ThienNhien.Net – Dân di cư tự do có tinh thần tự lực cánh sinh cao, cần cù chịu khó làm ăn, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Họ có nhiều kinh nghiệm sản xuất cho người dân bản địa học tập, là nguồn nhân lực dồi dào, góp phần khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế- xã hội; trong đó có nhiều điểm di dân cư tự do đã hình thành nên xã mới giàu có như Nam Dong, Đắk Rông (tỉnh Đắk Nông). Tuy nhiên,…
Di cư tự do ở Tây Nguyên: Cư dân giữa rừng già (Kỳ 1)
Di cư tự do ở Tây Nguyên: Nỗi lo của rừng (Kỳ 2)
Việc dân di cư tự do ào ạt đổ vào các tỉnh Tây Nguyên đã gây ra một áp lực rất lớn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của các địa phương. Di dân khi đặt chân đến vùng đất mới có đời sống vô cùng khó khăn, họ sinh sống rải rác trên các khu đất sản xuất, hoặc sống sâu trong các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, xa các khu trung tâm, điều kiện sản xuất khó khăn, không có điều kiện khám chữa bệnh, con em không được đến trường, tỷ lệ thất học và mù chữ cao, nhiều thủ tục lạc hậu – mê tín vẫn còn tồn tại… Tình trạng du canh, du cư của di dân vẫn diễn ra thường xuyên dẫn đến những khu rừng tiếp tục bị tàn phá, gây tác động xấu đến bảo vệ môi trường sinh thái và ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tại nhiều nơi dân di cư tự do sinh sống xảy ra nhiều loại tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mua bán, sang nhượng, tranh chấp đất đai giữa di dân với dân sở tại, giữa các nhóm di dân với nhau, trong khi đói nghèo phổ biến, tạo điều kiện cho một số kẻ lợi dụng dân tộc, tôn giáo, gây mất tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Những nguyên nhân đó gây nên mất ổn định tình hình an ninh, chính trị xã hội và cũng gây không ít khó khăn cho địa phương về quản lý nhân hộ khẩu cũng như quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư.
Số hộ đói nghèo chủ yếu sống trong các vùng khó khăn, thiếu đất sản xuất hoặc đất xấu, đất bạc màu không thể canh tác. Họ sống ở những khu vực chưa có cơ sở hạ tầng, thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất.
Một hộ di dân tự do vào thăm thân nhân ở xã Đắk Ngo rồi dựng nhà ở lại luôn |
Một số di dân bị mất đất do làn sóng nhập cư ồ ạt của một số hộ nghèo mới di cư vào 3 – 4 năm gần đây, họ không có tiền mua đất và phải đi làm thuê, tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 51%. Điển hình như khu vực Trung đoàn 720 thuộc Binh đoàn 16 (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) có 384 hộ dân với gần 2000 khẩu với lý do vào thăm bà con (từ năm 2003) rồi ở lại luôn, hiện vẫn chưa có đất ở và đất sản xuất. Đó là một vấn đề hết sức nan giải đối với Tuy Đức, một huyện biên giới mới được thành lập, còn gặp nhiều khó khăn.
Còn tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), nỗi lo lớn nhất của vườn là ngay tại “lõi” vườn là buôn Drang Phok (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) có 85 hộ dân (cách đây 1 năm chỉ có 63 hộ) thì có tới 65 cưa máy, 30 xe máy cày chuyên đi rừng khai thác gỗ trái phép, đây là một áp lực quá lớn trong vùng lõi của vườn.
Điểm dân cư Drang Phok sẽ “phình” ra và cứ theo đà này, chắc chắn không xa một xã mới sẽ hình thành ở ngay vùng lõi của vườn, khi đó một diện tích rừng đặc dụng không nhỏ sẽ tan hoang tỷ lệ thuận việc tăng dân số. Vườn đã nhiều lần đề xuất lên huyện và tỉnh về việc phải di dời người dân buôn Drang Phok ra khỏi vùng “lõi” của vườn, nhưng cho đến bây giờ địa phương vẫn chưa đồng ý (!).
Dân di cư tự do cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông. Năm 2007, trên địa bàn Đắk Nông có trên 60 hồ sơ dự án của các đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông – lâm nghiệp.
Sau 2 năm chờ đợi xét duyệt, số dự án đã khảo sát xác định được quy mô diện tích, địa điểm để xây dựng dự án đầu tư là 39 hồ sơ, với tổng diện tích là 32.976,1 ha. Trong đó, 9 dự án được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất có diện tích là 11.817,8 ha; nhưng việc triển khai dự án thì như “rùa bò”, cho đến bây giờ diện tích rừng được trồng là 1.753 ha và 170 ha cao su.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, kết quả thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông – lâm nghiệp là không cao, chậm tiến độ và chưa phát huy được chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, các chủ đầu tư tự phải đi liên hệ tìm quỹ đất, khi được phê duyệt rồi thì diện tích đất không có rừng trong các dự án chủ yếu là đất xâm canh làm nương rẫy của di dân, việc thoả thuận giữ các chủ đầu tư với các hộ dân có đất để đưa vào thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, người dân không đồng ý, hoặc đòi đền bù quá cao nên chủ đầu tư không đáp ứng được.
Rừng và đất rừng thuộc các khu vực đang trong quá trình xây dựng dự án có nhiều biến động so với kết quả điều tra ban đầu vì các hộ dân xâm canh, lấn chiếm, khai thác gỗ… Đây là nguyên nhân dẫn đến các dự án sau khi được tỉnh cho thuê đất, nhưng không tổ chức bàn giao được ngay cho chủ đầu tư để đưa vào triển khai thực hiện dự án. Do đó, có nhiều chủ đầu tư phải “bỏ của chạy lấy người” không hẹn ngày gặp lại Đắk Nông.