Có nguồn gốc từ Trung Mỹ, cây Mai dương từng được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất đã xâm nhập âm thầm vào Việt Nam, đầu tiên được phát hiện vào năm 1984 tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp. Cách đây nhiều năm, các nhà chuyên môn đã lên tiếng cảnh báo, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn. Sự bành trướng của loài cây này đang dần "bóp chết" sự sống của hồ Trị An.
Có thể nói, cây Mai dương xuất hiện ở hồ Trị An như một “sát thủ thầm lặng” ngày càng xâm lấn với tốc độ chóng mặt. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp ven lòng hồ đã bị loài cây này nuốt chửng…
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Mai dương hiện diện ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt. Sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần. Cây Mai dương xâm lấn cả cây bản địa, làm thay đổi thảm thực vật, hệ động vật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của cộng đồng dân cư.
Đáng lo ngại hơn, chính những bụi cây Mai dương già cỗi chết đi, xác của chúng phân hủy thành những chất độc, đang dần hủy hoại môi trường nước hồ Trị An, nơi được coi là “giếng nước” sinh hoạt khổng lồ của hơn 14 triệu dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Trước nguy cơ cây Mai dương đã và đang đe dọa hệ sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước, cách đây hơn 1 năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý.
Hiện đã có nhiều phương án áp dụng nhằm tiêu diệt cây Mai dương như nuôi dê để chúng ăn loài cây này, song kết quả thu được là không khả quan. Hoặc trồng cây tràm nước để diệt Mai dương, nhưng tràm nước lại là cây ngoại lai, tác dụng diệt cây Mai dương thì ít, mà gây tác hại xấu đến những thực vật khác thì nhiều, nên dự án phải ngừng triển khai.
Mới đây, đề tài nghiên cứu ứng dụng chuyển giao nghiên cứu khoa học dùng cây Mai dương làm nguyên liệu trồng nấm ở xã Suối Nho, huyện Định Quán. Thực tế, đề tài này đã được Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp áp dụng, nhưng hiệu quả không cao bởi chi phí rất lớn.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu cảnh báo, cây Mai dương hiện đang phát triển với tốc độ phi mã tại ven lòng hồ Trị An. Qua khảo sát sơ bộ 8 khu vực ven lòng hồ thuộc huyện Vĩnh Cửu, diện tích bị cây Mai dương xâm lấn đã lên đến gần 1.200 ha. Trên thực tế, con số này còn gấp nhiều lần nếu nhìn trên phạm vi toàn lưu vực lòng hồ. Đáng lo ngại là, đến nay chưa có một giải pháp tiêu diệt tận gốc.