Cánh chim rừng không mỏi (Kì 5): Cuộc sống dựng từ rừng hoang

ThienNhien.Net – Quyết sách cho vấn đề di dân tự do vùng Đắc Nông nói riêng và mọi miền nói chung là việc của các nhà quản lý. Song, khi mà chúng ta ở quá lâu trong mớ lùng nhùng “đi thì cũng dở, ở không xong” đối với người di cư tự do và về vấn đề di dân tự do như hiện nay, thì chính cán bộ cơ sở cũng không biết phải đưa người di cư tự do “sờ điểm nào cũng sai” ra khỏi địa bàn, hay là nỗ lực hơn nữa để tạo điều kiện cho bà con mình ổn định cuộc sống? Chính bà con cũng cứ thậm thụt ở với rừng, khi thì bị trục xuất, khi thì được quy tập lại để “định canh định cư”. Sự mặc cảm ấy, đôi khi là nguyên nhân để sinh ra những cái kiểu trốn tránh: thấy khách đến là ai cũng… bỏ đi nương.

Kì 1: Nhật ký ở nơi “cuối đất cùng trời”

Kì 2: Bùng nổ xã mới, thôn mới

Kì 3: Rừng mất, cán bộ giữ rừng bất lực

Kì 4: Nóng bỏng Đăk R’măng

Quả thật là cán bộ địa phương không thể làm gì hơn được những gì họ đang làm hiện nay, với đối tượng là người di cư tự do. Nhất là khi mà các diễn biến như cò mồi đất, cò mồi phá rừng, lợi dụng bàn tay người thiểu số để phá rừng lấy đất bán trao tay ngày càng phổ biến. Cán bộ xã chỉ nắm tình hình rồi… báo cáo. Rồi Tết nhất cứu trợ cho bà con, mỗi hộ vài lít dầu, vài ký lô muối. Tạo điều kiện cho các giáo viên xâm nhập các cụm dân cư (14 cụm!) để tìm học trò vận động các cháu đến trường. Làm đăng ký tạm trú, làm giấy khai sinh, đưa các cháu rời rừng rú đến trường, thôi thì có khi 16 tuổi mà chưa đi học cũng cứ nhét cả vào lớp một. Các cháu dựng lều mà học, kê vài hòn đá tảng giữa trời đất nơi bìa rừng mà nấu nướng lì lụt ăn với nhau. Học cho nó… gọi là có học.

Các cái dự án tiền tỷ, gom 14 cụm dân cư kia vào, thành lập cả hai cái… xã mới của người Mông, nghe đâu cũng đang được bàn thảo; rồi điện đường trường trạm cũng xắm nắm để được triển khai phục vụ bà con mình – cán bộ xã chỉ nghe vậy, biết vậy, đó là việc của các “cơ quan cấp trên”. Nếp nghĩ, nếp làm này đã gây nên những hậu quả tai hại.

 xóm di cư
Khoai mì (sắn) đang vào mùa bội thu. Những bao tải sắn được xếp gọn ghẽ ven đường và ven các ngôi nhà tạm bợ, cụm 17 dân di cư tự do, xã Đăk R’măng. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

Chúng tôi cùng với cán bộ xã vào rừng. Không có một túp lều nào có người dân. Họ đi nương, hoặc cố tình đi nương. Đám trẻ lóc nhóc đùa trên những bao xác rắn màu đỏ chứa toàn sắn thái lát xếp như tường thành cao, thấy khách lạ, đứa nào cũng đứng nghiêm sợ sệt. Đám con buôn đã kịp đem píp pô kem mút len lỏi vào các cụm dân cư hoan hỉ bán. Mát lạnh đường hóa học, giữa nắng nỏ, cái thức quà dù chẳng ra gì ấy, luôn gợi lên sự tươi mới, gợi lên niềm vui mục đồng ngơ ngẩn. Đám xe thồ cũng đẩy lúc lỉu chảo gang, xoong đại bằng nhôm trắng lấp lóa vào xóm – những món hàng ấy, bà con người Mông rất thích. Có vẻ như một cuộc sống mới đã thật sự bén rễ xanh cây.

Phá rừng là sai, ai đó bắt giữ hành hung cả cán bộ lâm nghiệp là sai. “Nhảy dù” là càng sai. Nhưng rõ ràng, cái sự “hồi sinh” mỡ màng đang hiện diện ở nhiều cụm người di dân tự do kia.

