Tỉnh Quảng Nam đang thực hiện bản đánh giá môi trường về môi trường thủy điện nhằm đưa ra những hướng đi mới trong việc phát triển bền vững các đập thủy điện tại đây.
Nội dung mà bản đánh giá đề cập tới là kế hoạch và chiến lược về thủy điện được lập ra phải có cái nhìn tổng thể, không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà đặt bảo vệ môi trường lên hàng đầu để tránh kết quả các dự án để lại ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường trước đó.
Lưu vực sông Vũ Gia – Thu Bồn chiếm tới 90% tổng số lưu vực sông tỉnh Quảng Nam. Lưu vực sông này đứng thứ tư về tiềm năng phát triển thủy điện tại Việt Nam. Trong thập kỉ qua, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ 13-15% một năm và dự kiến phát triển với tốc độ tương tự trong vòng 10 năm tới.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã bày tỏ quan điểm trong việc phát triển bền vững các đập thủy điện tại tỉnh này. “Những khuyến cáo từ bản đánh giá thủy điện lưu vực sông Vũ Gia – Thu Bồn sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu phát triển thủy điện bền vững nói riêng và mục tiêu phát triển kinh tế nói chung”- ông Hải nói.
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam cũng đang đề nghị Chính phủ ban hành quy định về việc chia sẻ lợi ích từ nguồn thu thủy điện và quy trách nhiệm của các nhà đầu tư với việc tham gia phát triển kinh tế xã hội của địa phương và có trách nhiệm lâu dài với đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng.
Theo ông Marc Goichot, chuyên gia Tổ chức bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới WWF, việc quan tâm tới những vấn đề về môi trường trong các dự án thủy điện sẽ giúp các Chính phủ và các nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản chi phí lớn về lâu dài. Bên cạnh đó còn đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang ngày càng tăng của khu vực và đồng thời giảm các tác động lên môi trường và người dân.
Các Chính phủ cần đi đầu trong việc phát triển thủy điện có trách nhiệm, bằng việc cân nhắc tới các tác động cũng như lợi ích luỹ tích của những dự án ở các lưu vực sông này.
Được biết, ngày 30/3, các nhà lãnh đạo các quốc gia trong khu vực sẽ gặp mặt tại cuộc họp thượng đỉnh các nước tiểu vùng sông Mê Kông tại Vientiane (Lào). Việc làm này của tỉnh Quảng Nam đã gửi tới một tín hiệu kịp thời và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo trong khu vực khi họ đang tìm kiếm giải pháp bền vững đối với những thách thức to lớn trong việc phát triển hạ tầng và tăng trưởng kinh tế.