Ngày 28/03, Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) và UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức ra mắt Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu tại TP. Thái Nguyên.
Uỷ Ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu ra đời theo quyết định số quyết định số 174/2006 – QĐ/TT của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu. Mục tiêu của đề án là giải quyết tổng thể ô nhiễm môi trường nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các địa phương trên lưu vực sông và toàn quốc.
Nhiệm vụ của Uỷ ban là bảo vệ và phục hồi môi trường lưu vực sông Cầu. Ủy ban gồm 14 thành viên, theo quyết định của Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Xuân Đương – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên làm Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên, Phó chủ tịch là thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Công Thành, còn lại các uỷ viên là các lãnh đạo UBND các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương và đại diện lãnh đạo các bộ.
Về cơ cấu tổ chức, chủ tịch Uỷ Ban sông Cầu là chủ tịch UBND một trong sáu tỉnh thuộc lưu vực, đảm nhiệm luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái, nhiệm kỳ đầu của chủ tịch Ủy ban là 3 năm, các nhiệm kỳ tiếp theo là 2 năm/ lần.
Cục Bảo vệ môi trường cho biết, hiện có 800 cơ sở có nguồn thải ra lưu vực sông Cầu mà không qua xử lý, chủ yếu từ khai khoáng và tuyển quặng. Cùng với đó là khoảng 200 làng nghề các loại chủ yếu tập trung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Vì vậy, nước mặt tại vùng trung lưu và hạ lưu của lưu vực sông Cầu hiện đang bị ô nhiễm cục bộ bởi một số chất gây ô nhiễm hữu cơ, chất rắn lơ lửng và dầu mỡ, có nơi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong mấy năm vừa qua, quá trình phát triển kinh tế xã hội đã và đang làm cho môi trường lưu vực sông Cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng suy thoái và ô nhiễm ở nhiều nơi trên lưu vực sông Cầu đã đến mức báo động. Trong khi đó, tác động của phát triển kinh tế xã hội cò tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Xuân Đương, Chủ tịch Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Uỷ ban sẽ khẩn trương xây dựng đề án và thành lập tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông; xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng trong lưu vực; Trước mắt, trong năm 2008, sẽ thông qua quy chế hoạt động của Uỷ Ban, phân công công việc cho các thành viên của Uỷ Ban, yêu cầu các địa phương phải xây dựng ngay chưong trình hành động của mình”.
Sau gần 10 năm tổ chức và xây dựng, ngày 28/07/2006 đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu được CP phê duyệt theo quyết định số 174/2006 – QĐ/TT.
Lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vưc sông lớn ở nước ta có vị trí địa lý đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử phát triển của các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Hà Nội. Cùng với các hoạt động kinh tế, khai thác dòng sông làm cho chất lượng nguồn nước và đa dạng sinh học ở lưu vực sống ngày càng suy giảm.