Trước, bà con bản xứ đã phải bỏ mấy cái thung lũng hễ mưa là ngập lụt nơi này ra đi, bởi hễ mưa là nó ngập, ngập lút nóc nhà. Rừng hoang, cỏ dại, lau lách tràn lấp xóm buôn cũ. Nay, bà con người phương Bắc cứ nhảy đại vào ở, mùa đến, vẫn ngập, vẫn cô lập đường ra xã. Nhưng bà con chấp nhận, là bởi vì cái mùa không ngập đất rất tốt, là bởi vì “méo mó có hơn không”. Sống như hiện nay, dẫu gì thì cũng hơn vạn lần cái cảnh chạy từ Bắc vào Nam tìm miền đất hứa, nhảy dù vào khu rừng nào cũng bị “trục xuất”.

Giàng A Sem, 25 tuổi, từ Bắc Hà, Lào Cai vào Đắc R’măng đã 7 năm, mua được xe Wave Tàu 9 triệu, đẻ được đứa con xinh xẻo (một đứa đã “hữu sinh vô dưỡng” vì lối sống du mục giữa rừng hoang của Sèng). Tôi gặp Sem địu con, chở vợ đi trên chiếc xe máy xanh biếc. Cả ba cười tít mắt, răng trắng lóa. “Ai giàu nhất ở đây, hả Sem?” – Anh Lực hỏi. “Mình chưa nghĩ được đâu. Giàu thì ít người giàu lắm. Vì vất vả nhiều năm ở đây rồi, ngày nào cũng làm việc đến khuya ngoài rẫy, nên ai cũng có tiền một tí, một tí thôi mà” – Sem bảo.

 thủy điện tự chế
Với cuộc sống còn nhiều “cái không”, những người dân đang tự xoay sở cho cuộc sống của mình. Đây là công trình thủy điện tự chế của bà con cụm 17, xã Đăk R’măng.
 (Ảnh: PanNature)

Chấp nhận cuộc sống dựng từ… hư vô của rừng hoang, bà con cũng chẳng sung sướng gì. Vẫn biết rằng cả rừng núi, cả cộng đồng đang phải khổ sở vì cái sự chả sung sướng gì của bà con. Đến ngày bầu cử, cũng phải đón bà con từ rừng ra, lo ăn ở, lo đi lại mấy ngày trời để bà con thực hiện quyền công dân. Giữa heo hút, đến chợ của xã Đắc R’măng còn không có, nói gì chợ búa cho người di cư tự do sống giữa lõi rừng được bảo vệ. Thế là bà con cứ một mình với hoang vu. Có khi, cả cụm dân cư, mỗi tuần chỉ cử 1 người đại diện đi chợ mua những thứ không tài nào tự cung tự cấp được, những thứ tối thiểu của một cuộc sống nhục nhằn, như dầu thắp sáng và muối ăn để sống làm người thôi. Nồi niêu treo trên cành cây, lều nương, vách nứa xiêu vẹo, cuộc sống tạm bợ đến mức không tưởng tượng được. Mấy cụ già ở bản, ai cũng đờ đẫn ngồi trong phên liếp tránh nắng. Cụ Vàng A Phao, dăm năm nay, ở rừng, chỉ ước ao có cái ra-đi-ô để nghe, mà mấy năm rồi, ao ước vẫn treo ở đầu núi xa.

Phó cụm (tạm bầu lên như thế để cho nó… có vẻ chính thống) tên là Vàng Văn Dùng, lúc 12 giờ trưa, nắng như đốt lửa khắp thung lũng, vẫn ở chon von trên đỉnh núi phơi khoai mỳ (sắn). Một tiếng đồng hồ sau, cậu con trai đi nhanh như sơn dương của anh ta mới đi gọi được bố mình về. Đám trẻ nhỏ, ở trần ở truồng, đi thung thăng trong đồi vắng, thấy khách, chúng bỏ chạy tán loạn. Tiếng khóc thét lên trên đồng cỏ cháy. Vẫn biết là tiếng thét con trẻ, vẫn biết là nỗi sợ hãi con trẻ, nhưng càng ngẫm càng thấy thắt lòng. Anh Dùng là phó cụm (lâm thời), nên công an xã mới có mối liên hệ, mới mạnh dạn cho đi “mời” về như chứ người khác, hỏi gì cũng không biết, nói gì cũng cần phải… xem lại, vì họ thận trọng, đề phòng, mặc cảm, lẩn trốn liên tục và liên tục.

