ThienNhien.Net – Cách đây chưa lâu, nhiều người dân từng bứt xúc về tình trạng rác thải ứ đọng trong thành phố Tam Kỳ, nguyên nhân là do người dân xung quanh bãi rác xã Tam Đàn (Phú Ninh, Quảng Nam) không cho nhập rác vào địa phương. Tình trạng trên đã được giải quyết ít lâu sau đó, nhưng lần này rác lại tiếp tục tràn ra đường phố Tam Kỳ. Theo giải thích của cơ quan chức năng, nguyên nhân là do các bãi rác trung chuyển vẫn chưa được xây dựng kịp thời (!?).
Tại đường Tôn Đức Thắng (cách Bệnh viện đa khoa Thành phố Tam Kỳ khoảng 200m), gần đây đã xuất hiện một bãi rác gây “ngạc nhiên” cho nhiều người qua lại trên đoạn đường này. Tại đây, rác vun thành từng đống, tràn trên lối đi bộ. Các đợt gió tạt qua, những túi nilông bay tứ tung kèm theo mùi hôi thối khó chịu. Nằm bên cạnh bãi rác, ngoài vài chiếc xe đẩy còn thấy xuất hiện nhiều trâu bò, lợn gà đang mặc sức bơi móc, gây ô nhiễm môi trường. Đây là bãi rác trung chuyển do Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ (thuộc Công ty môi trường đô thị Quảng
Còn tại đường Tiểu La, một đoạn cua hẹp cũng thấy xuất hiện một bãi rác đủ làm mọi người qua đường phải kinh hãi. Rác ở đây không còn tập trung mà cứ vung vãi ra đường. Một người dân sống ở khu vực này cho biết: Rác thải đã xuất hiện ở đây cả tháng nay mà chẳng thấy ai dọn dẹp. Người dân xung quanh tưởng đây là bãi rác được “qui hoạch” nên cứ vứt bừa. Ngoài rác thải, tại đây còn có cả những vật dụng cứng như giường ngủ, rổ, rá đã qua sử dụng. Tại các ngã đường khác như Trưng Nữ Vương, Nguyễn Hoàng… cũng thường thấy xuất hiện rác thải. Ngay như một góc bồn binh cửa ngõ vào Thành phố Tam Kỳ người ta cũng thường xuyên nhìn thấy xuất hiện lù lù một đống rác.
Theo ông Đoàn Kim Thịnh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ, Thành phố Tam Kỳ đang qui hoạch khoảng 20 bãi rác trung chuyển nhằm thuận lợi cho việc thu gom rác thải, đem đi tiêu hủy. Thế nhưng, trong số 20 bãi rác trung chuyển này hiện chỉ có một bãi được xây dựng tại phường Hòa Hương (gần chợ Hòa Hương, Tam Kỳ). Nghĩa là các điểm tập trung rác khác ngoài bãi Hòa Hương, hiện là điểm trung chuyển được trưng dụng tạm thời. Và, tiêu chí của một bãi rác trung chuyển là địa điểm phải ít người qua lại, xa nhà dân, thuận lợi cho việc vận chuyển. Việc lưu trú của rác trung chuyển cũng không chậm hơn 24 tiếng đồng hồ…. Điều đáng nói là, các bãi rác tại đường Tôn Đức Thắng, Tiểu La và nhiều đường khác ở thành phố Tam Kỳ đang tồn tại hiện nay không “đạt” các tiêu chí đề ra cho một bãi rác trung chuyển (?).
Tuy nhiên, một thực tế khác được ông Thịnh cho là khó khăn nhất hiện nay để cải thiện tình hình “xả rác” trên các đường phố Tam Kỳ là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chung vẫn còn hạn chế. “Nhiều người cứ tưởng bãi rác trung chuyển là điểm tiêu hủy rác thải” – lời ông Thịnh. Mặt khác, việc qui hoạch các bãi rác trung chuyển hiện nay của ngành chức năng là chưa hợp lý và ít được chú trọng. Điều dễ thấy nhất là tại các khu dân cư, ngoài việc qui hoạch những điểm công cộng, vườn hoa cây xanh, ít thấy có khu đất nào dành làm nơi chứa rác tạm thời.
Thật khó hình dung, một đô thị đang phát triển quỹ đất rầm rộ như Tam Kỳ lại thiếu những điểm trung chuyển rác.