Hiện nay, hầu hết các kênh tại huyện Bình Chánh, TP.HCM đều bị ô nhiễm nặng mà phần lớn do các khu công nghiệp (KCN) xả trực tiếp nước thải không qua xử lý.
Cá chết, rau hư
Ông Nguyễn Văn Nghe ngụ tại ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TPHCM) chuyên nuôi cá thịt và trồng rau muống nước. Cách đây mấy ngày, đột nhiên nước trong ao cá của ông sủi tăm, hơn 1.000 con cá tra và 10.000 con cá rô phi chuẩn bị thu hoạch chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Chỉ ao cá nổi đầy váng dầu, ông Nghe ngậm ngùi nói: “Gia đình chúng tôi nuôi cá hàng chục năm nay, mỗi năm thu hoạch hai đợt khoảng 3 tấn cá tra và 1 tấn cá rô phi, kiếm cũng được 30-40 triệu đồng. Lâu nay chúng tôi thường sử dụng nguồn nước ở kênh Cầu Ngang để nuôi cá. Thời gian gần đây nguồn nước ở con kênh bị ô nhiễm nhưng chúng tôi không biết, cứ thay nước cho ao nên đàn cá chết hết…”.
Ông Nghe kể, ngoài ao cá, đám rau muống nước cũng là một nguồn kinh tế phụ của gia đình ông, nhưng bây giờ rau cũng dính váng dầu nên không bán được.
Anh Nguyễn Văn Năm, ngụ ở gần nhà ông Nghe, cũng là nạn nhân của những con kênh bị ô nhiễm, xót xa kể: “Lâu nay chúng tôi rất cẩn thận khi thay nước cho ao cá. Đâu ngờ đợt triều cường vừa rồi nước dâng cao quá ngấm vô ao, chúng tôi trở tay không kịp, làm hơn 500kg cá tra và 300kg cá rô phi trong ao chuẩn bị thu hoạch bị chết sạch. Thiệt hại này chẳng biết kêu ai, đền ai…”
Dạo qua nhiều xã khác như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Nhựt, Bình Lợi, Tân Kiên, Bình Hưng… chúng tôi cũng thấy nhiều tuyến kênh rạch màu nước đen ngòm, loang loáng váng mỡ. Rác ứ đọng làm tắt nghẽn dòng chảy, các kênh bốc mùi hôi thối.
Ông Văn Văn Bảy, nhà ở sát cống 6 kênh B thuộc ấp 7 xã Lê Minh Xuân, tiếc nuối: “Mấy năm nay, các doanh nghiệp trong KCN Lê Minh Xuân thường xuyên xả nước vào con kênh này làm cho nguồn nước con kênh ngày càng đen và bốc mùi nồng nặc. Nhiều lúc gia đình chúng tôi đang ăn cơm mùi hôi từ con kênh bốc lên không ai chịu nổi phải bỏ bữa cơm. Ban đêm muỗi bay vù vù”.
Kênh đen
Ông Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, qua kiểm tra hiện trạng 72 sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn huyện, có 80% tuyến kênh được khảo sát đã bị ô nhiễm.
Đáng nói, tuyến sông Chợ Đệm-rạch Nước Lên (thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM, giáp tỉnh Long An) cũng trong tình trạng tương tự.
Các tuyến kênh rạch, sông ngòi bị ô nhiễm ngoài nguyên nhân do người dân xả nước thải, rác thải sinh hoạt, xác súc vật, tiêu tiểu… bừa bãi xuống lòng kênh còn do các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư chưa lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, đã xả thẳng nước thải ra kênh rạch. Một cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện cho biết, năm 2007, trong số 709 cơ sở sản xuất được kiểm tra chỉ có 22 cơ sở có lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Tương tự, các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp (KCN) cũng vậy.
Từ năm 2000, KCN Lê Minh Xuân đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 2.000m3/ngày đêm, nhưng còn một số doanh nghiệp không chịu đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN mà thải trực tiếp ra kênh B bên cạnh làm cho tuyến kênh đang trở thành “kênh chết”.
Hiện nay, hầu hết các tuyến kênh chính trên địa bàn huyện như kênh Xáng Đứng, kênh Xáng Ngang (xã Bình Lợi), kênh A, kênh B, kênh C (xã Lê Minh Xuân, Tân Nhựt), kênh 8, kênh 9 (xã Tân Nhựt), rạch Cái Trung, rạch Hưng Nhơn (xã Tân Kiên)… đều bị ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh và kim loại nặng với mức độ nặng, đặc biệt lượng ô xy hòa tan (DO) vượt tiêu chuẩn từ 2-6 lần.
Xử lý không hiệu quả
Ngoài biện pháp nạo vét thông thoáng kênh rạch để giảm mức ô nhiễm, thời gian qua các ngành chức năng của huyện đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý các đơn vị gây ô nhiễm nhưng vẫn không có hiệu quả do có nhiều cơ chế chưa được tháo gỡ.
Theo ông Bùi Hữu Hoàng, hiện nay khung phạt dành cho những đơn vị vi phạm về môi trường cao nhất 70 triệu đồng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt sau đó tiếp tục vi phạm. Đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp TP (Hepza), cơ quan cấp huyện không thể đơn phương kiểm tra các doanh nghiệp này được. Trường hợp kiểm tra đột xuất phải báo cho doanh nghiệp biết trước 7-10 ngày, lúc ấy doanh nghiệp đã có biện pháp đối phó rất khó phát hiện vi phạm quả tang.