Tôm chết hàng loạt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hàng chục ngàn nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang mất ăn, mất ngủ vì tôm nuôi 1-2 tháng tuổi bổng nhiên lủi đầu vào bờ chết đỏ ao. Nuôi lứa khác, tôm lại chết nữa. Nhiều người lâm cảnh “cụt” vốn.

Năm ngoái, ông Sáu Sử ở xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu nuôi tôm lời gần chục triệu đồng. Năm nay, ông Sử cải tạo thêm 3ha đất gần kênh Bốn Ngàn để thả 72.000 con tôm giống nhưng gần hai tháng qua, chỉ “thu hoạch” được… xác tôm!

Tôm chết đỏ ao

Không bỏ cuộc… Ông Sử lại đón xe ra phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu mua thêm 50.000 con giống thả xuống. Thế nhưng, nước dưới ao mùa này vàng như nghệ, tôm vừa thả xuống đã lộn ngược lên mặt nước chết gần hết.

Ông thở dài: “Coi như mất trắng gần chục triệu đồng dành dụm cả năm. Dành tiền thả tôm nên cả nhà ăn tằn tiện, vậy mà…”. Nhìn chiếc máy bơm nước cạnh đầm tôm đang cạn dầu, ông Sử bảo nếu người nào thương tình cho dầu bơm nước cũng không thể thả thêm tôm vì hạn, nước sông đã cạn, khó bơm vào ao tôm. Phần khác, không còn vốn nhưng các đại lý bán tôm giống bây giờ không ai dám bán thiếu.

Không riêng gì tôm nuôi quản canh ở các huyện Phước Long, Giá Rai, Đông Hải ở tỉnh Bạc Liêu bị chết rải rác ngay đầu vụ… Những đầm tôm công nghiệp ở thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu), huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng) cũng đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh tấn công vì thời tiết thay đổi bất thường.

Ông Hứa Tấn Phong ở kênh Lung Giá, phường 5, thị xã Bạc Liêu nuôi ba đầm tôm công nghiệp nhưng mới được ba tháng đã phải… “thu hoạch” tôm chết. Ông Phong mất trắng cả trăm triệu đồng, chưa kể vốn đầu tư 300.000 con tôm giống!

 
Một ao tôm công nghiệp ở thị xã Bạc Liêu bị thiệt hại, nông dân đang cải tạo lại ao.

Người dân cho biết, nước ngoài kênh thủy lợi không đủ để bơm vào ao trong khi nước trong ao độ PH đã tăng quá cao. Hiện nay, đối với những ao tôm bị “bể”, người dân thị xã Bạc Liêu đang dùng máy hút bùn đáy ao, xử lý vôi, hóa chất nhằm diệt trừ mầm bệnh để chuẩn bị thả giống tiếp tục cho kịp thời vụ.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng một điều là thiếu vốn, ngân hàng không nhận hồ sơ vay tiền của nông dân trong khi giá tôm giống tăng từ 30.000 – 32.000 đồng/thiên (1.000 con) lên trên 40.000 đồng/thiên.

Đối với thức ăn thủy sản, nếu nông dân trả chậm sẽ bị “kê” thêm 40.000 – 60.000 đồng/bao 50kg. Vậy là nhiều người phải chạy đôn chạy đáo đi vay nóng bên ngoài với lãi suất “cắt cổ” để có tiền mua tôm giống thả nuôi cho kịp thời vụ. Người nào không vay mượn được bà con hay người quen đành phải ngồi chơi xơi nước.

Khoảng 44.000 ha ao nuôi tôm bị mất trắng

Qua thống kê của ngành thủy sản, hiện hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu có khoảng 600ha tôm bị chết. Nếu như diện tích tôm chết ở Sóc Trăng, Bạc Liêu chỉ có vài trăm hecta đã làm cho nông dân mất ăn mất ngủ thì người nuôi tôm ở Cà Mau như ngồi trên đống lửa.

Đến chiều ngày 21/03, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 44.000ha tôm bị thiệt hại nhưng tỉnh Cà Mau có gần 33.850ha. Nhiều đầm tôm ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Đầm Dơi… bị chết hàng loạt, có nơi tỉ lệ thiệt hại lên đến 70%.

