Trong những ngày đầu tháng 03/2008, nhiều nguồn tin của người dân rất bức xúc điện thoại báo cho Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phản ánh, một số công ty sản xuất đã sử dụng xe bồn lợi dụng lúc vắng người, đêm tối chở chất thải gây ô nhiễm môi trường đem đổ xuống sông Vàm Cỏ Đông nằm trên địa phận huyện Đức Hòa, gây tác hại rất lớn đến dòng nước và ảnh hưởng cuộc sống của nhân dân địa phương. Hiện tượng trên cứ diễn ra liên tục, các tài xế bất chấp lời cảnh báo mà thi nhau thực hiện “nhiệm vụ” do công ty thuê. Và cuối cùng không chịu đựng được cảnh “trái tai, gai mắt” họ đã báo số xe, ngày giờ của những tay lái làm ăn phi pháp.
11 giờ ngày 18/03, chiếc xe bồn biển số 60N-6689 do tài xế Giang Đức Hà (SN 1981, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cùng phụ xế Nguyễn Văn Sen (SN 1987, ngụ huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) vừa tấp vào bãi cát Thanh Vân ven sông Vàm Cỏ Đông ở ấp 1B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa mở van xả toàn bộ chất thải để từ từ chảy thẳng xuống con sông. Trong lúc lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp cùng Sở Tài nguyên – Môi trường Long An làm thủ tục lập biên bản thì sát mé sông, một chiếc xe bồn khác biển số 60M-0386 đang thi hành “nhiệm vụ” xả chất thải xuống chiếc sà lan SG2529 trọng tải 220 tấn đã neo đậu sẵn. Tài xế Hà thú nhận, chính ông Nguyễn Quốc Mỹ điều xe bồn do anh lái đến Nhà máy đường Ấn Độ cơ sở sản xuất tại ấp 10, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức – nhận chất thải, sau đó chuyển tới địa điểm này “bơm” chất thải xuống sà lan, còn chủ sà lan chở đi đâu, làm gì anh không được biết.
Ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ Bình Lương 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An) tự khai, lúc nào xe bồn tới mà nơi đây vắng người cứ xả chất thải xuống sông cho nhẹ bớt sà lan. Ông Trần Văn Trung (SN 1956, thuyền trưởng) cho biết, ông Hồng chủ sà lan thuê làm và neo đậu tại đây từ ngày 29-2 cùng đi chung có thuyền viên Nguyễn Văn Thắm, Võ Văn Trà có nhiệm vụ nhận chất thải của xe bồn từ Nhà máy đường Ấn Độ đưa tới rồi chuyển thẳng lên Tây Ninh xử lý. Thế nhưng, trên thực tế họ chỉ bơm lên sà lan 4 lần mỗi lần 3 xe với khối lượng mỗi xe gần 20m3. Riêng số lượng thải trực tiếp xuống sông 30 xe, gấp 3 lần và thời gian hoạt động chủ yếu vào ban đêm.
Chiều cùng ngày, một mũi truy kích khác cũng phát hiện bắt quả tang 3 xe bồn đang trực tiếp xả chất thải tại khu vực trại K3 của Trại giam Thạnh Hòa và gần Trường giáo dưỡng số 5 của Bộ Công an thuộc ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức. Tài xế Lê Minh lái xe số 57K-8597, Lê Quốc Hưng lái xe 57K-2807 và tài xế Lê Quốc Anh điều khiển xe bồn 57K-7543 đều thừa nhận toàn bộ chất thải trên xe là lấy từ Nhà máy đường Ấn Độ. Một cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Công an Long An cho biết, Nhà máy đường Ấn Độ đã có xây dựng hệ thống xử lý chất thải từ nhiều năm qua, tuy nhiên do chi phí trong quá trình xử lý rất tốn kém và phải qua nhiều công đoạn, do vậy để giảm bớt tiền chi phí cho chất thải, một số cá nhân đã cố tình vi phạm qui định của UBND tỉnh.
Cùng với các giải pháp hỗ trợ về tài chính, các chuyên gia cũng cho rằng, cần hỗ trợ về thông tin, truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về lĩnh vực này cho các doanh nghiệp. Đồng thời khen thưởng, tuyên truyền giới thiệu kinh nghiệm của các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng lan truyền trong khối doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp chưa làm hay làm không tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý địa phương cần tổng hợp các nhu cầu công nghệ và xử lý trình cơ quan Trung ương, để cơ sở nghiên cứu và xây dựng chương trình thu hút các nhà đầu tư có năng lực cung cấp công nghệ dịch vụ phù hợp.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ về tài chính nêu trên không phải là một dạng bao cấp mới. Để giảm dần và tiến tới việc chấm dứt tình trạng bao cấp trong đầu tư bảo vệ môi trường đối với khối doanh nghiệp, Nhà nước cần tạo ra cơ chế khuyến khích đầu tư thông qua quỹ cho vay đầu tư môi trường (Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo quỹ 1.200 tỷ cho vay xử lý nước thải tại khu công nghiệp, khu chế xuất). Đồng thời xây dựng cơ chế sử dụng dịch vụ, công khai các dịch vụ và phí dịch vụ phải trả trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để các doanh nghiệp lựa chọn; cụ thể hóa chủ trương “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để xác định và quy trách nhiệm các chủ nguồn thải…