Một cái làng nhỏ ở một tỉnh miền Trung, trong những cơn lũ dữ hằng năm, dân làng dần hiểu ngọn nguồn, mình chính là thủ phạm khi tàn phá những cánh rừng vô tội. Thế nhưng, biết vậy mà không sao thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: Đói nghèo- phá rừng- lũ lụt- đói nghèo…Làng nhỏ, nhưng chuyện của làng không nhỏ. Nó là chuyện của những thân phận con người một nắng hai sương sau lũy tre làng, chuyện của làng quê Việt Nam hôm nay.
Bây giờ, mỗi lần đọc tin bão lũ, ký ức trong tôi vẫn còn nguyên vẹn lời kể của nội tôi vào những ngày ở quê mưa dầm mưa dề, mưa đến rầu khoai, thúi đất. Nhưng lúc ấy tuyệt nhiên không có lũ. Mưa đến đâu, nước thấm vào lòng đất đến đó, nước theo mạch ngầm mà tuần hoàn, mà chu chuyển. Mưa vừa đủ để cấp nước cho ruộng lúa một vụ, vừa đủ làm đất rền mềm để nương rẫy tốt tươi.
Lúc ấy, nhìn trời, nội tôi kể chuyện vùng Bình Trị Thiên (cũ) hầu như năm nào cũng có lũ dữ. Lũ cao lên đến nóc nhà. Lũ cuốn trôi bao nhiêu súc vật, heo gà, trôi luôn cả người già và trẻ nhỏ. Nội bảo ấy là do ông trời trở giận, giận chỉ một số người ăn ở thất nhân ác đức nhưng vô tình lại trút họa tất thảy mọi sinh linh. Hồi đó khắp vùng quê tôi chưa có truyền hình. Những gì ghê rợn nhất do lũ mang lại tôi chỉ hình dung qua lời kể của nội mình và lời của vài cụ già gốc gác từ cánh đồng Thanh Nghệ Tĩnh.
Nhưng trong trí tưởng tượng non nớt ngày nào, lũ vẫn kinh hoàng không kém những hình ảnh sau này tôi từng chứng kiến hay nhìn thấy qua truyền hình. Kinh hoàng đến nỗi đêm mơ tôi thấy mình đang chới với, thét gào giữa dòng nước xiết đen ngòm trong bão dữ. Sáng ra, nhìn con nước trắng xóa ngoài đồng, cơn sợ hãi hồi đêm trong tôi vẫn còn. Chỉ đến khi nghe nội nói nước chỉ ngấp nghé mặt đường, “ổng” lại vừa mới đổ cây mưa dội bùn nên cơn lũ năm rày xem chừng chấm dứt, tôi mới hết sợ.
Thành ra, lúc cao hứng hò reo cùng lũ trẻ quê, tôi còn than lụt gì không đủ nước cho mình chống bè chuối đi bắt chuột đồng, không đủ nguy để ngày mai nhà trường đương nhiên cho nghỉ học, mình có thêm một ngày để vọc nước, xả hơi…
Giờ thì em tôi, cháu tôi chẳng những phải nghỉ học hơi dài khi lũ về, mà nhiều vành khăn tang cứ phất phơ trên đầu những người dân quê trong những ngày trời nổi cơn thịnh nộ. Người quê tôi bây giờ không còn thân thương nói “ lụt về” mà quay sang đay nghiến ông trời sao nỡ gieo lũ dữ. Lũ cuốn trôi con người và cuốn trôi tất cả. Bà mẹ thiên nhiên đã không còn hiền từ mà bắt đầu trút những cơn cuồng nộ. Vì sao?
Máu rừng vẫn đổ. |
Năm học lớp 11, bài học bảo vệ rừng mới chép còn chưa ráo mực, tôi đã theo bác mình lên rừng chặt củi thước để kiếm tiền mua sách mới. Tôi còn nhớ như in, 13,5 kg gạo, phần học bổng một học kỳ của trường trao cho tôi vẫn không bằng ba ngày tôi đốn rừng nguyên sinh bán cho những người thu gom chuyển về đốt hầm lò gạch. Nên tôi hăng say. Nên tôi đưa tay áo quệt mồ hôi cố đốn rừng và vác từng thước cây nửa người ôm nặng bằng số ký của tôi còn tươi nguyên, gắng sức vượt trèo từ rừng sâu ra đường quốc lộ.
Phía trước tôi là những cán bộ kiểm lâm, có thể. Nhưng con đường học hành của tôi và nhiều đứa trẻ lứa tôi, khi đó vẫn phải cần những bộ đề luyện thi mà mùa thi đã đến. Bởi vậy, lũ trẻ chúng tôi vẫn phải đánh đổi bằng ít nhất mươi ngày hạ thân làm “lâm tặc”. Đó là chưa nói tiền học phí, tiền sắm sửa áo quần và phần nào góp vào nồi cơm mỗi ngày của cả nhà mỗi khi mất mùa đói kém.
