Thợ rừng… rưng rưng ký

Nghề làm rừng đã có ở Việt Nam từ lâu và cuộc mưu sinh của người làm rừng luôn luôn gắn bó với chốn thâm u, nơi rừng xanh. Bao nhọc nhằn, nguy hiểm luôn bủa vây, rình rập họ, đó là chưa kể tới những bệnh nghề nghiệp đeo đuổi họ suốt cuộc đời.

Thế mà theo một thống kê gần đây, hiện tại có khoảng 40- 60% công nhân làm nghề rừng mắc bệnh nghề nghiệp, một con số cao đến giật mình. Liệu cuộc sống của họ, bệnh tật của họ có được cải thiện khi mà ngành giấy, nghề rừng đang được coi là một trong những lợi thế của nước ta?

Cuộc sống ba cùng

Lâm trường Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), một trong những lâm trường do Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú quản lý. Hiện lâm trường có khoảng gàn 200 lao động, trong đó có trên 100 lao động nữ thuộc diện biên chế. Đây là con số rất hành chính, bởi số lượng lao động thực tế tham gia nghề rừng ở lâm trường phải lớn hơn thế gấp 3 lần. Thông thường, một lao động tham gia nghề rừng nằm trong biên chế sẽ có đến 3-4 đối tượng “ăn theo”. Vợ, con, thậm chí cả bố mẹ của người làm rừng sẽ tham gia công việc cùng họ với mục đích nâng cao hiệu suất, tạo thu nhập cho gia đình từ cái nghề vốn dĩ khốn khó và cực nhọc này.

Bằng cái giọng hết sức mộc mạc, cẩn thận vốn có do cái “ám” của nghiệp rừng, một lãnh đạo có thâm niên công tác ở đây kể: “Không có gì để kể thêm về cuộc sống của họ đâu. Chỉ người làm rừng mới biết và chia sẻ cùng nhau mà thôi. Nhưng anh muốn thì chúng tôi cũng không gàn, chỉ sợ anh không theo nổi thôi.”

Sáng, từ Lâm trường Hàm Yên, theo chiếc xe Toyota có tới cuốn với 6 chỗ ngồi lồng ghép, cắt đường sang Sơn Dương. Con đường khó đi bởi những khúc cua khá bất ngờ. Cách thị trấn huyện Sơn Dương khoảng chục cây số, chiếc xe bất thần rẽ phải để cắt sang Y Nhân, xã cuối cùng của Tuyên Quang, nơi sinh sống của dân tộc Cao Lan, giáp với huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Cả đoàn bắt đầu bước vào cung đường đầy sự gian nguy. Đường không chỉ có cua mà còn là những cú xóc nổ đom đóm mắt. Không dời mắt khỏi con đường, anh lái xe từ tốn nói: “Nghề rừng vất vả thế đấy! Hơn 80% số người làm rừng của chúng tôi đều sống và đi những con đường như vậy. Nhiều chỗ, đến xe đạp cũng không thể vào được, phải cuốc bộ.”

Bụi, sóc và những cú đau điếng người. Vật vã cùng chiếc xe khoảng một tiếng đồng hồ, một con đường mương được tạo thành do vụ lũ vừa rồi ở Tuyên Quang đã chặn đứng hành trình của chiếc xe. Thế là đành gửi xe lại và đi bộ.

Chân tay bắt đầu sưng tấy bởi những giờ lội bộ, mặt trời chếch về hướng Tây, chúng tôi mới tới Y Nhân. Căn nhà chúng tôi vào là của chủ rừng Nguyễn Văn Tĩnh. Căn nhà của anh nằm khuất nẻo trong cánh rừng bồ đề vẫn chưa bước vào kỳ đơm lá, trông thật đìu hiu. Với thân hình gầy guộc, xanh xao một màu rừng, anh Tĩnh tập tễnh ra đón chúng tôi bằng cái chân trật khớp của buổi vào rừng ngày hôm qua.

Người quê gốc ở Nam Định. Anh Tĩnh lên đây làm công nhân từ thời xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng, năm mới 17 tuổi. Hơn 30 năm làm bạn với rừng, sức khỏe tuy giảm trông thấy, mà gia tài nhìn đi nhìn lại chẳng có gì đáng giá. Ngoài chiếc bàn uống nước đơn sơ, hai chiếc giường đôi, một giường một, cùng mớ nồi soong bát đĩa, quần áo, có lẽ vật đáng giá nhất là chiếc xe đạp. Và thật sững sờ khi anh cho biết, cùng với số tài sản và căn nhà lá, tường trát đất này, hiện có 3 thế hệ sinh sống. Mẹ anh, vợ chồng anh và 3 đứa con.

Để phá vỡ không khí đìu hiu, có người lên tiếng hỏi chuyện, anh Tĩnh kể: “Cuộc sống của người làm rừng vẫn được gọi là “ba cùng” với rừng. Cùng ăn, cùng ở, cùng sống chết. Từ ngày chuyển đổi cơ chế, cuộc sống người làm rừng cũng thay đổi.