Tại Kiên Giang cũng có gần 9.000ha tôm mới thả nuôi bị thiệt hại ở huyện Vĩnh Thuận, An Biên và An Minh. Ông Nguyễn Văn Luân ở xã An Lạc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết tôm nuôi được hai tháng với trọng lượng khoảng 70 con/kg nhưng đột nhiên đỏ thân chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Hiện những đầm tôm gần nhà anh Luân cũng có dấu hiệu chết rải rác, những hộ phát hiện tôm bị bệnh sớm đã bơm nước ra kênh để bắt tôm sót lại nhưng không được bao nhiêu vì tôm chết rất nhanh.

Vì tiếc của nên đã có người mò tôm chết có màu đỏ như tôm nướng lên luộc ăn hoặc phơi khô vì bán chẳng ai mua. Đáng lo ngại nhất là khi bơm nước ra ngoài kênh nhưng không qua xử lý đã làm cho mầm bệnh phát tán, nguy cơ tôm chết trên diện rộng trong vài ngày tới là điều khó có thể tránh khỏi.

Ông Sử Văn Minh – trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trần Văn Thời, Cà Mau – cho rằng tôm chết là do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ của ngành thủy sản. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Văn Sa – giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Bạc Liêu – thì tôm chết nhiều khả năng là do ảnh hưởng một số cơn mưa trái mùa ở vùng bán đảo Cà Mau làm cho nguồn nước trong ao tôm bị thay đổi đột ngột, tôm bị “sốc” nước. Ngoài ra, do biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch quá cao, có khi ban ngày lên đến 330C nhưng đêm giảm xuống còn 22,80C cũng là nguyên nhân làm cho tôm chết.

 
Một đầm tôm bị thiệt hại ở phường Nhà Mát (Bạc Liêu) làm cho nông dân “cụt” vốn, chưa có điều kiện mua giống thả lại.

Dân lo cuống cuồng, chính quyền phản ứng… chậm!

Chuyện tôm chết đầu vụ nguy cấp như vậy và đang làm cho nhiều nông dân lao đao. Vậy mà ngày 20/03, trao đổi với chúng tôi một cán bộ có trách nhiệm của Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu lại nói rằng… chưa nghe chuyện tôm chết.

Còn Phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu Tạ Minh Phú thì cho rằng tôm chết khoảng 200ha chỉ là… chuyện nhỏ! Ông Phú cho biết: “Tôm chết rải rác vài trăm hecta như hiện nay là chuyện bình thường vào thời điểm đầu vụ vì Bạc Liêu có đến trên 125.000ha. Chính vì vậy, ngành thủy sản chưa tính đến phương án hỗ trợ cho những nông dân có tôm sú bị thiệt hại”.

Cùng quan điểm trên, ông Phan Văn Út – Chánh văn phòng Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau – cũng cho rằng, mặc dù tỉnh này có trên 33.000ha tôm sú bị thiệt hại nhưng số thiệt hại cũng chỉ chiếm khoảng 13% diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, ngành thủy sản chưa tính đến phương án hỗ trợ cho nông dân.

Ông Út nói: “Chúng tôi chỉ cử cán bộ nuôi trồng thủy sản xuống địa bàn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để giúp phương pháp nuôi tôm sao cho thật tốt chớ không hỗ trợ vật chất hay tôm giống để nông dân thả lại. Mặc dù tôm chết rãi rác nhưng hiện nay bà con đang áp dụng phương pháp “thu tỉa thả bù” (bắt dần những con tôm bự bằng nò, lú để bán, đồng thời thả tiếp tôm giống xuống ao dù đầm tôm đang bị thiệt hại) nên sản lượng thủy sản không giảm. Ngoài ra, ngành thủy sản đang khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại thủy sản nuôi dưới ao như nuôi cua, cá trong đầm tôm để thiệt hại con này thì còn con khác mà bắt bán nhằm thu hồi lại vốn đầu tư”.