Bác trai tôi, một người từng sống về nghề rừng tròm trèm nửa thế kỷ, luôn là người động viên tôi và đám thợ rừng mỗi khi gặp kiểm lâm rượt đuổi. Như nhiều người dân quê, nhà bác tôi ruộng rẫy chẳng là bao, nghề nghiệp gắn chặt với con trâu đi trước, cái cày theo sau. Khi ruộng đã sạ xong, nương rẫy chửa vào mùa, việc đồng áng tạm ngưng, bác tôi lại xách rìu vào rừng kiếm sống.
Khi thì bác đốn hạ cây hương, cây sao, đẽo gọt phần lõi thồ ra phố huyện, lúc lại rủ đám cháu con xóm giềng cứ vào rừng đốn liệt tất thảy mọi cây, miễn to hơn đầu gối rồi găng khúc ra làm củi thước. Loại gì cũng bán được tất, loại gì cũng “xa cạ” quy ra tiền, ít gì cũng cao hơn đi làm công cho vài nhà khá giả…
Thành thử, nghề nông quê tôi gồm cả việc… đốn rừng, mà không cần phải dùng cái chữ rất văn chương là “tiều phu” khi có ai đó hỏi về nghề nghiệp. Bởi vậy khi tôi học xong đại học trở về, cả mấy ngọn đồi vành đai rừng nguyên sinh đã trở thành đồi trọc. Vài đứa bạn chung trường còn kháo chuyện cán bộ quê nó xúi dân đốn rừng rồi vào xí đất đăng tên cho người thân làm trang trại. Con số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố diện tích rừng vì vậy năm sau bao giờ cũng hụt hơn năm trước.
Bác tôi bây giờ đã qua đời. Nhưng cái rìu, cái rựa của bác vẫn còn để lại. Những người con của bác tôi vẫn cứ làm nông, phần ruộng nương để lại dĩ nhiên được chia nhỏ hơn phần ngày xưa bác có. Cả xã quê tôi, cả huyện quê tôi, thậm chí cả tỉnh nhà, phần đông cơ cấu ngành nghề cũng na ná như nghề nhà bác. Nên vào lúc nông nhàn, người ta lại vô tư vác rìu vác rựa vào rừng như cứu cánh nhất thời nhưng với họ, lại có vẻ căn cơ lâu dài nhằm mưu sinh qua ngày đoạn tháng. Kiểm lâm càng lúc càng dầy, cán bộ xã đêm ngày cứ phóng loa cấm đốt phá rừng mà diện tích rừng thì vẫn từng ngày thu hẹp.
Những cánh rừng trơ trọi ở Bình Phước. |
Giờ đây truyền hình, báo chí đưa tin, bản tin thông báo nạn phá rừng gây nên lũ lụt vẫn niêm yết hằng tháng, hằng tuần ở nơi công cộng. Không chỉ người dân quê tôi mà cả nước đều biết tác hại của chuyện phá rừng, vẫn biết vi phạm đến mức nào là có thể ra vành móng ngựa. Nhưng biết là một lẽ, còn hằng ngày vẫn có nhiều người lén lút ra vào cửa rừng như thói quen khát uống đói ăn lại là chuyện khác.
Đó là chưa nói những kẻ phá rừng chuyên nghiệp, những người tham lam hằng ngày đốn hạ hàng chục, hàng trăm mét khối gỗ rừng để mưu cầu tư lợi, núp bóng giấy phép khai thác nguồn thu từ rừng nhưng lại “đi đêm” với số ít quan chức… Cây rừng bây giờ ngày càng thưa thớt, có nơi chẳng còn. Hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất tất yếu xảy ra. Thì những cơn lũ quét kinh hoàng sẽ đến.
Người quê tôi bây giờ đã biết thế nào là tác hại phá rừng. Nhưng họ biết trông vào đâu để lo chuyện “mưu sinh”, khi mà mảnh ruộng mỗi năm một “hẻo”, khi mà trong nhà, mỗi năm thằng lớn, con nhỏ đều phải đến trường, với hàng chục món tiền phải tiêu, tiền xây dựng trường, tiền học thêm, tiền thầy cô…Cứ đà này, con số “tiều phu” quê tôi sẽ mỗi năm một tăng. Bão lũ mỗi năm một dữ…
Lúc ấy chẳng những cái tên Phú Yên- Khánh Hòa quê tôi không còn gợi nên hình ảnh một vùng đất bình yên, hài hòa mà e rằng số vành khăn trắng sẽ nhiều thêm trên dải đất miền trung vốn cày lên sỏi đá. Làng tôi, chỉ là một làng nhỏ. Nhưng chuyện của làng không nhỏ chút nào. Nó là chuyện của thân phận những con người một nắng hai sương sau luỹ tre làng, chuyện của làng quê Việt Nam hôm nay…
Ôi quê tôi!