Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đã đóng góp quan trọng cho việc Thái Bình đã xây dựng thành công những cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Năm 2007, công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất và đời sống ở Thái Bình đã tập trung vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong đó, tỉnh đã phê duyệt 26 chương trình đề tài, dự án KHCN trọng điểm cấp tỉnh với tổng kinh phí là 5.936 triệu đồng, 43 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp ngành với tổng kinh phí là 1.495 triệu đồng.
Thành tựu nổi bật nhất của KHCN trong năm qua ở Thái Bình là tập trung đầu tư vào nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Toàn tỉnh đã khảo nghiệm 81 giống lúa, trong đó chọn được 16 giống có nhiều triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh như CNR 6103, Thục hưng số 6, Super 205, D.ưu 725, Hương cốm, Nhị ưu 725, CNR 5208, Gia ưu 210, D158, HT 010…
Ðối với cây màu, các cơ sở nghiên cứu ở trong tỉnh đã khảo nghiệm 116 giống, trong đó đã chọn được năm loại giống ngô, hai giống lạc, bốn giống đậu tương, ba giống dưa lê và ba giống ớt có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với các điều kiện sinh thái của tỉnh.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận ba giống lúa TBR1, CRN36, BC15 và giống lạc TB25 là giống cấp quốc gia. Năm 2007, các loại giống này đã được đưa vào sản xuất đại trà ở trong và ngoài tỉnh với tổng số hơn 30 nghìn ha.
Ngoài ra, Thái Bình còn ứng dụng thành công quy trình nhân giống khoai tây sạch bệnh và nhân giống hoa hồng môn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Công ty cổ phần chăn nuôi Thái Bình đang triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi cho sản phẩm thịt lợn an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực thủy sản, KHCN của tỉnh đã ứng dụng thành công quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá tra và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi cá lăng, đồng thời tiếp nhận công nghệ sinh sản nhân tạo cá vược, cá lóc bông, cá hồng Mỹ và cá chình thương phẩm.
Nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đã chọn lọc các giống lúa thuần và lúa lai mới có năng suất và chất lượng cao. Ðặc biệt là giống thuần TBR-1 do Công ty chọn thành công, có tốc độ ra đại trà nhanh nhất. Chỉ trong một năm 2007, diện tích gieo trồng giống lúa TBR-1 trên cả nước đã lên tới hàng trăm nghìn ha. Lần đầu tiên, Thái Bình có ba giống lúa CNR36, BC15 và TBR-1 được công nhận chính thức là giống lúa quốc gia. Năm 2007, giống lúa TBR-1 được tặng giải thưởng Cúp vàng thương hiệu cạnh tranh.
Vì vậy nhiều năm gần đây, Thái Bình đã chủ động hoàn toàn về giống lúa cho sản xuất đại trà với các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao, đáp ứng kịp thời cho chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Hiện nay Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đang tham gia đề tài chọn tạo giống lúa thuần và giống lúa chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Hồng, là một trong những đề tài cấp quốc gia của chương trình giống cây trồng giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh ở huyện Thái Thụy đã chủ động thực hiện nhiều chương trình KHCN ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðó là Công ty Mây tre đan Thanh Bình áp dụng công nghệ sấy và đưa thiết bị máy chẻ mây vào sản xuất đã tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Xí nghiệp Quang Hạnh chế tạo máy đánh vảy cá mai và máy chà sứa phục vụ cho chế biến thủy sản, đưa năng suất lao động tăng lên hàng trăm lần so với trước…
Chỉ trong năm 2007, Thái Thụy đã thực hiện ba đề tài khoa học công nghệ ứng dụng trong việc nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Trong đó xã Thái Thọ xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ KHCN nâng cao hiệu quả kinh tế vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Xã là vùng trũng của huyện hiện có hàng nghìn ha trồng lúa có năng suất và hiệu quả thấp.
Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương như các điều kiện về môi trường, khí hậu, thời tiết và tập quán canh tác…, Thái Thọ chọn mô hình nuôi cá rô phi đơn tính NoVit 4 có khả năng thích nghi cao với môi trường nước ngọt, lợ, điều kiện nhiệt độ và ô-xy thấp, tốc độ sinh trưởng nhanh. Chỉ sau 10 tháng triển khai trên diện tích 2,5 ha với mật độ thả 4 con/m2, đã cho sản lượng 35,62 tấn (bình quân 14,25 tấn/ha), trọng lượng bình quân 475 gam/con, với tổng giá trị đạt 48 triệu đồng (bình quân mỗi ha đạt 200 triệu đồng). Sau khi trừ chi phí, mỗi ha còn thực lãi hơn 20 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện Thái Thụy còn ứng dụng công nghệ nuôi tôm theo phương thức ít thay nước để nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi tôm sú tại xã Thái Thượng trên diện tích 7.500 m2, lợi nhuận đạt giá trị 175 triệu đồng/ha. Do việc xử lý thay nước trong một chu kỳ nuôi ít hơn ba lần, nước nguồn vào được xử lý bằng chế phẩm vi sinh thay vì xử lý bằng hóa chất, kháng sinh, đã tạo ra môi trường nuôi tôm ổn định hơn, khả năng nhiễm bệnh ít hơn do không phải thay nước thường xuyên, dư lượng kháng sinh trong tôm không có, tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng tốt hơn so với các mô hình nuôi tôm khác.
Nhiều hộ nông dân ở xã Trọng Quan (Ðông Hưng) đã áp dụng tiến bộ KHCN sản xuất lúa chất lượng cao với các loại giống như Hương thơm 1, Bắc thơm 7, nếp 87, nếp 97 với diện tích 30 ha đã đạt năng suất từ 55,6 tạ đến hơn 61 tạ/ha. Mô hình sản xuất ba vụ theo công thức luân canh: bí xanh – dưa gang hè – ớt đông sớm trên diện tích 5 ha của xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) đã cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng/ha.
Thực tế cho thấy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã tạo ra nhiều giống cây, con mới có năng suất và chất lượng cao, góp phần quan trọng đưa năng suất lúa của tỉnh trong nhiều năm liên tục đạt trên 12 tấn/ha/năm, mặc dù diện tích canh tác giảm song sản lượng lương thực của địa phương luôn giữ ổn định hơn một triệu tấn/năm.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống và chuyên canh khoai tây hàng hóa ở Thái Bình” do Trung tâm khuyến nông thực hiện với nguồn kinh phí gần một tỷ đồng đã tạo được sáu tấn giống khoai tây nguyên chủng trên diện tích 0,5 ha. Năm 2007, số giống khoai nguyên chủng nói trên đã được nhân ra đại trà ở các xã Trọng Quan và An Ðồng trên diện tích hơn 20 ha đạt năng suất 20 tấn/ha.
Thông qua những kết quả của các mô hình nói trên, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã đóng góp quan trọng cho việc xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ðồng thời nâng cao nhận thức cho giai cấp nông dân về vai trò của KHCN trong sản xuất và kinh doanh các loại cây, con mới, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo.