Đang điêu đứng vì tình trạng nghêu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, người nuôi nghêu ở bãi bồi Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang bắt đầu nhận ra viễn cảnh ít nhất bãi nghêu 2.000ha của mình sẽ bị xoá sổ vì… ô nhiễm công nghiệp.
Ở khu vực cồn ông Mão, cồn ông Liễu rộng gần 2.000ha của bãi bồi Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang, ông Sáu Mánh được dân nuôi nghêu xưng tụng là “vua nghêu”. Với thâm niên gần 30 năm, ông từng sở hữu hàng chục ngàn hecta nghêu ở khu vực này nhưng hiện chỉ còn vài chục hecta. Ngồi trong căn nhà bề thế xây bằng tiền bán nghêu, ông Sáu trầm tư: “Những năm gần đây, nghề nuôi nghêu gánh chịu nhiều rủi ro, nhưng dân Tân Thành vẫn ráng cầm cự bám nghề. Nhưng sắp tới đây, bãi biển Tân Thành sẽ thành bãi chết, hàng chục ngàn con người sống bám vào sân nghêu này sẽ trắng tay”.
Ba tháng mất trắng 9 tỉ đồng
Ông Nguyễn Văn Rum, chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết hiện diện tích nuôi nghêu chỉ còn khoảng từ 600 – 900ha, giảm hơn một nửa so với thời hoàng kim của nghề này. “Mấy năm nay gần như đã thành chu kỳ, cứ trước tết nguyên đán là nghêu chết lai rai rồi chết ồ ạt kéo dài đến tháng hai, tháng ba âm lịch. Mấy năm trước, nhiều khi nghêu chết đến 70 – 80% số lượng thả nuôi. Năm nay, khảo sát sơ bộ của xã cho thấy nghêu chết hơn 20%. Nghề nuôi nghêu bây giờ không còn dễ ăn như xưa, nhiều chủ sân nghêu đã mất bạc tỉ vì nghêu chết hàng loạt”.
Ông Hai Mỡ, phó trưởng ban Quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông cho hay con số thiệt hại 20% chỉ là ước tính trên số vỏ nghêu chết còn nằm lại trên bãi, số vỏ bị thuỷ triều, sóng biển cuốn đi nơi khác thì vô phương thống kê. “Mấy năm nay, hễ nghêu chết nhiều là các cơ quan hữu trách của tỉnh lại đến sân nghêu lấy mẫu đất, mẫu nước về phân tích tìm nguyên nhân nhưng tất cả đều bó tay vì các chỉ số môi trường nước, đất đều trong điều kiện cho phép mà nghêu chết cứ chết”, ông nói.
Trong lúc các nhà khoa học loay hoay tìm nguyên nhân, những người nuôi nghêu ở bãi biển Tân Thành có cách lý giải riêng: nghêu chết nhiều có thể do mấy năm gần đây thời tiết phức tạp, biển động liên tục nên nghêu phải vùi sâu xuống cát để ẩn mình dài ngày và chết đói vì không thể ngoi lên kiếm ăn.
Theo số liệu ông Rum cung cấp, nếu tính năng suất 20 tấn nghêu thịt/ha/vụ (12 tháng) và mức thiệt hại 20% sản lượng thì chỉ trong ba tháng trước và sau tết Mậu Tý vừa qua, dân nuôi nghêu Tân Thành (khoảng 900ha) đã tổn thất không dưới 900 tấn nghêu thịt. Với giá bán 10.000 đồng/kg tại sân thì dân Tân Thành bị “hà bá” cướp trắng ít nhất 9 tỉ đồng.
Khu công nghiệp sẽ “bức tử” nghêu?
Nghêu chết kéo dài, nhưng dân nuôi nghêu ở Tân Thành vẫn bền chí bám nghề vì chỉ cần giữ được 60 – 70% nghêu thịt trên sân là đã có lời bởi vốn đầu tư nuôi một hecta nghêu chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng. Điều làm dân nuôi nghêu ở bãi Tân Thành hoang mang nhất hiện nay là tỉnh Tiền Giang đang khởi động dự án phát triển khu công nghiệp rộng từ 5.000 – 6.000ha ở vùng duyên hải Gò Công và khi các khu công nghiệp hoạt động, lượng chất thải của những nhà máy sẽ xoá sổ sân nghêu.
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hiện đã có các dự án của nhà máy đóng tàu biển Vinashin, công nghiệp hoá dầu, kho bãi, cảng biển… được tỉnh chấp thuận cho đầu tư dọc theo sông Soài Rạp và vùng ven biển Gò Công.
Trước viễn cảnh phát triển công nghiệp ồ ạt có thể làm biến mất những vùng nuôi thuỷ sản vì ô nhiễm, ông Chí trấn an: “Tỉnh sẽ ưu tiên cho những dự án công nghiệp không làm ảnh hưởng đến môi trường, không làm thiệt hại những vùng nuôi thuỷ sản. Tiền Giang không phát triển công nghiệp ở vùng duyên hải bằng mọi giá, mà sẽ có sự chọn lựa nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, gần 400 chủ sân nghêu ở Tân Thành đặt câu hỏi việc phát triển công nghiệp không gây ô nhiễm vùng nuôi thuỷ sản. Ông Sáu Mánh, một trong những người sống với sân nghêu nói: “Nhà máy đóng tàu, hoá dầu, các cảng biển làm sao không gây ô nhiễm cho cả ngàn hecta sân nghêu?”. Dân ở đây cho rằng vùng bãi bồi Tân Thành giống như một cái túi chứa. Vào mùa gió chướng, dòng thuỷ triều từ Vũng Tàu và cửa sông Soài Rạp luôn hướng thẳng vào bãi Tân Thành, khi đó những loại chất thải công nghiệp của các nhà máy sẽ đổ vào, biến sân nghêu thành một bãi chứa chất thải khổng lồ, nghề nuôi nghêu sẽ biến mất.
Nghêu xứ khác cũng vạ lây
Trên thực tế, ngoài sân nghêu Tân Thành phải gánh chịu hậu quả nếu các khu công nghiệp của vùng duyên hải Gò Công phát tán ô nhiễm xuống dòng hải lưu, các vùng nuôi thuỷ sản cận kề cũng có nguy cơ ô nhiễm nặng. “Sân nghêu bị ô nhiễm không nuôi được thì chủ sân mất mỗi năm hàng tỉ đồng. Nhưng hệ luỵ kéo theo rất lớn vì hàng chục ngàn lao động sống nhờ nghêu sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp”, ông Sáu Mánh nói.
Theo ông Hai Mỡ, mùa gió chướng ngoài sân nghêu Tân Thành bị ô nhiễm thì các vùng nuôi thuỷ sản và sân nghêu ở Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre) cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề (bằng chứng là vụ tràn dầu khiến nghêu chết hàng loạt năm 2007, các vùng biển Gò Công, Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đều chung số phận). Nhưng vào mùa gió nam thì chắc chắn sân nghêu Cần Giờ của TP.HCM sẽ “lãnh đủ” nguồn nước ô nhiễm.
“Chúng tôi đang tranh thủ thời gian các nhà máy chưa hoạt động để thả nuôi thêm vài vụ nghêu gỡ vốn, đồng thời tìm kế sinh nhai khác bởi chuyện sân nghêu bị xoá sổ gần như đã ngay trước mắt. Mấy chục năm theo nghề, bây giờ lên bờ không biết làm gì để sống đây”, ông Sáu Mánh thở dài nói.