Đó là vấn đề bức bách nhất đặt ra tại "Hội thảo khoa học phát triển khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN) khu vực đồng bằng sông Cửu Long" do Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Long An và Viện Khoa học – Công nghệ Phương Nam tổ chức ngày 28/03 tại Long An.
Thiếu quy hoạch chung
Theo báo cáo của PGS-TS Tạ Ngọc Tấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tính đến cuối năm 2007, cả nước có 183 KCN với tổng diện tích 43.687 ha, phân bố trên 54 tỉnh, thành, trong đó có 111 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đã thu hút 3.020 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 30 tỉ USD. Ngoài ra còn có 3.070 dự án trong nước với tổng vốn gần 200 ngàn tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.
Thế nhưng cùng với thành tựu là rất nhiều vấn đề bất cập đang đặt ra: Yếu kém về năng lực cạnh tranh và tính liên kết giữa các KCN và các tỉnh trong vùng. Nhiều tỉnh tự “xé rào” để tạo cơ chế ưu đãi riêng, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh. Về tổng thể thì thiếu một tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch. Hậu quả khiến việc phát triển các KCN phân tán, chia cắt, phát triển tràn lan. Gần như tỉnh nào cũng có KCN, trong đó nhiều KCN xây dựng xong không có khả năng lấp đầy, lãng phí rất lớn.
Tính đến nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha (bình quân mỗi KCN có 180 ha), trong đó diện tích đã xây dựng 2.416 ha, nhưng diện tích đất cho thuê chỉ mới có 810 ha (33,51%). Thậm chí, có KCN chỉ mới sử dụng được… 5% diện tích đất. Ngoài KCN do Trung ương quy hoạch, 13 tỉnh thành ĐBSCL còn có 177 cụm công nghiệp với diện tích 15.457,3 ha.
Mạnh ai nấy làm
Đó là tình trạng mà TS Nguyễn Chơn Trung, Phó viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ Phương Nam gọi là “đáng buồn nhất”. Theo ông, việc phát triển các KCN tại ĐBSCL phải xuất phát từ mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng, đặc biệt là phải giữ gìn môi trường sinh thái. Việc quy hoạch các KCN thời gian qua theo kiểu tự phát, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và ô nhiễm môi trường đã trở thành mối đe dọa lớn cho sự phát triển của toàn vùng.
Theo ông Trung, tình trạng ô nhiễm môi trường do các KCN gây ra nói chung hiện đã đến mức báo động: 70% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, 90% cơ sở sản xuất đổ thẳng chất thải ra môi trường. Riêng tại ĐBSCL, ngoài 220 ngàn tấn rác thải công nghiệp, hằng năm 12.757 doanh nghiệp, 113 KCN đã thải ra 47,2 triệu m3 nước thải công nghiệp. Ông Trung đặt vấn đề: Từ lâu ĐBSCL đã kêu cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng vì sao càng kêu cứu thì ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn?
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân thì cho rằng KCN không thể phát triển nếu môi trường xấu đi. Ông nêu ví dụ tại Đồng Nai, nước thải từ các nhà máy đổ ra sông Thị Vải không thoát đi được. Tại ĐBSCL, nước thải từ các ao nuôi tôm thải ra sông Cửu Long gặp thủy triều đẩy trở lại, người nuôi tôm tiếp tục bơm vào rồi cứ tưởng đó là nước sạch.
KTS Nguyễn Hữu Thái (Việt kiều Canada) cho rằng không thể duy trì mãi những cái “nhất” rất mâu thuẫn và nghịch lý tại ĐBSCL như: vựa lúa lớn nhất, thủy hải sản nhiều nhất, cây trái ngon nhất, giàu tiềm năng nhất, nhưng đồng thời cơ sở hạ tầng cũng kém nhất, nhà ở tồi tệ nhất và giáo dục kém nhất. Theo ông, ngay bây giờ, phải tiến hành quy hoạch tổng thể lại cho toàn vùng ĐBSCL và sớm hình thành một ban chỉ đạo thống nhất đặc trách phát triển thuộc cấp nhà nước cao nhất. Có như vậy thì ĐBSCL mới mong đối đầu được với cuộc khủng hoảng môi trường trước mắt, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và vực dậy một vựa lúa lớn nhất nước.