Theo các nghiên cứu khoa học, con người có thể nhịn đói được khoảng 3 tuần nhưng họ sẽ chết khát nếu ba ngày không thể uống nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng của nguồn nước sạch tới sự sống và sức khỏe của con người. Thế nhưng, theo các nghiên cứu, khảo sát gần đây nhất của các cơ quan chức năng, nước sinh hoạt nông thôn tại nhiều khu vực trên cả nước đă bị ô nhiễm trong nguồn thô ( chưa qua xử lý). Kết qủa khảo sát cho biết mức độ ô nhiễm cao ở một số tỉnh như Hà Nam (64,03%), Hà Nội (61,63%), Hải Dương (51,99%), Đồng Tháp (37,26%)… Thậm chí có những mẫu hàm lượng Asen vượt qúa 100 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Kết quả kinh hoàng này cho thấy, những người dân nông thôn đang thực sự phải đối mặt nguồn nước tử thần.
Nếu nhìn vào bề ngoài, chúng ta sẽ nhận thấy diện mạo của nông thôn Việt Nam đang thay da đổi thịt. Những ngôi nhà tranh vách đất, những kí ức buồn và xơ xác về một nông thôn Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu đang dần biến mất. Thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, những khu công nghiệp mọc lên khắp nơi, những làng nghề thủ công đang dần hồi sinh. Nhưng tất cả những vẻ bề ngoài đó, không thể che lấp được những bất ổn về một hệ sinh thái nông thôn đang bị phá vỡ từng ngày từng giờ.
Nghiêm trọng nhất là nguồn nước sinh hoạt ở các vùng quê – nguồn nước mà những người nông dân đang buộc phải dùng nó cho những nhu cầu hàng ngày đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nó chính là những tên thần chết vô hình đanh rình rập tính mạng của những người nông dân.
Theo các tài liệu khoa học trên thế giới, đã phát hiện thấy có hơn 300 mặt bệnh lây truyền qua nước. Có hai nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe liên quan đến nước, đó là do các vi sinh vật có khả năng truyền bệnh sang người và do các chất hóa học, phóng xạ gây ra.
Vi sinh vật truyền qua nước gây nên hầu hết các bệnh ở đường tiêu hóa. Vi khuẩn gây bệnh như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy…; virus gây bệnh như bại liệt, viêm gan…; ký sinh trùng gây bệnh như lỵ amip, giun, sán… Các tác nhân này có thể xâm nhập vào cơ thể con người trực tiếp qua đường nước uống hoặc nước dùng chế biến thực phẩm. Những bệnh này có thể gây thành dịch lớn làm số người tử vong cao, rất nguy hại cho cộng đồng nếu không có biện pháp phòng chống dịch tốt.
Khi nguồn nước nhiễm các hóa chất từ sản xuất, sinh hoạt của con người, nước thải từ các khu công nghiệp thường gây ra các bệnh mạn tính, bệnh ung thư, bệnh ảnh hưởng đến sinh sản và di truyền.
Nếu gọi nguồn nước ngầm đã qua xử lý thô như lọc qua bể lọc hoặc nước mưa là nước sạch thì mới chỉ có 36% người dân ở bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, 33% người dân ở đồng bằng sông Hồng và cao nhất là 39% nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng nguồn nước sạch này. Những nguồn nước đã được xử lý qua bể lọc thô hoặc nguồn nước mưa chỉ có thể tránh được các loại kim loại nặng trong đó như sắt chứ không thể lọc được hết những chất độc như asen. Đặc biệt là trong tình hình nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay, phương pháp dùng bể lọc thô như nhiều bà con nông dân vẫn dùng thời gian vừa qua hoặc sử dụng nguồn nước mưa không thể đảm bảo an toàn vệ sinh và đặc biệt là tránh khỏi bệnh tật.
Theo nghiên cứu này của các bộ ngành liên quan, chương trình đã chọn ngẫu nhiên 208 hộ gia đình sử dụng nước giếng khoan cho ăn uống và sinh hoạt tại ba xã của tỉnh Hà Nam (chiếm 10,8% số hộ có giếng đă được điều tra) để khám bệnh và chọn ngẫu nhiên 100 người trong số các đối tượng đến khám để làm các xét nghiệm cận lâm sàng.
