ThienNhien.Net – Khi mà lối ra cho thảm trạng này còn nằm đâu đó trên những kế hoạch – dự án lúc xa xôi, lúc gần gụi – thì chúng tôi chỉ còn biết đi xem phá rừng. Đi xem cuộc sống của những “cánh chim rừng không mỏi” từ “trên trời” đậu xuống giữa rừng, rồi phá rừng, lập làng để bắt đầu một cuộc sống cái gì cũng không có. Không cả tuân thủ luật pháp, không cả thèm chào người cán bộ tử tế đến tính kế lo ổn định cuộc sống cho chính mình.
Kì 1: Nhật ký ở nơi “cuối đất cùng trời”
Kì 2: Bùng nổ xã mới, thôn mới
Tận mục những cánh rừng bị phá tan hoang, những thân gỗ lớn đen trũi nằm thuồi luồi, kềnh kếnh kang giữa những rông núi mà rừng vừa bị đốn ngã, đốt cháy. Tận mục những đám khói mịt mù do đốt rừng mà nó kinh khủng như B52 trải thảm. Tận mục rừng đêm, lửa lan đến mức đỏ rực cả ba bề bốn bên nơi tôi đang đứng; hơi nóng phả hầm hập, mùi tro than ngọt ngái đến ma quái. Tận mục, chúng tôi đã hoảng hồn y như đàn hoang thú đang bị lửa xua đuổi khỏi tay nôi của bà mẹ rừng.
Những người di cư tự do, hoặc từ tận cùng cực Bắc vào, hoặc từ tít tịt Tây Nam Bộ ra, họ phá rừng tàn nhẫn, chống đối ra mặt lực lượng bảo vệ rừng. Sự bất lực của lực lượng bảo vệ rừng trước cơn bão di dân tự do, nó cũng rõ rệt như những cánh rừng đang bị ép phải chết đứng, chết nằm vậy.
|
Khi chúng tôi có mặt ở tỉnh Đắc Nông, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện biên thùy Tuy Đức vừa “tấn công” vào điểm nóng phá rừng, di cư tự do ở Đắc Ngo, Quảng Tín về. Hơn 2.000 người đang nằm trong lõi rừng, họ đã xóa sổ vài cái lâm trường, mỗi lâm trường rộng tới hơn 1.000ha! Hai ba cái lâm trường nữa, cũng cả nghìn héc-ta diện tích rừng đang bên bờ vực bị xóa sổ. Đoàn liên ngành gồm công an, bộ đội, kiểm lâm…, trực tiếp Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, ông Trần Đình Quang “điều binh khiển tướng” vừa đi ròng rã suốt 3 ngày đêm, đã bắt quả tang hàng chục vụ phá rừng, trục xuất 41 người ra khỏi địa bàn huyện, tháo rỡ 23 căn nhà, thu hàng chục xe máy và cưa xăng, triệt phá cả nhiều héc-ta nương rẫy vô lối của người di cư tự do vi phạm lâm luật.
Có một sự thật mà tất cả các thành viên trong đoàn kiểm tra thêm một lần thở dài thượt thượt để nói ra, đó là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, câu chuyện cứ tồn tại như cỗ máy chém giết chết lá phối xanh của Tây Nguyên từ khá lâu nay: đó là sự bất lực trước cảnh rừng bị giết bởi những người di dân tự do. Sự nửa vời. Sự nhân nhượng của chúng ta đôi khi đã làm cho những kẻ coi thường luật pháp họ lấn tới. Kèm theo đó là thái độ chây lỳ, thậm chí chống đối ra mặt của những người di dân tự do.
Đoàn kiểm tra đi rồi đoàn kiểm tra lại ra về, kể cả kiểm lâm và cán bộ lâm trường, cũng chẳng có ai sống với rừng được 24/24 tiếng mỗi ngày. Nhà tạm bị phá, rất nhiều người bị trục xuất ra khỏi rừng, nhưng rồi họ lại vào rừng, lại phá rừng và dựng nhà, dựng một cuộc sống dựa trên những cái “lý” mà sờ đâu cũng thấy sai của họ!
Có người di dân tự do, thấy đoàn kiểm tra đến, họ trưng ra cả cuốn sổ ghi nhật ký ghi tên, thời gian, công việc, kiến nghị của các đoàn đến kiểm tra, xử lý trước đó như thách thức. Cam kết quá nhiều, kiểm tra quá nhiều, song sự việc vẫn đâu đóng đấy. Cam kết, xử lý rồi bỏ đó thì chẳng có gì là khó hiểu khi mà chủ nhân của “cuốn sổ phá rừng” vẫn ở trong rừng và vẫn phá rừng đều đặn.
Cái tâm lý “chơi bài cùn” của người di dân tự do là quá rõ rệt: họ tin rằng, cứ bám trụ, rồi sẽ được chăm bẵm, cơ quan chức năng dần dà sẽ “xuống tay”, sẽ cấp sổ đỏ cho đất ở, đất canh tác mà họ vừa giết rừng “cướp” được. “Thế thì tội gì mà không… phá rừng, người ta phá được thì tôi cũng phá được!” – trả lời nhà báo, một người di dân tự do nói “toạc móng heo”, cho cả đoàn cán bộ liên ngành nghe… thả phanh.
Các cuộc phỏng vấn chính thức và trực tiếp của chúng tôi với Chi Cục kiểm lâm, Ban Dân tộc tỉnh, Chi Cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn của tỉnh Đắc Nông đều thu nhận được những con số, những nhận định xót xa về thực trạng rừng bị xóa sổ sau bước chân của người di dân tự do. Có gần 14.000 người di dân tự do đang “oanh tạc”, phá rừng thảm khốc ở cả tỉnh Đắc Nông. Trùm lên những con số, là tình trạng địa phương lao đao, bất lực, đành ngồi chờ đợi chủ trương của… cấp trên; là thủ đoạn phá rừng bán trao tay đất rừng, là nếp nghĩ “rừng nhiều thế, người ta phá được, tội gì mình không phá” của những kẻ coi thường luật pháp.