Tình trạng sạt lở và bồi lắng dọc theo hai bên bờ sông Tiền thuộc địa phận huyện Cao Lãnh, Châu Thành và thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, xã Hiệp Thạnh thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có nguy cơ sắp bị xóa sổ trên bản đồ hành chính. Tính mạng của trên 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở xã Hiệp Thạnh đang bị “thủy thần” đe dọa nếu địa phương này không có giải pháp hữu hiệu để ngăn triều cường và sạt lở.
Sạt lở khắp nơi
Đoạn sông Tiền từ rạch Cồn Linh (thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) đến ranh giới tỉnh Vĩnh Long dài khoảng 18,5 km, bề rộng sông từ 800 đến 1.100 m. Đây là đoạn sông cong, hàng năm thường xảy ra xói lở dọc theo nhiều đoạn bờ sông. Phía bờ phải của đoạn sông này gồm địa phận thị xã Sa Đéc và huyện Châu Thành (Đồng Tháp); phía bờ trái thuộc huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) và huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Theo báo cáo của Đoạn Quản lý Đường sông số 15 (Cục Đường sông Việt Nam), dọc theo bờ phải sông Tiền, đoạn từ rạch Xếp Mương Đào đến đầu kè Sa Đéc dài 4 km đang bị sạt lở (trừ đoạn Khu công nghiệp Sa Đéc, kè Sa Đéc). Đoạn từ rạch ngang Nhà Thương đến ngã 3 sông Cái Nhỏ dài 6,5 km đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Còn dọc theo bờ trái sông Tiền, đoạn từ đầu rạch Cồn Linh xuống hạ lưu, dài 1,8 km cũng đang bị sạt lở. Tiếp theo là đoạn bồi lắng khoảng 8 km thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, đã đẩy dòng chảy lệch hẳn sang phía bờ phải và đoạn từ rạch Cái Nhỏ đến ranh Vĩnh Long (đoạn này thuộc tỉnh Tiền Giang) dài 8,5km cũng sạt lở trầm trọng…
Sống trên miệng “Thủy thần”
Khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, người dân xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) luôn mất ăn, mất ngủ vào những đợt triều cường. Đến thăm nơi bị sạt lở nhiều lần, đồng chí Lương Minh Dừa, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Thạnh, nói: “Mỗi lần sạt lở vô sâu cả chục mét, cứ tiếp tục như thế này chắc chẳng còn cái nhà nào trong nay mai”.
Bà Nguyễn Thị Bé, ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, lo lắng: “Hồi đó, gia đình tôi cũng có đất nhưng bị sạt lở lần hồi, nay có 3 công đất trồng dưa hấu ngay phía trong chân đê. Cả nhà tôi phải che chắn đám dưa và đắp tạm những bờ bao bằng bao cát để làm giảm dòng chảy của nước. Gia tài giờ chỉ còn lại căn nhà, nó mà sụp thì cả nhà chẳng biết ở đâu và sinh sống ra sao!”.
Còn ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Nhiên nằm ở phía ngoài giáp với chân đê đã bị đợt triều cường đầu năm nay phá hủy hết nửa căn. Cũng may mà cả nhà chị đã kịp vận chuyển tài sản, đồ đạc và đưa mọi người vào phía trên đê trước khi tai họa xảy ra. Nhiều người dân sống ở đây đều có chung tình cảnh như bà Bé, chị Nhiên.
Năm 2007, huyện Duyên Hải đã đầu tư trên 40 triệu đồng để gia cố lại đoạn đê trên bằng đất thịt nhưng chỉ một đợt triều cường cuối tháng 12 âm lịch vừa qua đã làm sạt lở hoàn toàn đoạn đê này. Trước đó, năm 2005 – 2006, hàng trăm bao cát đất đã được tấn xuống, hàng ngàn tấn đá được lồng trong rọ thép, tạo thành bờ đê án ngữ chống sóng biển, nhưng số rọ thép nay cũng đã bị sóng biển cuốn đi.
Để bảo vệ các hộ sinh sống trong khu vực và rừng dương, năm 2006 tỉnh Trà Vinh đã đầu tư trên 1,6 tỉ đồng xây dựng tuyến bờ kè đê biển xã Hiệp Thạnh. Bờ kè được xây dựng theo phương thức kè rọ đá, dài 600 m, mặt đê ngang 1m, cao 2m và chiều dài phần mặt nghiêng 4m. Phần còn lại được xây dựng đóng cọc, giữa các cọc được liên kết bằng vỏ xe hơi. Mới xây dựng hơn một năm thì tuyến bờ kè cũng tan tành.
Giải pháp khắc phục
Nguyên nhân sạt lở đoạn sông Tiền thuộc địa phận huyện Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc và huyện Châu Thành (Đồng Tháp) nhiều năm qua được xác định là do đoạn sông cong, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp, kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu của lòng dẫn. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sạt lở đoạn bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Còn nạn sạt lở bờ phải ven sông Tiền thuộc phường Tân Quy Đông, phường 3, phường 4 (thị xã Sa Đéc) và xã An Hiệp (huyện Châu Thành) xảy ra trong nhiều năm, ngay cả trước khi có dự án nuôi cá tra bãi bồi tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh. Tuy nhiên, các hoạt động của con người như: khai thác cát sông không đúng quy định đã gây ra sạt lở cục bộ; việc đắp bờ bao nuôi thủy sản tại các bãi bồi làm giảm mặt cắt nước và tăng lưu tốc dòng chảy dẫn đến sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng hơn tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Để khắc phục tình trạng sạt lở ven bờ sông Tiền cũng như đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc xác định rõ ranh giới giữa các địa phương, cắm mốc, theo dõi mức độ sạt lở từng khu vực; cắm mốc khu vực nuôi thủy sản theo quy hoạch được phê duyệt, xử lý những đơn vị nuôi thủy sản không đúng theo quy hoạch hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp được giao trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong tỉnh lập dự án khai thác cát dọc theo Cồn Linh, nhằm làm thay đổi, giảm lưu tốc dòng chảy. Đây cũng là điều kiện để hạn chế sạt lở đoạn sông thuộc khu vực phường 3, phường 4 (thị xã Sa Đéc) và xã An Hiệp (Châu Thành). UBND các huyện Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc cũng đang tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và hỗ trợ các hộ này.
Trong 2 tháng đầu năm 2008, nhiều cơn sóng biển dữ dội tiếp tục làm vỡ nhiều đoạn đê ở xã Hiệp Thạnh, có đoạn bị vỡ hoàn toàn và lấn sâu vào đất liền, hàng trăm cây phi lao khoảng 10 năm tuổi đã bị cuốn trôi theo sóng biển. Mỗi lần sóng biển thịnh nộ, huyện Duyên Hải phải trích hàng chục triệu đồng để duy tu đê kè. Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp tạm thời.
Để đảm bảo tính mạng của hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của Hiệp Thạnh, tỉnh Trà Vinh cũng đã có kế hoạch gia cố lại đoạn đê bao này trong năm 2008 với chiều dài khoảng 560 mét, tổng kinh phí thực hiện khoảng 12 tỉ đồng. Nhiều người dân Hiệp Thạnh hy vọng rằng lần gia cố này tuyến đê bao có thể chống chọi được những đợt triều cường.