VQG Yok Đôn: Nóng bỏng chuyện giữ rừng

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia(VQG) Yok Đôn có diện tích 115.545 ha, tiếp giáp với 7 xã vùng đệm của 3 huyện thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, với cộng đồng dân cư là 32 nghìn người. Vùng đệm Yok Đôn gần như không còn rừng, vườn giống như một hòn “ngọc xanh” với nhiều loại gỗ quí hiếm, màu mỡ cho lâm tặc tấn công từng giờ từng phút. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, lâm tặc tăng cường hoạt động mạnh, trong khi diện tích rừng rộng, lực lượng giữ rừng thì mỏng, nên việc bảo vệ và quản lý rừng hết sức nóng bỏng, nhiều khi vượt quá tầm kiểm soát của chủ rừng.

Nỗi lo của rừng

Sáng ngày 18-3, ông Ngô Tiến Dũng – Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, tình hình xâm hại rừng ngày càng gia tăng nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, hạt kiểm lâm của vườn đã phát hiện 320 vụ, trong đó khai thác gỗ trái phép 243 vụ với 633 cây gỗ Cẩm lai, Hương (thuộc nhóm IIA qúy hiếm); vận chuyển lâm sản trái phép 50 vụ, săn bắt động vật hoang dã 2 vụ…
 
Trong khi diện tích vườn thì rộng, lực lượng kiểm lâm viên (KLV) còn mỏng, sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác của địa phương chưa đồng bộ, còn hời hợt nên việc giữ rừng và bảo vệ rừng hết sức cam go và khốc liệt trước việc người dân “người người” làm lâm tặc. Hiện tại vườn có 80 KLV quản lý và bảo vệ 115.545 ha rừng đặc dụng, theo qui định thì còn thiếu tới 131 KLV, trong khi rừng có nhiều loại gỗ qúy hiếm, địa hình lại bằng phẳng nên cư dân ở vùng đệm dễ dàng xâm nhập.

Nạn khai thác gỗ trái phép xảy ra trên diện rộng, các đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân sống ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đăk Lăk), huyện Cư Jút, Đăk Mil (Đăk Nông). Lâm tặc với một lực lượng hùng hậu, có những tốp từ 25 đến 30 người gồm cả phụ nữ và trẻ em tràn vào vườn tiến hành đốn hạ những cây gỗ Hương, Căm xe. Trước tình đó, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người vào rừng 24/24 nhưng vẫn không thể kiểm soát nổi.

Phương thức khai thác gỗ lậu chủ yếu là bằng thủ công, dùng cưa tay cắt hạ và đẽo bằng rìu, có những chỗ xa xôi hẻo lánh, lâm tặc dùng cưa máy cắt hạ và bổ hộp, sau đó vận chuyển chủ yếu bằng xe đạp thồ tập kết về nơi thuận lợi để dùng thuyền máy, thuyền độc mộc vận chuyển qua sông Sê-rê-pốc, hoặc dùng xe máy vận chuyển gỗ về các thôn, buôn cất dấu. Sau đó, toàn bộ số gỗ khai thác trái phép được bán cho đầu nậu đến từ TPBMT và chúng vận chuyển trên Tỉnh lộ 1- là con đường độc đạo duy nhất về TPBMT tiêu thụ.

Các chủ đầu nậu gỗ thường không ra mặt và họ chỉ đứng đằng sau điều khiển những lâm tặc là những người nông dân sống ở vùng đệm của vườn. Chúng tôi không khỏi giật mình khi được biết ở xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn) có tới 80% hộ dân không canh tác trên nương rẫy mà đổ xô vào rừng kiếm sống. Điều đó cũng dễ hiểu vì 1 lâm tặc nếu khai thác gỗ trót lọt, một ngày sẽ có thu nhập từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Đặc biệt nguy hiểm nhất cho vườn Yok Đôn là ngay tại “lõi” vườn là buôn Drang Phok (xã Krông Ana) có 85 hộ dân (cách đây 1 năm chỉ có 63 hộ) thì có tới 65 cưa máy, 30 xe máy cày chuyên đi rừng khai thác gỗ trái phép, đây là một áp lực quá lớn trong vùng lõi của vườn.