Câu chuyện với anh Dùng, phần nào giúp chúng tôi hình dung ra chút đỉnh, con đường đã đưa những phận người miền cực Bắc, như cánh chim rừng không mỏi, dạt vào vùng đất hoang hóa này cũng như số phận họ.

Anh Dùng từ tỉnh nào vào?
– Từ Bắc Hà, Lào Cai, mình đến xã Chà Chang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên từ năm 2001 mà. Từ đó, năm 2003, mình vào thẳng trong Đắc R’măng này thôi.
Lúc vào, đây toàn rừng rậm?
– Trên núi mới có rừng. Chỗ mình dựng nhà này, toàn là rừng trảng cỏ, rừng lồ ô (tre nứa).
(Các đồng chí công an xã chứng kiến cuộc trò chuyện phản đối câu nói này của Dùng, họ cho rằng, Dùng và bà con đã phá rừng đích thực, phá những cánh rừng để “dọn đất nhảy dù”).
Không lẽ tự dưng anh biết, cách nơi anh ở những hơn 1.500km, có một vùng màu mỡ như thế?
– Quê mình, mình không có một miếng ruộng gì cả. Vào đây, mình đi theo một người anh em, tên là Mã A Lử, anh ấy vào đây coi đất trước, rồi rủ mình đi chứ!”.
Ai đã rủ Lử đi?
– Là Mã A Phù, Phù nó là người lớn hơn, là anh em họ hàng. Vợ nó là em gái của mẹ mình. Phù “nó” mới bỏ về quê cũ rồi, nó không thích ở đây nữa.
Nếu có thể, anh sẽ ở lại Đắc R’măng lâu dài chứ?
– Muốn. Mình có nhiều con, một thằng Phàng đã lấy vợ rồi. Hai thằng Vàng A Lự, 12 tuổi, đang học lớp 5 ngoài trường Lê Lợi của xã Đắc R’măng. Mình mua xe máy cho nó, sáng đi học, chiều về cụm giúp bố làm khoai mỳ. Thằng nhỏ lớp 2, tên là Vàng Seo Sủ, mình cho nó ở luôn ngoài trường nội trú. Đi học khổ lắm.
Kinh tế nhà anh thế là khá giả, ít ra là so với cuộc sống của những người bà con như anh?
– Nhà mình có 8ha để trồng đậu, lúa, mì. Sắn khô, chặt khúc ra, loại đẹp, giờ bán được 27.000đồng/kg. Họ vào tận đây họ mua. Chúng tôi cũng đổ mồ hôi, đổ nhiều nước mắt vào vùng đất này lắm rồi. Bà con còn khổ hơn tôi. Giờ chỉ ước ao được nhà nước quy hoạch, có nước suối, nước giếng để sinh hoạt. Có muối, có dầu để sống. Chúng tôi biết là mình đã sai. Nhưng chúng tôi không có đồng tiền nào để mua đất. Vào đây, biết là mình đã làm sai. Nhưng, khi đã vào đây để kiếm ăn, chúng tôi chăm chỉ làm ăn, không làm một điều gì sai trái nữa. Giờ chỉ biết làm suốt ngày đêm, khi ốm đau, khi đói khát, chỉ biết khóc. (Nước mắt anh Dùng ầng ậng, mấy cán bộ xã ý tứ quay đi). 

 
 Bếp lửa
 học trò vùng sâu
 học sinh vùng sâu 3
Các cháu học nội trú vì nhà gần nhất cũng cách trường tới hơn 10 cây số. Đôi tay đã sớm chai sần vì phải tự túc làm lấy tất cả mọi việc. Nhờ thầy cô tận tình động viên nên số học sinh nghỉ học hẳn ít thôi, nhưng các lớp vẫn vắng vì nhiều cháu phải tạm nghỉ vài hôm để phụ giúp bố mẹ thu hoạch mì hoặc trông em.
(Ảnh: PanNature)
 

