Chuyện các nhà đầu tư giành dự án xí phần rồi “đắp chiếu” bao vùng “bờ xôi ruộng mật”; chuyện thu hút đầu tư “vơ bèo vạt tép” làm ô nhiễm môi trường… thật đáng lo ngại trong phát triển các khu kinh tế hiện nay. Làm gì? Đầu tư phải bắt đầu… từ đâu? Non trẻ nhất trong 11 khu kinh tế ở nước ta hiện nay nhưng câu chuyện giữ Vân Đồn (Quảng Ninh) trở thành khu du lịch sinh thái biển chất lượng cao phần nào gợi mở những kinh nghiệm, hướng đi phù hợp trong đầu tư phát triển…
Hướng đi
Ngày 04/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh sau khi phê duyệt đề án của UBND tỉnh năm 2006. Như vậy, sau 4 năm Quảng Ninh mới có được hành lang pháp lý hoàn chỉnh để đánh thức Vân Đồn. Vấn đề bây giờ là phát triển theo mô hình nào? Vân Đồn sẽ là một Ha-oai, một Ba-li hay một Xin-ga-po?
Không! Vân Đồn sẽ chỉ là… Vân Đồn, huyện đảo lớn nhất Việt Nam. Và hạt nhân phát triển Vân Đồn sẽ là du lịch sinh thái biển chất lượng cao.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng phân tích rằng: Vân Đồn là 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, được ví như 4 cô gái trời ban tài sắc vẹn toàn. Nếu Hạ Long có “sở trường” là du lịch biển kiêu sa với tấm áo choàng mang tên di sản, Móng Cái – Trà Cổ nổi trội với du lịch thương mại, du lịch biển, Yên Tử – Đông Triều – Yên Hưng đằm thắm với du lịch văn hóa và lễ hội, thì Vân Đồn – Cô Tô vẫn còn tinh khôi nét nguyên sơ thuần khiết, được ví như một nàng công chúa vẫn đang còn ngủ yên, chờ khi có chàng hoàng tử cưỡi ngựa vàng đến đánh thức. Nhưng “hoàng tử” – các nhà đầu tư danh giá-trong thời buổi hội nhập cũng rất tinh tường, muốn họ đến “cầu hôn”, phải giữ cho “con gái” vẻ đẹp trong trắng.
Thật ra, để có được suy nghĩ ấy, Quảng Ninh cũng đã có nhiều trả giá trong bài học đầu tư và phát triển. Đơn cử như Bãi Cháy là một vùng biển đẹp, nhưng ít nhiều sự xâm lấn của các dự án hạ tầng lô nhô cùng ô nhiễm môi trường đã làm hỏng nhiều cơ hội lớn. Nhiều nhà đầu tư đã phải ngậm ngùi ôm những cục tiền lớn ra đi vì không còn tìm được quỹ đất vừa tầm.
Kiểm soát chặt chẽ
Đồng chí Trần Đức Lâm, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, người vừa được bổ nhiệm làm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn nhớ lại: “Từ năm 2005, tôi là một trong số cán bộ được giao nhiệm vụ tham gia vào “tổ công tác Vân Đồn” để tìm hướng đi phù hợp cho miền đất này. Nếu không tỉnh táo rất dễ mắc sai lầm”.
Vân Đồn từng là thương cảng nổi tiếng ở nước ta từ thế kỷ 12, nhưng chiến tranh, dâu bể đã làm Vân Đồn, dù chỉ cách Hạ Long 30km, bị biến thành một huyện “miền núi hải đảo” xa xôi hẻo lánh, không có điện lưới, không có điện thoại. Song, ngay từ khi Chính phủ “rậm rịch” xem xét đề án xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn thì đã có làn sóng ngầm hàng nghìn doanh nhân tìm đến. Trong số đó, không ít “anh” chỉ nhăm nhe đầu cơ, ôm đất hòng “chạy dự án, bán công trình”, lại có anh định mang máy móc, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ra xứ “khỉ ho cò gáy” hòng “đánh quả”.
