Luật đa dạng sinh học: Cần được làm rõ

ThienNhien.Net – Ngày 31/03, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Đa dạng sinh học. Theo tờ trình của Chính phủ, đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nhanh; diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần.

Bên cạnh đó, nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe doạ tuyệt chủng ở mức cao. Và suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người…

Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học độc lập tương đối, các quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học đang nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau và mỗi văn bản lại chỉ đề cập đến một hoặc vài khía cạnh của đa dạng sinh học, làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trên thực tế. Vì vậy, cần thiết phải có luật về đa dạng sinh học đề cập toàn diện đến các khía cạnh của đa dạng sinh học.

Trong buổi họp, UBTVQH đã cho ý kiến trong nội dung Điều 43 của dự thảo Luật Đa dạng sinh học về việc cho phép buôn bán động vật hoang dã F3. Cơ sở nuôi sinh sản thương mại các loài được bảo vệ phải đáp ứng các điều kiện như: có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; các con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp; cơ sở nuôi nhốt phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật…

Tuy nhiên, chỉ được buôn bán, giết thịt, tiêu thụ các thế hệ thứ ba sinh ra từ các loại được bảo vệ (F3). Chủ cơ sở nuôi sinh sản thương mại có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các con giống và thế hệ thứ hai của các loài được bảo vệ. Nếu ngừng nuôi, phải chuyển các loài này về cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Với quy định này, một số vướng mắc liên quan đến hoạt động nuôi hổ, nuôi gấu… gây tranh cãi lớn trong thời gian qua sẽ được giải quyết.

Đa số các ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất với quy định này. Được biết, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng đã cho phép nuôi sinh sản thương mại một số loài được bảo vệ để giảm áp lực săn bắt, khai thác bất hợp pháp các loài này.

Một nội dung quan trọng khác được bàn thảo khá sôi nổi là về quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen và sản phẩm biến đổi gen.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, nên phân định rõ sự khác biệt giữa sản phẩm biến đổi gien với sinh vật biến đổi gien, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho hai đối tượng này, vì “mức độ tác động đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người của hai đối tượng này rất khác nhau”.
Ông cũng đề nghị nên đưa các quy định về sinh vật biến đổi gien vào luật khác, vì bản chất của sinh vật biến đổi gien là “không tự nhiên”.

Thảo luận về dự án luật này, đa số thành viên và nhiều uỷ viên của UBTVQH cho rằng, đối tượng điều chỉnh như trong dự thảo luật là quá hẹp, cần mở rộng điều chỉnh đối với các loài đã được thuần hoá, các nguồn gen vật nuôi, cây trồng đặc hữu, quý hiếm… vì đây là những đối tượng đem lại giá trị kinh tế thiết thực, nên cần được quan tâm điều chỉnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và nhiều ý kiến khác cho rằng, cần quy định rõ ràng, cụ thể về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật. Nhiều khía cạnh cần được làm sáng tỏ hơn như: Bảo tồn có được khai thác không, bảo tồn đến mức độ nào, quyền quản lý đến đâu, kinh doanh đến đâu, trách nhiệm của người dân như thế nào…?