Lúc ốm đau, đường đồi núi cheo leo, không khiêng bà con mình ra trạm xá, đi bệnh viện thì họ chết mất. Có ai muốn tự dưng tìm vào tít trong rừng sâu này để ở không? Một tuần mới đi chợ một lần, ở tít ngoài xã Quảng Sơn, con cháu thì dựng lều tranh trọ học. Thế mà khi đau ốm, khi nước lũ dâng cao, cái cầu bị trôi mất. Trẻ con từ lều ở ven trường về nhà lấy gạo, bị nước lũ không thể đến trường được nữa. Người bị ốm, đang khiêng ra viện thì chưa vượt qua được suối, chưa ra được trạm xá đã chết. Con thằng Phềnh cạnh nhà mình vừa chết năm ngoái, là vì thế. Ở cụm 5 ngoài kia, mấy người cũng chết. Nước ngập lút cả cái gốc cây xoài kia, cái thằng ấy ăn gì bị đau bụng khiêng nửa đường thì nó rơi xuống và chết”.

Đã có những ngày, chỉ cách đây không lâu, trường PTCS Lê Lợi của xã Đắc R’măng là tiêu điểm gây “sốc” về sự xập xệ của toàn Tây Nguyên. Các nhà hảo tâm đã chung lưng xây phòng học, đưa các em khỏi sự đói khát, nhếch nhác kiểu “dựng lều trọ học”, ăn đói mặc rách. Một trong những lý do cho kỷ lục đó, là sự góp mặt của ít nhất 234 em học sinh người Mông thuộc diện di cư tự do “toàn tòng”, chiếm một nửa sỹ số toàn trường! Cái dự án gom nhóm gần 4.000 người nhảy dù của Đắc R’măng vào làm 2 xã mới của người Mông giờ mới manh nha. Nhưng, ở trường Lê Lợi, thì màu áo và phong tục của trẻ em người Mông đã quá quen rồi.

Cả trường, không một ai biết một câu một từ tiếng Mông. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Chiên cứ nằn nì, cứ thăm hỏi và xót thương các cháu mãi, rồi cũng dần dà động viên các cháu giúp cô trò tìm được ngôn ngữ chung: tiếng Việt. Các cháu học tiếng Việt, học chữ. Rồi tất cả những đứa không biết chữ, gom cả vào làm… lớp 1. Cô giáo vào các cụm dân cứ, rợt nước mắt xuống rừng cháy, thương các cháu đến quặn lòng. Đầu xanh có tội tình gì!

Chiều về, từ trong hốc cây bị xẻ thịt nằm trơ lơ, tôi gặp hai bé con chui vào hốc gỗ mục, lôi ra hai cái nồi đen nhẻm và lụi hụi nấu nướng. Chỉ có một cái nồi, và chỉ nấu một thứ là cơm. Ăn với muối. Nước để trong những cái can 2 lít, lổn nhổn mỗi cháu một can. Hàng can đứng trắng đục, trắng nhàu cả một góc rừng. Bé Vừ Thị Sai, nhà ở cụm 17, bố tên là Vừa A Hồ, cháu đang học lớp 2A, cô Hạnh chủ nhiệm. Quê cũ cháu ở đâu ư? Cháu khong bí đô (không biết đâu). “Con tên là Vàng Thị Mơ, lớp 1, nhà cũng ở cụm 17 mà. Chư pâu! (con không biết gì nữa)”.

Hai bé nấu cơm. Chỉ một phên tranh áp vào gốc cây khổng lồ là thành cái bếp ở ngay đằng sau lớp học, hai bé con, như đôi chim chiền chiền làm hang trong hốc cổ thụ. Cô Chiên không đành lòng quay đi. Tôi bắt gặp nụ cười lỏn lẻn, váy áo rực rỡ của hai bé con. Bên cạnh, bọn con trai quét dọn khu đất trống để tất cả đều nấu cơm giữa trời, chúng vung chổi tre như Quan Công khiển Long đao. Bụi mù mịt. Bên cạnh, mấy cậu bé đang hè nhau chẻ một cái lốp xe máy cũ ra thành từng miếng. Dùng cao su ấy để nhóm lửa, khét mù, lửa lốp xe cũ nhuộm cái chiều muộn hoang vu xám xịt, lạnh lẽo của rừng trở nên ấm áp. Tối, chiếu trải ra cái phòng trống huyênh, quần áo ném lổn nhổn trên sàn, căn phòng không có một thứ vật dụng gì. “Các cháu nằm ôm nhau co quắp, thương lắm!” – Chủ tịch xã K’Rang điểm xuyết vào cảnh buồn một câu tiếng Việt lơ lớ.