Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (TP. Hồ Chí Minh) đã chiết tách thành công Reuteri cơ thể thay thế kháng sinh trong việc phòng trị các bệnh do vi khuẩn gây ra ở cá, tôm.
Ngày nay, kháng sinh được sử dụng phổ biến trong việc điều trị bệnh ở người, vật nuôi. Tuy nhiên, phương pháp này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, mỗi kháng sinh chỉ tác dụng lên một hoặc một nhóm vi sinh vật nhất định, có nguy cơ phát sinh phản ứng phụ và đặc biệt là sự tồn dư thuốc trong vật chủ.
Dư lượng kháng sinh là một chỉ tiêu quan trọng trong kiểm định nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề dư lượng thuốc kháng sinh luôn là trở ngại đối với nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Nhằm tháo gỡ vấn đề này, Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (TP. Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu và chiết tách thành công Reuteri từ vi khuẩn Lactobacillus reuteri có hoạt tính sinh học cao, phổ kháng khuẩn rộng. Sản phẩm này không gây hại cho động vật và con người, hơn nữa hoàn toàn không có ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Singapore, với đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn đạt đẳng cấp quốc tế cùng dây chuyền sản xuất công nghệ nhập từ Mỹ, Công ty Nanogen đã phân lập chủng vi khuẩn Lactobacillus reuteri kết hợp với công nghệ ghen tái tổ hợp để sản xuất ra enzyme được cố định có khả năng sản xuất số lượng lớn Reuteri, cùng với việc hoàn thiện quy trình sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Tiến sĩ Trương Thúy Hường, Giám đốc chi nhánh thủy sản – Công ty Nanogen cho biết, quy trình sản xuất Reuteri gồm nhiều công đoạn: lên men, tách chiết, phân đoạn, kiểm tra hoạt lực. Lactobacillus reuteri được lên men trong 24 giờ ở 370C với điều kiện yếm khí, sau đó ly tâm thu phần dung dịch trong, thực hiện quá trình tinh sạch Reuterin, thu các sản phẩm bằng phương pháp HPLC. Cuối cùng kiểm tra hoạt lực của 3-HPA theo phương pháp MIC. Quy trình sản xuất đã được đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế tại Việt Nam năm 2007 và tên thương mại của Reuteri do Nanogen sản xuất là Microcin. Microcin đã có mặt trong danh mục thuốc thú y thủy sản do Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản ban hành.
Theo Tiến sĩ Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nanogen: sản phẩm Microcin do Nanogen sản xuất có phổ kháng khuẩn rất rộng, bao gồm: vi khuẩn gram dương, gram âm, nấm men, nấm mốc, bào tử trùng, ký sinh trùng và thậm chí cả virus.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, không có bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào của Reuteri đối với tế bào vật chủ, do Reuteri chỉ tác dụng lên các ADN trần mà không có tác dụng lên các ADN được bao bọc bởi lớp vỏ histon. Hoạt tính kháng khuẩn rộng của Reuteri là do nó cạnh tranh với các ribonucleotide trong việc gắn với vị trí nhận biết ribose của ribonucleotide reductase, đây là enzyme đầu tiên khởi động quá trình tổng hợp ADN, do đó Reuteri ngăn cản sự chuyến đổi của các ribonucleotide thành deoxyribonucleotide. Reuteri tan được trong nước, hoạt động trong khoảng phổ rộng từ 2-8, không chịu tác động của enzyme proteolytic và lipolytic vì thế nó bền với sự bảo quản sinh học.
Khảo nghiệm thành công tại nhiều viện nghiên cứu Khả năng diệt khuẩn của sản phẩm Microcin đã được kiểm tra tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, theo kết quả đánh giá: hàm lượng 3-HPA trong sản phẩm điều chế đạt 130mg/l, 1ml Microcin diệt được 10 triệu con vi khuẩn. Sản phẩm Microcin cũng vừa có kết quả khảo nghiệm thành công tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Quá trình khảo nghiệm bắt đầu từ tháng 10/2006, kết thúc vào tháng 01/2008, với các nội dung: thử tác dụng của sản phẩm Microcin đối với từng loài vi khuẩn gây bệnh họ tôm cá băng phương pháp kháng sinh đồ; thử nghiệm sản phẩm Microcin phòng trị bệnh cho cá tôm được cảm nhiễm bệnh bằng các chủng vi khuẩn gây bệnh; sử dụng phòng trị bệnh trong ao nuôi cá tôm.
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã chọn các vi khuẩn mẫn cảm với sản phẩm Microcin, gây bệnh cảm nhiễm nhân tạo cho cá tôm trong bể xi măng, tiêm trực tiếp vi khuẩn gây bệnh vào cơ lưng cá, tắm tôm khỏe trong hỗn dịch vi khuẩn gây bệnh có sục khí sau đó chuyển tôm cá ra nuôi bình thường trong các lô thí nghiệm. Tiến hành dùng thuốc phòng trị bệnh theo liều lượng và thời gian theo như quy định của cơ sở sản xuất thuốc: sử dụng 40ml Miocrocin trộn với 1kg thức ăn, cho cá ăn 2 lần/ngày, cho tôm ăn 4 lần/ngày, liên tục trong 3 ngày.
Sau thời gian trị bệnh, theo dõi dấu hiệu bệnh và tỉ lệ sống (%) của cá tôm sau khi sử dụng thuốc, đánh bệnh trong gan và thận của cá; trong máu, gan, tụy của tôm; thử kháng sinh đồ xác định sự mẫn cảm của khuẩn với sản phẩm Microcin.
Kết quả kiểm tra bằng phương pháp kháng sinh đồ cho thấy, các lượng Microcin từ 10-60ml đều có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển. Đàn cá lăng bị bệnh nhiễm vi khuẩn làm mất sắc tố, vây xuất huyết, ruột không có thức ăn, chứa đầy hơi và làm cho cá chết rải rác trong ao, dùng chế phẩm Microcin cho ăn với liều 40ml/kg thức ăn, lượng thức ăn báng 5% khối lượng cá, cho cá ăn 2 lần/ngày, cho ăn liên tục 3 ngày, tháng cho ăn 2 đợt. Tỉ lệ cá khỏi bệnh rất cao và sinh trưởng của cá bình thường sau khi dùng thuốc.
Kết quả thử nghiệm cho thấy khi sử dụng Microcin, tỉ lệ sống trung bình của cá đạt 99,67%. Tôm sú nuôi bị nhiễm Vibrio, gây bệnh ăn mòn vỏ kitin (sâu đuôi), đen mang, đường ruột, phân trắng, phát sáng… sử dụng Microcin đã tiêu diệt được vi khuẩn này.