Thời gian qua, tại Quảng Nam liên tục diễn ra nạn "sa tặc" khai thác cát, sạn trái phép trên các dòng sông gây sạt lở nghiêm trọng, tác động xấu đến môi trường và đời sống của hàng trăm hộ dân cư trú ven sông. Dù chính quyền các địa phương nơi đây đã nhiều lần lên tiếng, dùng các biện pháp "mạnh" nhưng xem ra "sa tặc" vẫn bỏ ngoài tai rồi đâu lại vào đấy…
“Sa tặc” là từ người dân Quảng Nam dành để chỉ các đối tượng khai thác cát, sạn trái phép trên các dòng sông. Nạn “sa tặc” không chỉ tàn phá, gây sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm dân cư ven sông mà còn tác động xấu đến môi trường và đời sống của hàng trăm hộ dân. Báo chí đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này thế nhưng “sa tặc” vẫn “mở rộng hoạt động”, nhất là trên sông Thu Bồn.
Không tha… phố cổ
Phố cổ Hội An được khách du lịch trên toàn thế giới biết đến và tìm đến. Với “sa tặc”, phố cổ cũng được xem như “đất làm ăn” bởi “nguồn nguyên liệu dồi dào” của sông Thu Bồn. Hiện khu vực giáp ranh giữa xã Cẩm Kim – phường Thanh Hà (TP. Hội An) và thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (Điện Bàn) đang là “điểm nóng” của nạn “sa tặc”. Từ sáng sớm, hàng chục ghe thuyền tấp nập chở cát về phường Thanh Hà để bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.
Khai thác theo tốc độ… hủy diệt khiến trên 400 hộ dân các thôn Trung Châu, Phước Thắng (xã Cẩm Kim) sinh sống dọc bờ sông Thu Bồn cứ “ăn không ngon, ngủ không yên”. Những người dân địa phương cho biết: “Đất sản xuất của họ chủ yếu nằm tại bãi ven sông, nhưng đang bị dòng nước khoét sâu vào cả trăm mét. Nhiều bụi tre, ruộng bắp, khoai lang… trong vườn dân sạt lở nham nhở”. Đặc biệt, hơn 19 ha đất ở bãi Bà Mau (đã được UBND xã Cẩm Kim lập phương án phát triển trang trại với tổng kinh phí đầu tư 837 triệu đồng), nhưng hiện tại do “sa tặc” khai thác ồ ạt, ảnh hưởng dòng chảy nên 10 ha đất đã bị cuốn theo dòng nước.
Tương tự như vậy, gò Mồ Côi (xã Điện Phong, Điện Bàn) tiếp tục đối mặt nguy cơ sạt lở đất. Trong 3 năm qua, dòng sông Thu Bồn đã lấn sâu vào khu vực này với độ dài hơn 200 m. Nguyên nhân là do nạn khai thác cát, sạn trái phép diễn ra thường xuyên. Ngược sông Thu Bồn về khu vực Cà Tang – Nông Sơn (xã Quế Trung, Quế Sơn), nạn khai thác cát, sạn trái phép diễn ra cực kỳ sôi động. Ngoài phương tiện ghe thuyền, ca nô có trang bị máy hút, “lực lượng sa tặc” còn huy động hàng chục xe công nông chuyên dụng để vận chuyển tiêu thụ… Các điểm khai thác trái phép này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các xã ven sông Thu Bồn như Quế Phước (Quế Sơn); Duy Tân, Duy Thu, Duy Hòa, Duy An (Duy Xuyên); Đại Cường, Đại Hòa, Đại Thắng (Đại Lộc); Điện Phong, Điện Thọ, Điện Hồng (Điện Bàn)…
Tại sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ, đoạn chảy qua thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) và khối phố 4, phường An Phú (TP. Tam Kỳ), mỗi ngày có hàng chục phương tiện đến hút cát trái phép. Ông Trần Văn Thu, ở thôn Phú Bình (Tam Xuân 2 – Núi Thành), cho biết: “Hơn 3 ha đất lúa ở bãi bồi Nà Sông đã lở trôi theo mùa lũ vừa rồi. Người dân đã nhiều lần lên tiếng phản đối các ghe thuyền đến hút cát trái phép, nhưng không ăn thua gì!”. Còn ở khối phố 4, phường An Phú (TP. Tam Kỳ), hơn 10 ha đất lúa ven sông cũng bị sạt lở.