Trước, đội trồng rừng ở nhờ ngoài thị trấn Sơn Dương, sinh hoạt có thuận lợi hơn. Sau do địa bàn quản lý xa, vào ra vất vả, nên tôi phải chuyển nhà vào đây. Ở trong rừng được cái thuận là gần phần rừng mình đảm trách và còn có đất để nhận, trồng rừng theo khoán hộ tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho vợ con”.

 
Để có nguồn thu nuôi bản thân, người thân những người thợ rừng phải chăm chút cây trồng từ lúc cây còn bé.

Sáu con người trong gia đình, phần rừng nhận thêm chưa cho thu nên tất cả đều phải trông vào suất lương gần 1 triệu đồng của anh Tuần. Hàng ngày vợ anh đi bộ đến cả chục cây số ra chợ trung tâm xã sắm những thứ cần thiết cho gia đình. Gạo, thịt, mỡ, muối… đều gói gọn trong một ngày đi ấy. Ba đứa nhỏ đang đi học. Đứa đầu học phổ thông trung học, do không có trường nên mỗi ngày phải đạp xe cả đi cả về ngót nghét 30 cây số, vượt sông Lô, sang Đoan Hùng (Phú Thọ) học nhờ. Hai đứa nhỏ, muốn đến trường cũng phải lội bộ ngót chục cây số.

Khi hỏi anh về chuyện ốm đau, khám chữa bệnh thì anh Tĩnh đăm chiêu: “Bảo hiểm y tế tụi em đều được đội lo và thực hiện khá đầy đủ. Thế nhưng, ngót 10 năm nay em chưa sử dụng đến nó. Ốm đau có phải lúc nào cũng đưa được nhau ra trung tâm y tế, bởi vì lại còn tiền thuê xe ôm nữa. Người làm nghề rừng tụi em chỉ ra đó khi có tai nạn đột xuất ở mức độ nặng hay có bệnh nan nguy cần cấp cứu mà thôi. Còn ốm đau, tai nạn cấp độ nhẹ thì tự… điều trị lấy ở nhà. Nói chung, làm nghề này, như em ở đây còn đỡ. Đồng nghiệp của em làm ở bộ phận khai thác hay quản lý rừng ở nơi khác còn cực nữa…”

Vẫn còn bất cập

Đề cập đến vấn đề sức khỏe của người làm rừng, một lãnh đạo của Tổng Công ty nguyên liệu giấy Việt Nam cho biết: Họ làm việc trong môi trường đặc thù, nặng nhọc, khó khăn mọi bề, nhưng đang phải chịu nhiều thiệt thòi về chế độ đãi ngộ và quyền được khám chữa bệnh. Hiện cũng còn thiếu sự chỉ đạo thống nhất về bảo hiểm lao động cho nghề này.

Qua tổng hợp các số liệu của một số lâm trường, hiện tại, tỷ lệ công nhân mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp dao động từ 40 – 60% và tập trung vào các bệnh như: Phụ khoa, thấp khớp, đau thần kinh tọa, sốt rét… Ấy vậy, mà theo quy định, một đơn vị hoạt động trong nghề rừng phải có từ 150 người trở lên mới được phân cho một y sỹ, và từ 300 người trở lên thì mới được một bác sỹ. Do đặc thù nghề nghiệp, để đến với rừng, bám sát và kinh doanh hiệu quả thì hầu hết các lâm trường đều phải xé lẻ thành các xí nghiệp, chưa kể đến hình thức tổ, đội. Được biết, mỗi xí nghiệp của lâm trường trực thuộc, hiện nay đều có số lượng người không quá 50 người. Từ quy định, với việc xé lẻ để hoạt động, vô tình vấn đề khám chữa bệnh theo chế độ của người làm rừng gặp rất nhiều những bất cập.

Về vấn đề bảo hiểm y tế cho người làm rừng cũng có nhiều bất cập. Theo ý kiến của một số lãnh đạo lâm trường, người làm rừng có bảo hiểm y tế, khi ốm đau, muốn mua thuốc phải ra phải ra tận trung tâm y tế huyện nằm trên địa bàn mới mua được. Chính vì thế, phần lớn các lâm trường phải chủ động trích tiền đơn vị ra để mua những loại thuốc thông dụng và rẻ tiền nhất để cấp phát cho công nhân phòng khi ốm đau.

Trước những bức xúc về sức khỏe của người làm rừng, thời gian vừa qua, Trung tâm y tế môi trường lao động (Bộ Công Nghiệp) đã được phân chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ về thực trạng sức khỏe và điều kiện sống của người lao động trong vùng nguyên liệu.

Không chỉ những người làm rừng, bất kỳ ai cũng mong đề án này sớm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhanh chóng trở thành hiện thực để anh Tĩnh ở cánh rừng Y Nhân xa xôi kia cũng như các bạn đồng nghiệp của anh sớm có điều kiện được chăm sóc sức khoẻ trước cái nghiệp khốn khó đầy ẩn trắc – nghiệp rừng.