Cả nước được chia thành 7 vùng kinh tế nông nghiệp thì Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất. Miền Tây Nam Bộ có 4 triệu ha đất tự nhiên, 28.000 km sông rạch, ba mặt giáp biển. Tuy nhiên ở đây đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào còn thấp, chưa bằng bình quân chung của cả nước.
Toàn vùng gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh, với dân số 18 triệu người, là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp (50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây), thủy sản (52%) lớn nhất nước, đóng góp 90% số lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2006 ước tính đạt 493 USD (so với bình quân cả nước 729 USD). Cơ sở hạ tầng nhìn chung còn rất yếu kém. Mặt bằng dân trí cũng thấp hơn bình quân chung cả nước. Nhân dân hiện sinh sống trong 3 triệu căn nhà, mà 70% là nhà tạm bợ.
Không thể cứ mãi duy trì những “cái nhất” rất mâu thuẩn và nghịch lý kiểu này ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL): vựa lúa lớn nhất, thủy hải sản nhiều nhất, cây trái phong phú nhất, nhưng đồng thời cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tồi tệ nhất, giáo dục xuống cấp nhất… Cấp thiết phải tiến hành qui hoạch tổng thể lại cho toàn vùng ĐBSCL bước vào thời hậu WTO và sớm hình thành một Ban chỉ đạo thống nhất đặc trách phát triển thuộc cấp nhà nước cao nhất. Có như vậy thì ĐBSCL mới mong đối đầu được với cuộc khủng hoảng môi trường trước mắt cũng như vực dậy một vựa lương thực thực phẩm lớn nhất nước này.
Đồng bằng Sông Cửu Long: S.O.S. !
Tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, các chuyên gia đều lên tiếng báo động về một nguy cơ môi trường khá trầm trọng đang diễn ra và nhấn mạnh đến sự tụt hậu do tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong việc qui hoạch và quản lý phát triển vùng ĐBSCL.
Nguy cơ lớn nhất trước mắt cho DBSCL là vấn đề môi trường. “Cửu Long cạn nguồn”! Đó là lời báo động S.O.S., cấp bách và có thực, đến từ các Viện nghiên cứu quốc tế có uy tín về các vùng đất ngập trũng trên thế giới. Các sự kiện và dữ liệu về dòng Mê Kông suốt các thập kỷ qua nói lên điều đó.
Trung Quốc đã xây dựng 3 trong số 14 đập nước trên thượng nguồn Mê Kông ở Vân Nam. Thái Lan chuyển dòng chảy tưới tiêu cho vùng Đông Bắc khô cằn. Biển Hồ như hồ điều tiết nước toàn vùng hạ lưu Mê Kông trên đất Campuchia đang cạn dần do tốc độ bồi lắng quá nhanh.
Châu thổ Cửu Long cạn kiệt do bị ngấm mặn lấn sâu, lũ lụt ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn. Các sân chim nay vắng bóng các đàn chim di trú quí hiếm từng được các tổ chức bảo tồn đời sống hoang dã thế giới đánh giá cao. Lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, xả nước thải độc hại gây ô nhiễm dòng nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản…
Tình hình đáng báo động trên đã được tiến sĩ Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (Mỹ) lưu ý: “Xây dựng các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến dòng Mê Kông đang chết dần, cũng giống như Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc.”
Hậu quả ai cũng nhìn thấy rõ: Nếu nguồn tôm cá tự nhiên ĐBSCL vài mươi năm trước còn rất phong phú, thì nay nguồn tài nguyên ấy rõ ràng đã cạn kiệt. Câu chuyện mấy năm trước đây ngư dân bắt được một “con cá đuối nước mặn” khổng lồ dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 kg trên sông Tiền không phải là điều đáng mừng mà là dấu hiệu báo động một thảm họa môi trường!
Trong một bài viết của bác sĩ Ngô Thế Vinh thuộc “Nhóm bạn Mê Kông’ từ Mỹ về, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết có theo dõi và biết rõ hậu quả những con đập Vân Nam và các dự án chuyển dòng lấy nước sông Mê Kông của Thái Lan trên ĐBSCL, mà theo anh Việt Nam cũng chẳng thể phản đối được gì. Trước nghịch cảnh, anh tìm cách làm sao để biến những “bất cập” hiện nay thành “thuận lợi” như phát triển ngành nuôi “tôm xú”, “cua biển” nơi vùng nước lợ đem lợi tức cho nông dân cao hơn là trồng lúa; áp dụng kỹ thuật tưới luân phiên mà vẫn bảo đảm năng xuất lúa ở vùng thiếu nước khi Cửu Long cạn dòng…
Cấp thiết qui hoạch lại và có sự chỉ đạo thống nhất toàn vùng
Trước 1975, ĐBSCL đã là trọng tâm của kế hoạch nghiên cứu kinh tế hậu chiến (hồ sơ mang tên “Kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc”) của chính quyền Sài Gòn. Các dữ liệu đó tuy cũ, nay có lẽ không còn phù hợp nữa, nhưng có nhiều cơ sở khoa học đáng lưu ý, có thể cung cấp cho ta một cái nhìn tổng thể về việc phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tiên tiến thế giới.
