. Vì thế, chỉ mong sao những gì vợ chồng tôi làm sẽ giúp con cháu tôi giữ được nếp nhà, sống tốt hơn, biết trân trọng hơn sức lao động và tinh hoa văn hoá của dân tộc”./.