Khi nông dân đã phải gieo mạ tới 3-4 lần mà vẫn quyết tâm cấy, khi những người ly nông, ly hương 3-4 năm trời mà vẫn quay về đồng ruộng, và chứng kiến những cụ già đã 60-70 tuổi vẫn vác cuốc ra đồng kiếm hạt thóc… ta mới thấy hết đồng ruộng với họ giá trị đến nhường nào.
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 2)
Nông dân mất đất – Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 3)
100 triệu/sào cũng không bán nữa!
Công nghiệp vào thôn Trung, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), vợ chồng Ngát có trên 3 sào ruộng thì bị thu hồi trên 2,5 sào, với giá đền bù bèo bọt trên 7 triệu đồng/sào. Không đủ tiền xây nhà, hai vợ chồng mua một cái xe máy tính chuyện làm ăn. Số tiền còn lại trả nợ và mua một vài đồ đạc.
Sau hơn một năm, dù đã rất chắt chiu hà tiện, nhưng vì không biết làm gì ra tiền, vợ chồng Ngát quyết định vào Nam kiếm sống. Đất phương Nam tưởng dễ kiếm tiền, nhưng sau 3 năm, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Khi biết công nghiệp đã về khắp quê mình, Ngát quyết định quay về giữ kỳ được gần 1 sào ruộng còn lại và thuê thêm một số mảnh ruộng nhỏ để trồng lúa và rau bán cho công nhân KCN.
“Giờ cày cục trên mấy mảnh ruộng vài chục mét vuông bạc màu mà vẫn có thể nuôi nổi mình mới thấy trước đây mình bán ruộng dễ dãi quá. Thời giá tăng thế này, nông dân cái gì cũng ra chợ mua thì chết anh ạ” – vợ Ngát tâm sự. Cho đến thời điểm này xã Nghĩa Hiệp đã có tới 24 dự án công nghiệp vào, “cấu” đi của dân gần 100 ha đất màu mỡ. Những người như chị Ngát mất đất bỏ làng ra đi rất nhiều, nhưng họ lại đang ào ạt kéo về. Và cuộc “đấu tranh” giữ đất bắt đầu.
Tại các cánh đồng xã Lạc Hồng, Lạc Đạo, Đình Dù, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), người dân đang phải “quyết đấu” với các dự án công nghiệp để giữ lại một ít đất trong bối cảnh “công nghiệp ngập làng, hàng ngoại ngập chợ”. “Tôi là cán bộ nhà nước, là những người đi đầu trong việc vận động gia đình giao đất “bờ xôi ruộng mật” làm công nghiệp. Nhưng qua 3, 4 lần bán đất, giờ giá cả thế này mới thấy không ai dại hơn nông dân. Cuối năm 2007, Tập đoàn Hoà Phát – đơn vị mua đất của dân rồi bán lại cho doang nghiệp vào đầu tư chỉ mua với giá 28 triệu đồng/sào. Có tiền, một số nhà cất đi để ra giêng sửa sang, xây mới nhà cửa. Nhưng nay thì số tiền ấy chỉ làm nổi một cái móng. Vì viên gạch trước tết có 400 đồng, nay 1.400 đồng/viên, tăng 3 lần. Các loại vật liệu khác cũng tăng 2-3 lần. Xót xa không?”.
Người dân nhận ra, giá cả tăng, lạm phát tăng mà cứ ngồi không tiêu tiền thì tiền tấn cũng hết. Vì thế, khi Hoà Phát thuyết phục dân bán nốt số ruộng còn lại họ nhất định không bán. Tăng lên 32 triệu đồng cộng một suất đất thương mại, họ cũng nói “không”. Xem ra sau mấy lần dại giờ dân đã khôn lên nhiều!
Nghịch lý Hà Nam
Hà Nam, một tỉnh công nghiệp chưa thực sự vào nhiều nhưng cả chục ngàn mét vuông đất “bờ xôi ruộng mật” thuộc các huyện trọng điểm nông nghiệp như Đồng Văn, TX Phủ Lý, Bình Lục, Thanh Liêm cũng “đội nón ra đi” về với “ngôi nhà chung” của công nghiệp và đường cao tốc 1A.
Phải thú thực một điều là nhận thức của người dân ở đây chưa cao, người ta cứ bảo năm 2013 chia lại ruộng đất là nông dân bán liền, 7 triệu đồng/sào cũng bán. “Cũng may, công nghiệp vào chưa nhiều nên vẫn còn nhiều ruộng để chúng tôi đi làm thuê. Vậy nhưng khi nhìn những mảnh ruộng của mình trước đây tốt tươi, nay là khu công nghiệp mà chẳng thấy bóng dáng công nghiệp đâu, cỏ mọc um tùm như KCN Đồng Văn, chúng tôi xót lắm. Thóc đắt thế này, giá mà chúng tôi vẫn được cấy ở đó thì hay biết mấy”- một nông dân xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên thốt lên.
Đất nông nghiệp của Hà Nam chỉ một phần nhỏ làm 3 vụ trở lên, còn lại làm 1-2 vụ lúa/năm với năng suất thấp. Diện tích đất xói mòn trên địa hình dốc thuộc hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm cũng lên tới 7.924 ha, diện tích bị rửa trôi 2.892 ha. Quá trình chua hoá xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh. Giá như, những vùng đất xấu này lấy đi làm công nghiệp, để lại đất tốt cho dân cày cấy thì chắc người dân Hà Nam sẽ sớm giàu…