Kết quả cho thấy: Tình hình ô nhiễm asen trong nguồn nước giếng khoan ở khu vực nghiên cứu thí điểm là rất nghiêm trọng (94,4% cao hơn tiêu chuẩn cho phép, 57% tổng số giếng có nồng độ asen từ >100 đến >1000 mg/l). Tỷ lệ mắc bệnh chung của 3 xă này tương đối cao (Hoà Hậu: 51,8%, Bồ Đề: 49,5%, Vĩnh Trụ: 43,5%) so với một số vùng nghiên cứu khác về tình hình bệnh tật của nông thôn Việt Nam. Một số bệnh khác cũng có tỷ lệ cao hơn so với các khu vực nghiên cứu khác như bệnh ngoài da 28,3% (các nơi khác từ 5,7-13,6%). Tỷ lệ biến đổi sắc tố da, sừng hoá, bệnh lưu thai sản khá cao. Xét nghiệm hàm lượng asen trong tóc và trong nước tiểu của nhóm nghiên cứu cao hơn đáng kể so với người b́nh thường. Số đối tượng có asen tóc và asen niệu trên giới hạn bình thường là 50% và 25% tương ứng.
Thời gian vừa qua, báo chí đã nói rất nhiều đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước một cách nghiêm trọng ở các vùng nông thôn Việt Nam đặc biệt là những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và làng nghề. Nếu ai đã một lần đến làng ung thư tại Lâm Thao – Phú Thọ thì đều có thể thấy được sự kinh hoàng mà những người dân nơi đây phải gánh chịu từ những nguồn nước chết xả ra từ các khu công nghiệp quanh đó. Nguồn nước xung quanh khu vực này đã bị nhiễm độc nghiêm trọng, ngay cả nguồn nước ngầm. Những cây lương thực thực phẩm vẫn mọc lênh xanh mướt, nhưng đó là màu xanh chết chóc.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu những mẫu cây ở khu vừng này và trong những cây xanh ấy đều bị nhiễm kim loại nặng và là tác nhân có thể gây ung thư. Những người dân ở Thạch Sơn – Lâm Thao – Phú Thọ vẫn phải sống trong sợ hãi dưới lưỡi hái của tử thần, không còn con đường nào khác để tự cứu mình. Sau Thạch Sơn, người ta đã kinh hoàng phát hiện ra hàng loạt những làng ung thư ở Hà Tây, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Nam, và mới đây nhất là Thuỷ Nguyên (Hải Phòng)… được nhắc tới.
Theo khảo sát của bệnh viện K, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện, có khoảng 70.000 người bị chết vì căn bệnh này, tăng hơn nhiều so với trước đây. Bệnh ung thư không chỉ gia tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, mà còn trở nên phổ biến đối với nhiều vùng nông thôn.
Điều đáng buồn, dường như làng ung thư đang trở thành một hiện tượng không còn hiếm hoi ở nông thôn Việt Nam, và tất cả đều liên quan trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác nhân trực tiếp chính là nguồn nước không đảm bảo.
Chúng ta hãy nhìn vào sự thay đổi của các vùng nông thôn Việt Nam: Đó là những trụ sở ủy ban hoành tráng được xây to đẹp, nhiều khi phô trương quá mức, những ngôi nhà to đẹp lố nhố mọc lên làm cho bộ mặt nông thôn bị đô thị hóa một cách nửa vời. Thế nhưng, hầu như những công trình đầu tư cho vệ sinh môi trường mà quan trọng nhất là nguồn nước sạch cho người dân thì không hề được chú ý. Hầu hết nguồn nước của những người dân nông thôn đang sử dụng được lấy trực tiếp từ nước ngầm.
Gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến khái niệm văn minh nông thôn. Chúng ta cho rằng, nông thôn xây những ngôi nhà to, xây những trụ sở đẹp, đường làng nông thôn được bê tông hóa, đời sống vật chất của người dân khấm khá lên điều đó chứng tỏ nông thôn đã văn minh, hiện đại và bắt kịp thành phố. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Văn minh nông thôn cần những thứ nhỏ hơn, đơn giản hơn và thiết thực hơn, đó là những thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đó là những thứ liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của họ mà nguồn nước sạch là một ví dụ cụ thể nhất.
Nước sạch là một trong những điều kiện để đảm bảo cho vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh trong lao động, vệ sinh ăn uống và các điều kiện khác cho sức khỏe. Muốn có nước sạch thì phải đảm bảo vệ sinh môi trường từ nguồn nước đến các khâu như khai thác, vận chuyển, dự trữ, sử dụng. Khi những người nông dân chưa thể có được một nguồn nước sạch hơn, an toàn hơn và một không gian sống khỏe mạnh, trong lành, chừng đó chúng ta chưa thể nghĩ tới văn minh cho những người nông dân chân lấm tay bùn.
Và vẫn phải nhắc lại một con số đã rất cũ: Hơn 70% dân số nước ta vẫn là nông dân và họ đang sinh sống ở các vùng nông thôn. Không thể nghĩ đến văn minh, hiện đại khi hơn 70% dân số ấy vẫn chưa thể có được một môi trường sống an toàn, một nguồn nước sạch và văn minh hơn hiện nay. Bài toán này, vẫn đang chờ lời giải của tất cả chúng ta.