Ông Ngô Tiến Dũng còn cho biết, điểm dân cư Drang Phok sẽ “phình” ra và cứ theo đà này, chắc chắn không xa một xã mới sẽ hình thành ở ngay vùng lõi của vườn, khi đó một diện tích rừng đặc dụng không phải nhỏ sẽ tan hoang theo tỷ lệ thuận việc tăng dân số. Vườn đã nhiều lần đề xuất từ huyện lên đến tỉnh về việc phải di dời người dân buôn Drang Phok ra khỏi vùng “lõi” của vườn, nhưng cho đến bây giờ địa phương vẫn chưa đồng ý (!).

Chông gai nghề giữ rừng

Đứng trước việc lâm tặc ngày càng lộng hành, VQG Yok Đôn đã thành lập thêm 2 trạm kiểm lâm (KL), nâng số trạm KL lên 10 trạm dọc theo ranh giới phía Nam, phía Bắc và phía đông kết hợp với một số chốt cơ động trong các vùng trọng điểm. Tuy nhiên, cho dù vườn đã huy động hết lực lượng căng ra để giữ rừng, nhưng cũng chỉ giảm bớt được phần nào vì có một lượng lớn dân cư vào rừng không thể ngăn cản và kiểm soát được. Khi KL chặn chỗ này thì lâm tặc đi chỗ khác, cao thủ hơn nữa khi các đối tượng cho trẻ em làm “ăng ten” theo dõi KL, khi thấy động chúng dùng ĐTDĐ báo cho lâm tặc tránh né sự ngăn cản của KL. Khi bị ngăn chặn, lâm tặc liều lĩnh chống trả lại lực lượng KL bằng hình thức lao thẳng xe, thuyền chở gỗ vào người, xe của KL để chạy trốn; nếu không chạy thoát thì chúng bỏ gỗ để thoát thân.

 tịch thu gỗ lậu
Yok Đôn, cũng như đa số khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Việt Nam hiện nay, luôn trong tình trạng thiếu biên chế kiểm lâm 

Ông Ngô Tiến Dũng- Giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn cho €biết, vì nhiệm vụ giữ rừng mà anh em chúng tôi đã có nhiều người phải đổ máu. Cách đây mấy ngày, người dân báo tin có một xe tải đang vận chuyển gỗ lậu theo tỉnh lộ 1 về TPBMT, chúng tôi huy động 2 xe ô tô chở lực lượng đi theo. Khi chúng tôi ra hiệu dừng xe để kiểm tra, xe tải chở gỗ có vẻ chấp hành khi dừng lại, nhưng bất ngờ chúng lùi xe lại tông vào xe KL rồi chạy thoát về TPBMT.

Sau đó 2 tiếng, một xe ô tô tải chở 30 đối tượng chạy từ hướng TPBMT về ngay cổng hạt kiểm lâm của vườn dừng lại. Một đối tượng nhảy xuống xe đi vào gặp lãnh đạo của vườn để thương lượng việc bồi thường chiếc xe của vườn bị lâm tặc lùi xe lại làm hư hỏng. Đối tượng trên ngang nhiên tuyên bố: “Số gỗ chúng vừa vận chuyển về TPBMT là gỗ của một vị “quan” cỡ bự của tỉnh, do đó vườn đừng nên làm gì”. Cách đây chưa lâu, Trạm KL số 4 của vườn phát hiện người dân dùng cưa mâm xẻ gỗ, anh em tiến hành lập biên bản và thu giữ cưa mâm. Ngay lập tức, các đối tượng đã huy động một lực lượng đông đảo tiến hành bao vây, đập phá và hành hung anh em trạm 4. Còn nhiều chuyện không thể kể hết như anh Toàn- Hạt phó hạt KL của vườn bị lâm tặc ném đá bể đầu, hay anh Đạt bị thuyền chở gỗ lậu đâm trọng thương.

Để ngăn chặn việc xâm hại rừng Yok Đôn, đã đến lúc các cơ quan chức năng có liên quan cần phải có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa. Trước mắt phải đẩy nhanh việc triển khai Dự án vùng đệm theo Quyết định 39/2002/TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, hạn chế áp lực cho vườn. Đồng thời, theo quy định, phải bổ sung thêm 151 người cho biên chế của vườn trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Tiến hành di dời những điểm dân cư ở ngay vùng “lõi” của vườn về vùng tái định cư mới… Có như thế VQG Yok Đôn mới được bảo vệ trước việc xâm hại của người dân.