Những năm trước, diện tích đồng chiêm trũng ở Vĩnh Phúc được bà con cấy hai vụ lúa. Vì thường xuyên bị ngập úng nên lúa mùa thường cho năng suất rất thấp. Quyết định chuyển 4.300ha đồng chiêm trũng sang cấy một vụ lúa và nuôi một vụ cá đã mang lại kết quả khả quan, cho thấy sự đúng đắn của hướng chuyển đổi này.
Ban đầu, chỉ các xã nằm ở vùng trũng như Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), Yên Hồng (Yên Lạc), Thanh Lãng (Bình Xuyên) và Tiền Châu (Phúc Yên) tham gia thử nghiệm cơ chế khoán nuôi cá một vụ ở đầm chiêm. Thấy mô hình lúa – cá đạt kết quả khả quan, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Trung tâm Thủy sản tỉnh tổng kết kinh nghiệm thành phương thức canh tác mới cho những xã vùng trũng. Đồng thời, Trung tâm có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cung cấp nguồn cá giống cho nông dân, phổ biến kinh nghiệm phòng và chữa bệnh cho cá nuôi trong đồng.
Thời vụ nuôi cá đầm bắt đầu từ tháng 4, trước khi lúa chiêm làm đòng. Cá nuôi ở đầm thường là những giống như mè hoa, trắm cỏ, trôi ấn Độ, rô phi đơn tính… Các loài cá này vừa phù hợp với nguồn nước trong đầm, vừa được thị trường ưa chuộng. Khi gặt xong lúa chiêm, nông dân nuôi cá ở đầm phải đóng hệ thống cống tiêu để giữ nước và tạo nguồn thức ăn cho cá. Nhiều gia đình bón thêm phân chuồng để tăng cường nguồn thức ăn giúp cá mau lớn.
Đến nay, 4.300ha làm theo phương thức lúa – cá của Vĩnh Phúc đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với cấy hai vụ lúa trước đây. Ông Lưu Văn Tỉnh ở xã Thanh Lãng (Bình Xuyên) đã nuôi một vụ cá trong đầm Bới Dứa với diện tích 200 mẫu. Vụ vừa qua ông có thu nhập gấp bốn lần so với cấy hai vụ lúa. Từ một hộ khó khăn, kinh tế gia đình ông Tỉnh ngày càng khấm khá với nguồn thu gần 200 triệu đồng từ một vụ nuôi cá đồng.
Ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong (Bình Xuyên) cũng nuôi một vụ cá trên 100ha mặt nước của đầm Sáu Vó, thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, nhà ông trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả nhất nhì xã Tân Phong.
Cũng “đổi đời” nhờ nuôi cá, ông Nguyễn Văn Hoan ở xã Tuân Chính (Vĩnh Tường) nhận khoán 15ha đầm Phù Chính có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Các hộ áp dụng mô hình cá – lúa đều quan tâm đầu tư công sức tôn cao bờ đầm, vừa tạo nguồn nước nuôi cá, vừa tránh thất thoát cá khi mưa to. Hiện, nhiều hộ nuôi thử nghiệm cá chim trắng, rô phi đơn tính và tôm càng xanh đã thành công, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân ở Vĩnh Phúc.
Phương thức canh tác cá – lúa trên ruộng trũng không chỉ là bước đi mới về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là biện pháp mới khả thi để xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Vĩnh Phúc đã đầu tư 55 tỷ đồng để xây dựng khu nuôi cá rô phi đơn tính xuất khẩu trên diện tích 73ha ở Đầm Cả với mục tiêu đạt 16.000 tấn cá, tương đương 115 tỷ đồng vào năm 2010.