Qua mỗi trận lũ, hàng trăm ha đất ven sông ở Quảng Nam bị xói lở. |
Ngao ngán vì “đẩy đuổi”
Ông Huỳnh Kim Sinh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim (TP. Hội An), lắc đầu ngao ngán: “Mỗi lần ra quân đẩy đuổi, những ghe thuyền khai thác cát trái phép chạy qua vùng giáp ranh với xã Điện Phương (Điện Bàn), chúng tôi không có quyền xử lý. Nếu có bắt được ghe thuyền nào, xử phạt hết khung chỉ tới 500.000 đồng. Phạt nhẹ như thế nên chủ ghe vẫn tiếp tục khai thác cát trái phép!”.
Một lãnh đạo xã Cẩm Kim cũng cho biết: “Chính quyền xã Điện Phương đã nhiều lần tổ chức truy bắt những người khai thác cát, sạn trái phép nhưng không kết quả, nên bây giờ có bắt được, họ cũng… thả luôn. Lạ nỗi: Khi Cẩm Kim tổ chức truy bắt, các phương tiện chạy sang địa phận xã Điện Phương và ngồi cười nhìn lực lượng truy bắt. Nếu không có sự phối hợp giữa 2 địa phương, chúng tôi không thể xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép!”.
Tình trạng đẩy đuổi bên này, phương tiện khai thác cát, sạn trái phép chạy qua địa phương bên kia, diễn ra hầu hết ở những “điểm nóng” trên các sông tại Quảng Nam. Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường TP. Tam Kỳ thừa nhận: “Nạn “sa tặc” trên sông Tam Kỳ không thể kiểm soát, vì hiện có gần 100 phương tiện (chở từ 10-25 m3 cát mỗi chuyến) ở các địa phương: Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Phú, An Phú, An Sơn, Hòa Hương, Tân Thạnh, Phước Hòa (TP. Tam Kỳ) tham gia khai thác cát. Những người khai thác cát trái phép không muốn “bỏ nghề”, vì thu nhập của họ lên đến 3 triệu đồng/tháng, hơn hẳn làm nông nghiệp thông thường”.
Ngang nhiên và coi thường pháp luật, gần đây, “sa tặc” còn dùng xe cơ giới khai thác cát, sạn ven các sông suối tại huyện Phú Ninh và dưới chân cầu Câu Lâu (Điện Bàn) gây bức xúc trong nhân dân và khiến các địa phương này co vòi, im lặng.
Tiếc của nên… tháo khoán
Đó là câu chuyện có thật ở Quảng Nam. Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Công ty Cổ phần XNK Mây tre TP. Đà Nẵng khai thác các mỏ cát ven sông Thu Bồn tại các xã Điện Quang, Điện Trung và Điện An (Điện Bàn). Tuy nhiên, Công ty này đã dừng hoạt động khai thác hơn 4 tháng qua và bỏ khu vực mỏ cát cho “sa tặc” cày xới. Tiếc của, UBND huyện Điện Bàn đã ủy nhiệm cho Hợp tác xã Vận tải Sông Thu đứng ra… “thu giúp” khoản phí 4.000 đồng/m3 cát. Nhận “nhiệm vụ”, đơn vị này chỉ ngồi khểnh làm mỗi việc: chờ chủ thuyền đến nộp tiền… Dĩ nhiên, chính quyền đã quản lý theo kiểu “tháo khoán thu tiền” thì khác gì “bật đèn xanh” cho đối tượng khai thác trái phép được… hợp pháp làm ăn?.