Con sông Hồng đỏ nước phù sa ngày nào giờ đang oằn mình trong cơn khát. Lòng sông trơ cằn những bãi cát khô khốc, trải dài.
Tám giờ sáng, sương vẫn chưa tan hết, khí trời ảm đạm, đầy hơi nước. Dừng xe ở ga Long Biên, nương theo hành lang gỗ chỉ rộng chừng nửa mét, thả bộ dọc cây cầu vắt ngang sông Hồng, đau xót chứng kiến cảnh con sông đỏ nước phù sa ngày nào giờ đang oằn mình trong cơn khát. Lòng sông trơ cằn những bãi cát khô khốc, trải dài.
Chiếc thang nhỏ cũ kỹ giữa cầu bắc thoai thoải xuống triền sông đưa tôi tới một mảnh đất có cái tên mộc mạc: Bãi Trung Hà. Không gian yên ắng. Đâu đó không xa, chỉ vọng lại tiếng chó kêu ăng ẳng, tiếng gà lục cục.
Chị Vũ Thị Nhung – người phụ nữ 48 tuổi – đang oằn lưng kéo chiếc cần bơm nước giếng khoan đã gỉ sét. Mỗi lần ra sức kéo cần gạt, âm thanh kèn kẹt lại vang lên, nghe đến nao lòng, vậy mà vòi nước cũng chỉ có thể phun ra hai ba tia li ti nhỏ giọt. Dừng tay rót chén trà xanh nóng hổi mời khách, chị thở dài: “Việc tưới tiêu và sinh hoạt đều trông cậy vào hệ thống giếng khoan. Nhưng giờ sông cạn, chỉ bơm nửa tiếng là đã hết nước, nước lại chảy yếu nên thiếu nước trầm trọng. Làm gì cũng khổ”.
Năm nào sông cũng có mùa nước lũ, nước cạn. Đó là quy luật tự nhiên. Song gắn bó với sông đã hơn nửa đời người, đây mới là lần thứ hai chị Nhung chứng kiến cảnh sông Hồng cạn trơ đáy (lần trước vào khoảng những năm 1966-1967). Trong suốt một trăm năm qua, chưa bao giờ mức nước sông Hồng lại tụt xuống thấp đến mức kỷ lục 1,4-1,5m, thậm chí có hôm nhìn cột mốc chỉ thấy nước ở vạch 1,1m.
Chị Nhung chỉ đường đi ra Bãi Biên – khu vực thượng lưu cầu Long Biên, nhưng nước cạn đến nỗi có thể lội qua dễ dàng. Men theo đường đất nhỏ, đi qua những ruộng ngô, ruộng rau bí, cà chua được trồng xen canh trải dài vài cây số. Những lá rau vẫn xanh, nhưng héo rũ, thân héo gầy vì thiếu nước.
Gần xế trưa, bến bãi Trung Hà nhộn nhịp hơn với tiếng máy bơm xình xịch. Hàng trăm mét ống nhựa được nối dài bắc từ thượng nguồn dẫn nước vào ruộng từng nhà. Đây là biện pháp duy nhất để những nông dân sông Hồng cứu vớt phần nào mùa màng của họ trong những ngày cạn nước. Song không phải ai cũng có đủ vốn để đầu tư cho việc “cứu vãn” này. Tính ra, tiền mua thiết bị bơm dẫn nước còn nhiều gấp mấy lần tiền thu hoạch một vụ mùa, khoảng 3-3,5 triệu đồng, chưa tính đến tiền mua hàng trăm mét ống dẫn nước với mức giá khoảng 8.000-9.000đ/mét.
Tiếng là có máy bơm, nhưng để bơm được nước cũng nhọc nhằn. Nhà ở phường Ngọc Thụy, cách bãi 3 cây số, ngày nào cũng thế, với chiếc xe đạp ọp ẹp, anh Dũng đều phải gò lưng chở máy bơm nặng 23,5kg ra tận bãi, không phải để tưới ruộng nhà anh thì để phục vụ nhu cầu của bà con.
Những hộ nông dân nghèo như nhà chị Nhung, cô Tuyền hay bác Khoa, bác Xuyến… không đủ sức để mua máy bơm, đều phải thuê máy nhà anh Dũng với giá 40.000đ/h, tăng 5.000đ so với năm ngoái vì giá xăng lên. Cứ cách 10 ngày, ruộng phải được bơm nước một lần, mỗi lần bơm dài 4 tiếng. Như vậy, tính sơ sơ một vụ ngô kéo dài 3 tháng, nếu thuê máy bơm, mỗi hộ nông dân đã phải tốn khoảng 1,5 triệu đồng – một khoản không hề nhỏ. Còn những hộ quá nghèo, không đủ sức thuê máy bơm thì chỉ còn biết mòn mỏi đợi mưa…
Trước khi chia tay bãi đất Trung Hà, tạm biệt những số phận bấp bênh lênh đênh theo dòng nước, một người bạn đi cùng đã xin chụp một tấm hình với cô Tuyền. Miệng cô cười rất tươi, song ánh mắt của người đàn bà 60 tuổi ấy không nhìn thẳng vào khuôn hình mà hướng về phía mép nước sông Hồng xa xa – ánh mắt đong đầy tiếng thở dài: “Bao giờ mưa đổ xuống, bao giờ nước sông dâng?”…