Nằm dưới chân dãy Trường Sơn thường xuyên chịu ảnh hưởng nắng nóng gay gắt và lũ lụt tàn phá, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) không thuận lợi cho sản xuất lương thực. Nhưng những năm gần đây nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện đã nâng cao thu nhập cho hơn 20.000 hộ nông dân.
Từ quốc lộ 8A, điểm gần thị trấn Phố Châu, theo con đường mới mở, vào xã Sơn Mai, trước đây là vùng hoang sơ, chỉ có cỏ dại và sim mua. Vài chục gia đình bám trụ lại đây sống bằng nghề rừng, đói nghèo cơ cực. Nhưng giờ đây trước mắt là những cánh rừng bạt ngàn, những vườn cây ăn trái xanh tươi.
Ðến trang trại của Ngô Xuân Linh, một tay buôn lậu “có hạng” qua biên giới Việt-Lào một thời, sẽ hiểu rõ hơn sự đổi thay nhanh chóng ở vùng núi xa xôi này. Bốn năm trước Linh vào đây lập trang trại. Với 20 ha đồi trọc, anh đầu tư hai tỷ đồng khai hoang phục hóa, xây dựng đường dây tải điện, đắp đập làm hồ chứa lấy nước tưới cho cây trồng và nuôi cá. Giờ đây anh đã có một trang trại lớn, đẹp như tranh. Trên những đồi bát úp, rừng keo lai đã khép tán, phía dưới là 2.500 cây cam bù, cam chanh, bưởi đường đã cho quả bói cùng hàng chục nghìn cây dó trầm. Bên vườn cam đang đâm chồi, lá xanh mơn mởn.
Linh tâm sự: “Lúc đầu, khi biết tôi bỏ nghề buôn lậu, nhiều người chê là “hâm”; nhưng tôi lại nghĩ khác, chẳng lẽ mình cứ phải làm cái nghề chui lủi, bất hợp pháp hay sao. Bàn tính mãi, hai vợ chồng quyết định đầu tư vào trang trại. Ban đầu, hai tỷ đồng đầu tư mất hút vào đất, nhưng giờ đây nếu không có gì thay đổi, năm tới tôi sẽ thu hoạch được 40 tấn cam, trị giá khoảng 800 triệu đồng, cùng đàn bò 70 con và hồ cá. Chưa kể vài năm nữa thu hoạch keo lai sẽ có thêm vài tỷ đồng”…
Từ buôn lậu trở thành người nông dân sản xuất giỏi, Ngô Xuân Linh còn là tấm gương để hàng chục tay buôn lậu khác ở huyện biên giới này học tập làm theo, họ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào kinh tế trang trại… Sơn Mai hiện có vài chục trang trại tầm cỡ như của Ngô Xuân Linh.
Thời gian gần đây, với những nghị quyết và chính sách hỗ trợ kịp thời của huyện, kinh tế trang trại của Hương Sơn phát triển mạnh mẽ với hơn 300 trang trại, quy mô từ 20 ha đến 60 ha, thu hút hàng nghìn lao động, ngoài ra còn có hàng chục nghìn gia trại. Ðối tượng trồng trọt trong các trang trại, gia trại là cây lâm nghiệp làm nguyên liệu giấy, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. Riêng diện tích cây ăn quả có hơn 2.500 ha, năm ngoái thu hoạch 20.000 tấn quả, trị giá 50 tỷ đồng. Ngoài đặc sản cây cam bù, bà con chuyển sang trồng bưởi đường có phẩm chất quả tốt.
Tính đến đầu năm nay, bà con đã trồng được 10.000 cây. Khác với khu vực đồng bằng, Hương Sơn có điều kiện trồng nhiều lạc đồi và đậu xanh. Diện tích lạc đồi được mở rộng hàng trăm ha. Hiện nay, huyện có gần 6.000 ha lạc, đậu xanh cho sản lượng hơn 800 tấn. Cây ngô được trồng cả hai vụ đông xuân và vụ đông với diện tích 2.300 ha, sản lượng 5.000 tấn, dẫn đầu Hà Tĩnh về diện tích ngô đông.
Rời vùng núi Sơn Mai, vào nhà anh Phạm Ðức Thuận ở xã Sơn Giang. Anh Thuận là một trong những người nuôi hươu sao nhiều nhất huyện. Trong những ngày sau Tết Nguyên đán, Thuận đã bán được cả chục cân nhung, thu được 60 triệu đồng và 15 con hươu giống, với mức giá từ 6 đến 7 triệu đồng/con. Tính chung gia đình anh đã thu nhập 150 triệu đồng từ hươu sao.
Hương Sơn có nghề nuôi hươu sao từ lâu đời. Mặc dù cơn lũ lịch sử 2002 đã cuốn trôi mất gần nửa đàn hươu sao nhưng những năm gần đây các gia đình nuôi thêm được hàng nghìn con, đưa tổng đàn hươu từ 3.500 (năm 2002) lên 19.000 con. Thu nhập từ nuôi hươu sao từ 40 đến 50 tỷ đồng/năm. Nhiều xã như Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Quang có đàn hươu từ 1.500 con đến 2.200 con và cả trăm gia đình nuôi từ 10 đến 35 con.
Cùng với hươu sao, khai thác lợi thế vùng đồi núi, Hương Sơn đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, dê. Năm 2005, đàn bò có 25.000 con, đến nay đã có 38.000 con, trong đó bò lai sin 7.000 con; đàn gia cầm, thủy cầm 450.000. Hàng năm, các hộ chăn nuôi đưa ra thị trường từ 6.000 đến 7.000 tấn thịt. Các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại tăng cả về số lượng, chất lượng. Hiện có 118 hộ chăn nuôi gia súc và hươu sao thu hoạch từ 50 lên hơn 100 triệu đồng/năm. Thu nhập từ chăn nuôi ngày càng tăng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (cao nhất tỉnh).
Ðảng bộ Hương Sơn đã đề ra những giải pháp, biện pháp, bước đi phù hợp. Hàng năm, huyện trích ngân sách từ 500 đến 700 triệu đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi mua con giống, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ; quy hoạch hai vùng chăn nuôi lớn và chỉ đạo chuyển diện tích trồng màu hiệu quả thấp sang trồng gần 300 ha cỏ voi, cỏ VA 06 nhập từ Mỹ – năng suất cao (400 tấn/ha) để làm thức ăn cho đàn gia súc. Hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng đã chăn nuôi được trâu, bò, dê.
Huyện thực hiện nhanh việc giao đất giao rừng, đồng thời vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hình thành các vùng trồng trọt tập trung, quy mô diện tích lớn. Các xã vùng sâu, vùng xa khai thác lợi thế đường Hồ Chí Minh, mở thêm nhiều đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc lưu thông nông, lâm thổ sản… từ đó thu nhập của người dân vùng núi, trung du tăng đáng kể, bình quân đạt 5,7 triệu đồng/người/năm. Nhà ở cơ bản được ngói hóa, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 4,5 %. Cơ sở hạ tầng ở đây được xây dựng, nhất là hệ thống giao thông đã được cải tạo, nâng cấp với 275 km đường nhựa, bê-tông.