Với hướng phát triển du lịch sinh thái biển chất lượng cao, Quảng Ninh đã kiên quyết giữ Vân Đồn sạch và đẹp. Trước hết, phải có quỹ đất sạch. Trong khi chờ phê duyệt qui hoạch của Chính phủ, tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Vân Đồn dừng cấp phép cho tất cả các dự án đầu tư mới. “Hiện nay, chúng tôi kiểm soát rất chặt hiện trạng đất đai, rừng, biển, không để mua bán, đầu cơ. Có những vùng đất tưởng như hoang sơ nhưng đã mua đi bán lại qua nhiều chủ thì sau này đền bù, giải tỏa vô cùng phức tạp” – đồng chí Trần Đức Lâm nói. Tỉnh cũng xác định rõ quan điểm “rải chiếu hoa” nhưng chỉ đón khách quý, không chấp nhận những nhà đầu tư “phẩm cấp thấp”. Những dự án nhỏ lẻ có diện tích 1-2 héc-ta, những dự án du lịch dưới “3 sao”, những công nghệ làm ô nhiễm môi trường sẽ không được tới Vân Đồn.
Anh Tạ Đức Quyết, Giám đốc xí nghiệp Hợp lực Mai Quyền, người đã đến “khai sơn phá thạch” ở Vân Đồn từ những năm 90 của thế kỷ trước, hiện đang sở hữu khu du lịch Bãi Dài diện tích hơn 100ha với một hệ thống dịch vụ khép kín gồm khách sạn, nhà hàng, bãi tắm và nhiều diện tích nuôi tu hài, hàu… nhận xét: Quảng Ninh đã rất “tỉnh táo” khi giải bài toán nuôi trồng hải sản và du lịch. Ở không ít địa phương thời gian qua, vì quá chạy theo mối lợi nhuận nuôi trồng thủy sản dẫn đến nhiều vùng bờ biển bị ô nhiễm nặng nề bởi thức ăn cho tôm, cá. Với Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo rất rõ phải “nuôi con gì”. Vân Đồn không nuôi nhiều tôm như các địa phương khác, không thả thức ăn nhân tạo xuống biển. Trai ngọc, tu hài, sò huyết, bào ngư, điệp quạt, hàu… là những con vật “chủ lực” trong định hướng nuôi thủy sản nơi đây. Đó là những loài nhuyễn thể, ăn phù du, nuôi rất dễ mà giá bán rất cao. Chúng cũng rất kén chọn môi trường sống. Chỉ những vùng biển sạch như Vân Đồn mới có thể nuôi được.
Ai vẽ “kịch bản phát triển”?
Người vẽ “kịch bản phát triển” phải đến từ một nơi… phát triển. Với suy nghĩ ấy, Quảng Ninh đã rút kinh nghiệm từ những bất cập trong qui hoạch của nhiều khu kinh tế ở nước ta. Đa số các khu kinh tế ấy chỉ thuê tư vấn trong nước lập qui hoạch nên mô hình, bước đi dường như vẫn thiếu một tầm nhìn xa. Đó cũng là lý do mà Quảng Ninh được Chính phủ chỉ đạo và cho phép lựa chọn tư vấn quy hoạch nước ngoài.
Cuối năm 2007 vừa qua, Tập đoàn Giải pháp toàn cầu Thiên niên kỷ của Mỹ (MIGS) đã được lựa chọn hợp tác tư vấn quy hoạch chi tiết Khu Kinh tế Vân Đồn. Trong thời gian từ năm 2008 đến 2020, dự án sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư khoảng 25 tỷ USD từ Mỹ. Tập đoàn này đã đặt cọc 1 triệu USD với tỉnh và sẵn sàng chịu mất nếu không thực hiện đúng các cam kết. Tuy nhiên, để có cái nhìn quy hoạch toàn diện, khách quan, Quảng Ninh sẽ không phó mặc cho nhà tư vấn “ngoại”. UBND tỉnh đã ký với Tập đoàn bản thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác quy hoạch. Theo đó, Tập đoàn sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn (Bộ Xây dựng) thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn trong khoảng thời gian 10 tháng.