Trong phạm vi nông hộ/trang trại, sản xuất nông nghiệp đã tận dụng tối đa những phế phẩm của các hoạt động sản xuất khác nhằm giảm thiểu việc sử dụng phân hoá học và thuốc sát trùng. Đây là một trong những lộ trình tiến tới nền nông nghiệp hữu cơ mang tính khả thi cao, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Đã có nhiều đề tài khoa học liên quan đến vấn đề này, trong đó nổi bật là dự án “ứng dụng mô hình sản xuất tích hợp nông nghiệp, đa dạng hoá cây trồng – vật nuôi cho vùng sản xuất có nhiều khó khăn” của sở Khoa học – Công nghệ Bạc Liêu và Trà Vinh. Cảm nhận đầu tiên khi đến thăm gần 10 mô hình thuộc dự án là không còn mùi hôi khai của phân gia súc, gia cầm.
Anh Lâm Hố ở xã Vĩnh Trạch (thị xã Bạc Liêu) cải thiện mô hình canh tác của gia đình hướng theo mục tiêu của nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từ chỗ nuôi 4 con bò cái, tới nay gia đình anh có thêm 2 con bê, nếu chỉ như vậy thì chẳng có gì đáng nói. Điều đặc biệt là những con bò này được coi như là “nhà máy” sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, đạm sinh học; phân và nước tiểu bò được khử mùi hôi khai bằng chế phẩm EM, được chế biến thành thức ăn cho trùn (giun) quế.
Anh Hố nuôi trùn quế dưới lán lá rộng 60m2, chia thành 16 ô để thu hoạch luân phiên. Bên cạnh đó, anh còn nuôi 200 con gà Lương Phượng; 9 ao nuôi tôm sú, 1 ao nuôi cá bống tượng với tổng diện tích gần 4ha. Theo anh Hố thì cách nuôi trùn quế sinh sản, “chế biến” trùn thành thức ăn chăn nuôi cũng như cách khử mùi hôi bằng EM rất dễ thực hiện.
Anh Ngọc, cộng tác viên kỹ thuật của dự án giải thích: Nếu trước đây mua bổ sung đạm cho tôm, gà phải mất gần 200.000 đồng/lượt, nhưng nay nhờ nuôi bằng trùn nên chỉ mất khoảng 50.000 đồng. Không chỉ tận dụng để nuôi trùn, phân bò còn là phân bón sạch, rất tốt cho rau, hoa quả. Từ khi tham gia dự án, doanh thu của gia đình anh Hố đạt 600 triệu đồng/năm, lãi gần 20% (chưa kể khấu hao).
Khác với anh Hố, anh Văn Thảo (cũng ở xã Vĩnh Trạch) có vốn đầu tư ít hơn. Anh vay tiền dự án mua 4 con bò, chúng đã đẻ thêm được 3 con bê. Nước tiểu của bò được tận dụng bằng cách xây chuồng có rãnh thoát nghiêng, nước tiểu đổ vào hố ngoài chuồng bò. Dung dịch EM loãng được hoà vào nước tiểu cho cá ăn, bón rau, lúa, bắp. Anh Thảo cho biết, dùng dung dịch EM tiết kiệm được 80% đạm, khiến rau đẹp mã, lâu héo lại sạch sâu bệnh. Việc áp dụng quy trình sử dụng chế phẩm sinh học EM cũng khá dễ dàng sau vài đợt tập huấn.
Dùng chế phẩm sinh học EM không những giúp môi trường sống trong lành, tránh ô nhiễm mà còn xây dựng được tập quán tận thu phân, nước tiểu gia súc làm phân sạch. Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu) cho biết, tỉnh vừa khảo sát và tổng kết 20 mô hình canh tác có doanh thu tương đối cao trong năm 2007, trong đó có mô hình chuyên màu (đạt 60-90 triệu đồng/ha); mô hình lúa – màu (55-75 triệu đồng/ha); lúa – cá (55-70 triệu đồng/ha); tôm-cua-cá (50-80 triệu đồng/ha); cá bống tượng và VACR được xếp hàng đầu, vì đều vượt 100 triệu đồng/ha.
Có nhiều loại đề tài, dự án chuyển giao kỹ thuật mới vào sản xuất, mỗi loại có những ưu điểm riêng, nhưng đề tài tác động đến hệ thống VACR đáp ứng được nhu cầu mà nông dân cần, vì tác động vào các hoạt động sản xuất của nông hộ, nâng cao trình độ sản xuất cũng như tăng thu nhập nhanh hơn, bền vững hơn.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổng kết công tác khoa học và công nghệ năm 2007, theo đó, số vốn đầu tư cho công tác khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp lên tới 484 tỷ đồng và đã có một số kết quả nổi bật như chọn tạo ra nhiều giống lúa, ngô, đậu đỗ, rau… năng suất cao, chất lượng khá, sản xuất ra các loại vắc – xin, chế phẩm sinh học có tính ứng dụng rộng.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2008 được xác định là phải tập trung hơn nữa đến tính ứng dụng của các công trình khoa học và giúp ích cho bà con nông dân. Đề tài “ứng dụng mô hình sản xuất tích hợp nông nghiệp, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi…” do sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu và Trà Vinh đang thực hiện hẳn là một trong những hướng hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2008.