Những năm gần đây, với sự đầu tư của ngành nông nghiệp, nông dân tỉnh Tiền Giang đã và đang nhân rộng mô hình trồng rau an toàn.
Thành lập chưa được một năm, nhưng Hợp tác xã (HTX) RAT xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (Tiền Giang) hoạt động khá sôi nổi. Mỗi ngày HTX này thu mua được hơn 10 tấn RAT của nông dân cung ứng cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Để có đủ lượng RAT, ngoài số diện tích hơn 50 ha của 26 xã viên, HTX hợp đồng thêm với 55 hộ dân trong và ngoài địa phương sản xuất thêm theo đúng tiêu chuẩn RAT như xã viên của HTX. Các loại rau mà HTX RAT chọn trồng là rau má, rau dền, hành, hẹ và các loại khổ qua, cà chua, dưa leo, khóm. Về đầu ra, hiện nay HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với 9 địa chỉ tiêu thụ RAT ở TPHCM, siêu thị và nhà hàng.
Tiền Giang là tỉnh có diện tích rau màu lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hơn 6.000 ha, trong đó có hơn 200 ha được nông dân trồng theo hướng an toàn sinh học, tập trung nhiều ở các huyện: Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và TX Gò Công. Ông Nguyễn Văn Lắm, Chủ nhiệm HTX RAT Thân Cửu Nghĩa cho biết: “Theo hợp đồng với các doanh nghiệp mỗi ngày HTX cung ứng 20 tấn RAT. Tuy nhiên, HTX mới chỉ cung ứng được 50% vì còn gặp khó khăn trong khâu xử lý sau thu hoạch do chưa có kho lạnh”.
Việc Trồng RAT đã được nông dân hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn cần phải tháo gỡ. Anh Huỳnh Văn Quang, ở xã Long Hòa tâm sự: “Tôi đã gắn bó với nghề trồng rau hơn 10 năm nay. Gần đây tôi trồng RAT tiết kiệm được nhiều chi phí phân, thuốc và tính ra lãi gấp 2-3 lần trồng lúa. Tuy nhiên, nếu số người trồng RAT trong một vùng ít quá thì rất khó tiêu thụ”. Còn ông Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm HTX RAT xã Long Hòa, TX Gò Công, nói: “Chúng tôi phát động nông dân tập huấn trồng RAT hưởng ứng tích cực nhưng ngặt nỗi RAT và rau khác vẫn hay bị lẫn lộn trên thị trường”.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Từ năm 2007 tỉnh đã triển khai dự án trồng RAT ở các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy, Gò Công Đông, TX Gò Công và TP. Mỹ Tho. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án này gần 5 tỷ đồng và dự kiến đến năm 2010 toàn tỉnh sẽ trồng được hơn 500 ha. Đây là một hướng đi đúng cho một tỉnh gần TP.HCM là nơi tiêu thụ lượng RAT rất lớn”.