Ai đang bảo vệ môi trường?

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thực thi các giải pháp bảo vệ môi trường đạt kết quả rõ rệt, vấn đề giờ đây là kịp thời tôn vinh và nhân lên các điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường cho kịp với tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đô thị hóa đất nước. Đâu là những mô hình điểm, những tấm gương sáng trong công tác này ? Những câu chuyện hay, những báo cáo đa dạng và sinh động tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch diễn ra tại Hà Nội ngày 8/4 cũng như hoạt động sôi nổi khắp đất nước sẽ giúp giải đáp câu hỏi này. Hội nghị do Bộ TN&MT, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức.

Một dự báo đã khá rõ là đến năm 2010 có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động (hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa) và các ngành khai khoáng, xây dựng, hóa chất có xu thế phát triển mạnh mẽ, sẽ tạo ra những thách thức về ô nhiễm môi trường. Đáng nói là hiện nay trên cả nước có trên 100 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 10% số khu công nghiệp có hệ thống xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn. Nhiều nơi chưa thực hiện, sử dụng đúng mục đích kinh phí chi 1% tổng chi ngân sách Nhà nước cho môi trường.

Rõ ràng, các địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành còn nặng về các mục tiêu kinh tế mà coi nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường, chưa kiên quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong bối cảnh đó, việc tuyên dương và nhân rộng điển hình tiên tiến càng cấp thiết hơn bao giờ hết, không những chỉ để khẳng định phong trào với các mô hình dưới dạng cam kết môi trường mà còn để cảnh báo vấn đề chất thải công nghiệp, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề nghiêm trọng, bức xúc trên cả nước. Các nhà khoa học đã tính nếu GDP tăng 1% thì chất thải tăng 3%, có tỉnh tăng tới 13%. Có những tỉnh tỷ lệ khu công nghiệp có khu xử lý nước thải chỉ đạt 15%, ô nhiễm môi trường đã vượt quá sự phát triển kinh tế và hậu quả đang phải trả giá bằng chính môi trường sống.

Tuy nhiên, đối với những người có trí tuệ và tâm huyết muốn cống hiến cho công tác bảo vệ môi trường bằng mọi cách có thể, thì sức ép về môi trường lại như một động lực khiến họ say mê vào cuộc. Ở các vùng nông thôn, đồng bằng, vệ sinh môi trường là một trong những vấn đề chính trong các cam kết môi trường. Còn tại miền núi và các địa phương có rừng hoặc gần các khu bảo tồn thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học lại là vấn đề chính trong các hương ước, quy ước của làng xã, cộng đồng…

Bài học thành công thực hiện các cam kết về môi trường không chỉ là nhận thức của cộng đồng, nguồn nhân lực hay ngân sách thực hiện. Điều cần thiết giờ đây còn là mức chế tài xử phạt cần được điều chỉnh cho phù hợp. Khung hình phạt hành chính cao nhất hiện nay dành cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là 70 triệu đồng, nhưng đa phần phạt 30-40 triệu đồng, trong khi lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu về lên tới hàng tỷ đồng. Do vậy, số tiền phạt này chưa thấm vào đâu so với thực tế ô nhiễm đã gây ra và các đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng xả thẳng ô nhiễm ra môi trường, chấp nhận chịu phạt. Có ý kiến đề nghị nâng mức chế tài xử phạt người đứng đầu doanh nghiệp vi phạm từ 2-5 năm tù, đồng thời sửa Pháp lệnh xử phạt hành chính vi phạm môi trường.

Suy cho cùng, tôn vinh các điển hình là tập thể và cá nhân bảo vệ môi trường, hiện tại và tương lai, buộc cộng đồng phải suy nghĩ nghiêm túc về tất cả những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường. Và chính những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm phải có trách nhiệm trả lại thiệt hại đã gây ra cho môi trường và ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, để từ đó Nhà nước có nguồn đầu tư cho hoạt động bảo vệ, tái tạo môi trường, trong đó cần dành kinh phí khen thưởng đích đáng những điển hình tiên tiến.