Rất sớm vào đầu những năm 1980, nhóm nghiên cứu do giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đứng đầu đã đề ra được một phác thảo tổng thể phát triển toàn vùng ĐBSCL. Điều quan trọng là nhóm đã đề xuất việc thành lập ngay một ban chỉ đạo cấp vùng nhắm thống nhất xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý toàn bộ vùng ĐBSCL.
Tại Hoa Kỳ, tuy ở xa đất nước hàng vạn dặm, tôi đã nhìn thấy xuất hiện “Nhóm bạn Mê Kông” do bác sĩ Ngô Thế Vinh đứng đầu, từ mấy thập kỷ qua đã đi lại khảo sát suốt dòng Mê Kông, từ Tây Tạng cho đến ĐBSCL, đặc biệt viết nhiều sách báo báo động nguy cơ xuống cấp nhanh chóng môi trường vùng ĐBSCL và đề ra các biện pháp khắc phục, dựa trên những dữ liệu và đề xuất khoa học quốc tế đáng tin cậy nhất.
Vừa qua, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã nêu lên 3 vấn đề lớn trong chiến lược phát triển ĐBSCL:
-Cần phát triển nhanh hệ thống hạ tầng như giao thông và thủy lợi;
-Nâng cấp và phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo và dạy nghề;
-Tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng, giữa ĐBSCL với cả nước, đặc biệt là với TP.HCM.
Quá khứ gần đây, các mô hình thành công lẫn thất bại không thiếu ở vùng ĐBSCL. Có thể nêu ra đây 2 “điển hình” đó: Nếu Đại học An Giang là điển hình rất thành công về giáo dục bậc cao, đáp ứng yêu cầu cụ thể cho một vùng nông nghiệp phát triển mà cả nước cần nghiên cứu học tập, thì dự án cầu Rạch Miễu cũ (nối Tiền Giang và Bến Tre) có thể xem như “điển hình” cho các công trình xây dựng thiếu quy hoạch, thiếu trách nhiệm và rất lãng phí, đã và đang diễn ra khá nhiều ở nước ta. Cần nhân lên các mô hình thành công và loại bỏ sớm những “điển hình” xấu.
Rút tỉa kinh nghiệm nghiên cứu phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ (cụ thể qua công trình nghiên cứu “Quy hoạch tổng thể Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 1996-2000”, hợp tác giữa Bộ kế hoạch-đầu tư và Úc), ban chỉ đạo phát triển ĐBSCL cũng nên nhanh chóng tiến hành một phương án nghiên cứu bài bản (nếu cần phải hợp tác với nước ngoài) mang tên “Qui hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm miền Tây Nam Bộ”. Và một khi đã quyết thì sớm bắt tay vào thực hiện ngay, thời gian không còn cho phép ta chần chờ nữa.
Và trên hết là sớm hình thành một cơ cấu quản lý mạnh, bao quát, mang tính cấp vùng, đặc trách phát triển vùng ĐBSCL trong chiến lược phát triển mới hậu WTO. Đó là nhắm khắc phục những yếu kém cũ, ví như các cách làm manh mún, cá thể, tự phát… của từng tỉnh một, gây tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” từ lâu nay.
Vào các thập kỷ tới, dự báo năng lượng và lương thực là hai yêu cầu lớn nhất của loài người trên hành tinh này. ĐBSCL là một trong các vựa lương thực thực phẩm lớn nhất của đất nước và thế giới. Thật không công bằng khi một vùng đất nuôi sống cả nước mà đời sống tinh thần và vật chất của người dân lại nằm dưới mức bình quân cả nước. Đây là một điều nghịch lý khó có thể chấp nhận được cho một vùng đất nhiều tiềm năng và nguồn lực.
Phải làm sao cho ĐBSCL thực hiện được sứ mạng của đất nước và thế giới như từng được nêu lên trong khẩu hiệu của Ngày các vùng đất trũng ngập Thế giới 02/02/2004: “Từ núi ra biển, các vùng đất ngập trũng phục vụ chúng ta.”(“From mountains to the sea, wetlands at work for us.” World Wetlands Day – 02/02/2004).