Ngày 27/03, đại diện nhiều cơ quan chức năng, phóng viên báo chí đã có mặt tại Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) để chứng kiến cuộc thử nghiệm về thuốc kích thích sinh trưởng trên rau ở phía Bắc.
Trước đó, hai cuộc thử nghiệm với quy mô tương tự đã được tiến hành ở Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh. Mục đích của đợt thử nghiệm lớn trên cả nước này là khẳng định có hay không loại thuốc kích thích giúp rau “lớn nhanh như thổi” cũng như tác hại của dư lượng thuốc…
Bài bản, nghiêm túc
So với cuộc thử nghiệm nhanh do Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thực hiện trước Tết Nguyên đán Mậu Tý, cuộc thử nghiệm lần này được tổ chức với quy mô lớn và bài bản hơn hẳn. Một ruộng xà lách trồng từ ngày 10/03 được chia thành 21 ô, mỗi ô rộng 50 m2. Ba loại thuốc sử dụng thử nghiệm là An Khang (trong danh mục); GA3 và 920 (ngoài danh mục). Mỗi loại thuốc được thử nghiệm ở hai nồng độ khác nhau. Một theo đúng hướng dẫn trên bao bì, một tăng gấp đôi nồng độ. Mỗi công thức thuốc lại được phun trên 3 ô khác nhau và cách xa nhau để có tính khách quan, chính xác.
Như vậy, để thử nghiệm 3 loại thuốc nêu trên mất tới 18 ô. 3 ô còn lại không phun thuốc kích thích để đối chứng. Để bảo đảm độ chính xác, các chuyên gia đã sử dụng ống chuyên dụng đo từng mi-li-mét nước để pha với thuốc. Cũng như cuộc thử nghiệm do Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức, Cục Cảnh sát Môi trường cũng cử hai sỹ quan tới giám sát.
Tiến sỹ Tào Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc) cho biết, đợt thử nghiệm này sẽ đánh giá khả năng kích thích sinh trưởng, chất lượng nông sản, dư lượng thuốc kích thích ở từng thời điểm. Theo Tiến sỹ Tuấn, kết luận cuối cùng sẽ do Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá. Tuy nhiên, sau khoảng 3 ngày sẽ có kết quả ban đầu về một số chỉ tiêu nhất định. Được biết, 2 giờ sau khi phun thuốc, Trung tâm kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc đã lấy mẫu để kiểm tra dư lượng. Công việc này còn kéo dài trong những ngày sau đó.
“Thần dược” là hoạt chất GA3
Có hay không có loại “thần dược” giúp rau lớn nhanh như thổi, tính năng, tác dụng đến đâu phải đợi kết luận cuối cùng Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT kết luận. Tuy nhiên, như báo Hànộimới đã đưa tin, nhiều nhà khoa học đầu ngành khẳng định không có loại “thần dược” giúp rau “lớn nhanh như thổi”.
Một nhiệm vụ quan trọng của cuộc thử nghiệm trên quy mô toàn quốc lần này là xác định hoạt chất của 2 loại thuốc kích thích GA3 và 920 được coi như “thần dược” hiện nay. Tuy nhiên, trao đổi với các phóng viên, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc Vương Trường Giang khẳng định, kết quả xét nghiệm cho thấy, hoạt chất trong 2 loại thuốc kích thích nhập lậu trên chính là gibberellic acid (thường gọi là GA3). Hàm lượng gibberellic acid có trong thuốc 920 và GA3 là khoảng 20%.
Các loại thuốc kích thích trong danh mục hiện nay cũng có khoảng 20% hàm lượng gibberellic acid tùy theo hỗn hợp. Như vậy, “thần dược” không phải thứ gì quá mới, quá lạ. Thêm vào đó, hàm lượng gibberellic acid trong thuốc GA3 và 920 không phải là quá cao. Cũng theo ông Giang, vấn đề chính không phải là cao hay thấp mà là sử dụng thế nào cho đúng.
Đó cũng là lý do đợt thử nghiệm lần này đánh giá trên nhiều tiêu chí, đặc biệt là phân tích dư lượng tại nhiều thời điểm khác nhau để xem có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Kết luận cuối cùng chưa có, nhưng một sự thật đã rõ, không có “thần dược” mà chỉ có loại hoạt chất vốn vẫn được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Trong khi đợi kết luận chính thức, thiết nghĩ đã đến lúc phải thực sự quan tâm tới vấn đề quản lý buôn bán, sử dụng thuốc kích thích sao cho hiệu quả, không ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.