Rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên cho rằng, nơi đây có thể “ăn đứt” khu rừng xem thú đêm Night Safari của Singapore về mọi mặt, thế nhưng…
Hấp dẫn nhưng còn “ngủ”!
Vườn Quốc gia Cát Tiên được nhiều du khách mê mẩn với thảm động thực vật ở đây. Anh Benjamin, du khách người Anh khi đến tham quan rừng, nói rằng “thật sự ngất ngây với rừng bằng lăng tím rộ, thích thú với nhiều loại nấm đa sắc màu và ngỡ ngàng với nhiều loài cây có gốc khổng lồ”.
Đặc biệt, trong cuốn nhật ký của mình, Benjamin đã tả lại cảm xúc thích thú khi tham gia chương trình “Xem thú đêm” do Trung tâm Du lịch sinh thái vườn Cát Tiên tổ chức: “Trên chiếc Toyota mui trần, cùng với người hướng dẫn cầm đèn pha vào rừng. Ánh sáng chiếu thẳng vào một đám cỏ tranh, hiện ra một đàn hoẵng cả chục con đang nhởn nhơ gặm cỏ…”.
Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng với diện tích 73.878ha, có 1.610 loài thực vật, hơn 100 loài thú, trong đó có loại tê giác một sừng Java cực kỳ quý hiếm trên thế giới.
Vườn được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển của thế giới”. Mấy năm gần đây, rừng Cát Tiên đón khá đông khách du lịch nhưng phần lớn thu hút các em học sinh, sinh viên đến tham quan, còn thị trường du khách, đặc biệt là du khách quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân chính là việc khai thác loại hình du lịch này chưa được tổ chức bài bản, cơ sở hạ tầng ở đây kém, dịch vụ chẳng có gì, khách đến “nhìn” rồi về.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt cho rằng, ở các nước trên thế giới có ưu thế về rừng, họ tổ chức cho khách đi bộ trong rừng, chinh phục vách đá, hang động, xem thú, tìm hiểu thảm động thực vật rất hấp dẫn. Rừng Cát Tiên có ưu thế đó nhưng tổ chức “không ra trò” nên du khách có sở thích khám phá rừng chuyển hướng qua Malaysia, Indonesia…
Còn ông Lê Văn Tâm, trưởng phòng thiết kế tour một hãng lữ hành tại TPHCM, đưa ý kiến: Đối với khách “Tây ba lô”, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì chỉ cần tiện nghi tối thiểu.
Dạng thứ hai là khách du lịch thuần túy, muốn có những khoảnh khắc sống với thiên nhiên, vào rừng có thể ăn cơm hộp, uống nước suối, ngủ trưa trên thảm lá, buổi tối khi trở ra rừng, họ có nhu cầu ở khách sạn có “sao”. Vấn đề này ở Cát Tiên chưa đáp ứng được.
Mơ về một Night Safari Việt Nam
Ai đã từng đến rừng quốc gia Cát Tiên tham gia chương trình “Xem thú đêm”, rồi qua Singapore, tới tham quan Night Safari mới có dịp so sánh: Cát Tiên có ưu thế hơn hẳn Night Safari nhiều mặt nhưng lại thua xa Night Safari về ý tưởng!
Night Safari là một điểm du lịch rừng vừa bảo vệ môi trường vừa kết hợp với thương mại một cách hiệu quả. Được khánh thành vào năm 1993, Night Safari rộng 40ha, với đàn thú 1.200 con, thuộc 110 loài, được nuôi sống trong điều kiện tự nhiên hoang dã.
Singapore đã tạo Night Safari thành một khu rừng tổng hợp mang đặc thù của nhiều khu rừng khác nhau trên thế giới, như vùng rừng ẩm ướt Đông Nam Á, Himalaya, châu Phi, vùng thung lũng Nepan, đồng hoang Nam Mỹ… Đặc biệt, khi tham quan Night Safri vào buổi tối, du khách còn được xem chương trình các sinh vật của bóng đêm trình diễn thật độc đáo.
Mặc dù Night Safari chỉ là “rừng công viên” có sự can thiệp từ bàn tay của con người nhưng họ biết cách dựa vào thiên nhiên để tạo ra thiên nhiên. Còn Vườn Quốc gia Cát Tiên hơn hẳn Night Safari về điều kiện cảnh quan thiên nhiên, quy mô, chủng loại thú nhưng Cát Tiên hoàn toàn thua xa về nghệ thuật biến thành sản phẩm du lịch để hấp dẫn khách, thu ngoại tệ, có thêm kinh phí để bảo vệ, phát triển rừng. Từ Night Safari, nhiều người tự hỏi: Bao giờ có một “Night Safari… Cát Tiên” ăn khách?
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Vietmark, cho rằng, các hãng lữ hành sẵn sàng thiết kế tour đưa khách đến, với điều kiện Cát Tiên phải thỏa mãn được ý nghĩa đặc thù của loại hình du lịch rừng, cơ sở hạ tầng cần được đầu tư đúng mức.
Chẳng hạn như cần xây những nhà nghỉ hay trạm dừng chân trong rừng để khách có thể lưu đêm hay dừng chân. Phải biết cách quảng bá sản phẩm của rừng và cần có sự “bắt tay” với các công ty du lịch.
“Quà của rừng” cũng là sản phẩm cần phải bàn. Thạc sĩ Lý Tất Vinh (Công ty Du lịch Chợ Lớn) đưa ý tưởng: Có thể làm những bộ sưu tập, sách về các loại lá cây, các loại gỗ của rừng có ghi tên từng chủng loại (dĩ nhiên khai thác phải hợp lý), bưu ảnh về các loại hoa, nấm, thú, các loại cây gỗ quý bán cho khách.
Có thể gây giống, trồng nhiều loại lan rừng, có vườn ươm thực vật để khách tham quan, tìm hiểu… Nếu làm được nhiều điều trên, chắc chắn Cát Tiên sẽ trở thành một địa chỉ du lịch rừng đầy hấp dẫn.