Bình quân mỗi năm Hà Nội thu hồi hơn 1.000 ha đất, trong đó chiếm 80% đất nông nghiệp phục vụ các dự án công nghiệp. Theo dự kiến năm 2008, Hà Nội sẽ thu hồi 1.500 ha, trong đó 904 ha đất 2 vụ lúa. Điều này ảnh hưởng đến gần 40.000 hộ dân vốn sống phụ thuộc vào nông nghiệp.
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 2)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 3)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 4)
Hà Nội: Mỗi năm 300 dự án thu hồi đất
Từ năm 2000 – 2007, Hà Nội triển khai gần 3.000 dự án đầu tư liên quan đến việc thu hồi đất, trung bình 300 dự án/năm, làm ảnh hưởng trên 178.000 hộ dân. Theo quy hoạch, thành phố sẽ mở rộng không gian gấp khoảng 3 lần. Như vậy số đất phải thu hồi sẽ lên đến hàng chục nghìn héc-ta “bờ xôi ruộng mật”. Do đó, số hộ dân bị mất đất sản xuất còn nhiều hơn nữa. Họ phải học nghề để chuyển đổi việc làm khác.
Nhưng phần lớn lao động lại ở độ tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế, khó có khả năng tiếp thu kiến thức mới nên không đáp ứng được yêu cầu lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc bồi thường, hỗ trợ từ trước đến nay đều được thực hiện dưới hình thức chi trả trực tiếp. Người bị thu hồi đất chủ yếu sử dụng khoản tiền này phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt trước mắt mà ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm.
Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH Hà Nội cho biết, gần 58% người dân sử dụng tiền đền bù để xây dựng nhà cửa, trong khi đó, đầu tư cho sản xuất phi nông nghiệp chỉ chiếm 1,27%, cho học nghề là 2,55%. Năm 2007, trong tổng số 20.000 lao động bị thu hồi đất trên địa bàn chỉ có chưa đầy 5.000 lao động có nhu cầu học nghề.
Ông Nguyễn Hữu Vu ở khu Nhang, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm cho hay, gia đình ông có 5 sào ruộng bị thu hồi từ năm 2000. “Được đền bù hơn 250 triệu đồng, ông chia cho 4 đứa con trai mỗi đứa 40 triệu, còn lại xây được 4 phòng cấp bốn cho sinh viên thuê. Bọn trẻ cầm đôi ba chục triệu trong tay chỉ đủ mua cái xe máy, chẳng đủ vốn làm ăn được gì. Hiện 2 đứa làm nghề xe ôm, còn 2 thằng thì thất nghiệp. Cầm trong tay cả cục tiền đền bù mà vẫn cứ nghèo!” – ông Vu nói.
Một vị lãnh đạo xã Xuân Đỉnh cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 10 dự án, phần lớn các hộ trong xã đều bị thu hồi 100% đất nông nghiệp, nhưng có chưa đến 10 lao động vào làm việc trong các dự án đó. Không ít hộ nhận 500 – 600 triệu đồng từ tiền đền bù đất, tiền hỗ trợ nhưng ăn tiêu chỉ 2 – 3 năm đã hết sạch. Ước tính cả xã có đến 2.700 lao động “vô công rồi nghề”.
Giải bài toán việc làm: Bế tắc?
Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo Giải phòng mặt bằng thành phố lo ngại: “Đáng báo động, một bộ phận không nhỏ hộ nông dân khi bị thu hồi đất đã trở thành hộ nghèo”.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, TP đã xây dựng đề án về một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Đề án đưa ra 4 giải pháp: Sẽ thành lập quỹ hỗ trợ, ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp. Quỹ hỗ trợ hướng tới tất cả các đối tượng, tập trung vào các mục đích: hỗ trợ học tập (hỗ trợ cho con em hộ bị thu hồi đất đến hết bậc THCS); hỗ trợ đào tạo nghề (cấp thẻ học nghề trị giá 6 triệu đồng/thẻ cho lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề); trợ cấp khó khăn (30kg gạo/tháng/người)…
Tuy nhiên, tiền trợ cấp sẽ không có ý nghĩa khi người dân không có việc làm, không sử dụng đúng mục đích số tiền đền bù…Trong khi hầu hết người mất đất kêu không có việc làm, nhưng chỉ một số người có nhu cầu học nghề với lý do “Đại học, cao đẳng ra trường còn thất nghiệp nói gì đến học nghề?”. Chính tâm lý này dẫn đến phần lớn thanh niên tại những xã, phường bị thu hồi đất không có nhu cầu học nghề.