ThienNhien.Net – “Bến đáp” của dân di cư tự do là những cánh rừng già heo hút và sâu thẳm nên rất khó cho việc quản lý của chính quyền địa phương, khi phát hiện được thì là chuyện đã rồi! Để tồn tại, di dân phải nhờ vào kỹ năng hơn hẳn cư dân bản địa trong việc phá rừng làm nương rẫy và săn bắt động vật rừng, do đó tài nguyên rừng bị khai thác không thương tiếc. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm giữ rừng cố gắng đến mấy cũng chỉ hạn chế được phần nào, đôi khi còn gặp sự chống đối quyết liệt từ di dân.
Di cư tự do ở Tây Nguyên: Cư dân giữa rừng già (Kỳ 1)
Dân di cư tự do thường nhờ những người địa phương am hiểu địa bàn chỉ mối hoặc sẵn sàng chi trả tiền cò từ 2 – 5 triệu/hộ cho những kẻ “chỉ trỏ” chuyên nghiệp tìm đến những vùng đất có thể sinh sống và tồn tại. Các hộ dân cử ra những người có sức khoẻ đi “tiền trạm” dựng lều trại, phá rừng làm nương rẫy, khi có lương thực họ mới đưa toàn bộ gia đình vào. “Bến đáp” của dân di cư tự do đến là những cánh rừng già heo hút và sâu thẳm nên rất khó cho việc quản lý của chính quyền địa phương, khi phát hiện được thì là chuyện đã rồi! Để tồn tại, di dân phải nhờ vào kỹ năng hơn hẳn cư dân bản địa trong việc phá rừng làm nương rẫy và săn bắt động vật rừng, do đó tài nguyên rừng bị khai thác không thương tiếc. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm giữ rừng cố gắng đến mấy cũng chỉ hạn chế được phần nào, đôi khi còn gặp sự chống đối quyết liệt từ di dân.
Đã nhiều năm nay rừng Tây Nguyên trở thành mảnh đất “hứa” đối với dân di cư tự do. (Ảnh: PanNature) |
Những con số báo động
Ông Đỗ Ngọc Duyên – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, 2 tháng đầu năm 2008, các cơ quan chức năng đã phát hiện 201 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 68 vụ phá rừng làm nương rẫy với 47,62 ha bị tàn phá. Còn tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), cùng kỳ đã phát hiện 41 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 2 vụ di dân phá rừng làm nương rẫy với 2.834 m2 ở tiểu khu 278 và 288.
Năm 2007, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 1.178 vụ vi phạm lâm luật với 31,9 ha rừng bị chặt phá; trên địa bàn có 1.406 lán trại, trong đó cấp giấy chứng nhận chỉ có 99 lán trại, chiếm 7,04%.
Cũng trong năm này, Đắk Nông đã phát hiện 872 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 171 vụ phá rừng làm nương rẫy với 125,54 ha. Đa số các vụ phá rừng làm nương rẫy của di dân chủ yếu tập trung vào dịp tết Nguyên Đán. Do đó, đối với các chủ rừng gần như không có tết vì họ phải duy trì 100% quân số để lo giữ rừng. Ông Lương Vĩnh Linh – Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) cho biết, lâm tặc không ăn tết nên chúng tôi cũng không có tết. Trong dịp tết, chúng tôi đã phục bắt được 2 vụ vận chuyển gỗ pơ mu (gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA) với hơn 2,3 m3 gỗ. Tết cũng là dịp để các tay súng săn ráo riết vào rừng tìm thú để sát hại, chúng tôi đã phát hiện Hà Văn Thợi ở xã Cư Pui đã sát hại và đang vận chuyển 1 con sơn dương (loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng). Dịp tết Nguyên đán năm ngoái, 40 con voọc chà vá chân xám (loài đặc hữu của Việt Nam và là 1 trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất trên thế giới – ThienNhien.Net) của Vườn Chư Yang Sin đã bị Hoàng Seo Quang và 4 tên khác xả súng giết chết, chúng sấy khô để bán 1 triệu đồng/kg. Gian nan, vất vả của người giữ rừng là thế, nhiều khi vì nhiệm vụ mà họ còn bị lâm tặc không ngần ngại tấn công phải đổ máu.
40 con voọc chà vá chân xám – loài đặc hữu quý hiếm của Việt Nam – bị giết phơi khô để bán với giá 1 triệu/con. (Ảnh: PanNature) |
Gian nan nghề giữ rừng
Ngay trước tết Nguyên Đán, ông Trần Quyết Tâm – Giám đốc Công ty lâm nghiệp Trường Xuân (huyện Đắk Song, Đắk Nông) vì giữ rừng đã bị các đối tượng lạ mặt chém trọng thương trên đường từ cơ quan về nhà. Trước đó không lâu, 3 cán bộ Lâm trường Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) khi phát hiện dân di cư tự do phát rừng trái phép làm nương rẫy đã tiến hành ngăn cản và thu giữ dao, rựa của các đối tượng. Ngay lập tức, nhóm người này huy động một lực lượng đông đảo vây bắt và trói 3 cán bộ lâm trường vào gốc cây. Lâm trường Đắk R’măng phải cử người tới thương lượng và trả lại dao, rựa đã thu, khi đó họ mới chịu thả 3 cán bộ. Cũng tại địa bàn này, 1 cán bộ công an cũng bị nhóm di dân bắt trói treo lên cây, sau đó đốt lửa ở xung quanh.
Công ty lâm nghiệp Đắk Song (huyện Đắk Song, Đắk Nông) được giao bảo vệ, sản xuất kinh doanh hơn 11 ngàn ha rừng. Trong lâm phần này có nhiều gỗ nhóm I quí giá, đất đai phì nhiêu thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, di dân tự do ở các địa phương khác kéo về ngang nhiên chặt phá cây rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Gặp sự kiên quyết của lực lượng bảo vệ rừng họ manh động nhiều lần đốt phá trạm bảo vệ rừng, đánh người, hủy hoại tài sản của lực lượng bảo vệ. Chưa dừng lại ở đó, lâm tặc còn lén lút bỏ thuốc trừ sâu xuống giếng nước ăn của anh em bảo vệ.
Sáng ngày 28-5-2007, anh Đặng Bá Hiển, Đội trưởng đội quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty lâm nghiệp Đắk Song cùng với 3 bảo vệ đi tuần tra đã phát hiện trước nhà đối tượng Vinh ở bản Đắk Thốt (bản 100% là dân di cư tự do) đang dùng cưa máy lốc xẻ gỗ trái phép. Khi bảo vệ tới, lâm tặc chạy mang cưa cất giấu và chúng quay lại dùng điện thoại di động gọi đồng bọn tăng cường tới để hành hung bảo vệ. Khi thấy các đối tượng manh động và lực lượng đông đảo, anh Hiển đã quyết định rút quân. Chưa dừng lại ở đó, vào lúc 21h30’, trên 50 đối tượng sau khi uống rượu đã tiến hành bao vây, đốt cháy Trạm bảo vệ rừng của công ty đóng tại tiểu khu 1127 thuộc địa bàn xã Thuận Hà . Lúc đó trong trạm có 3 bảo vệ là anh Hiếu, Sơn, Cường đang ngủ; các đối tượng đã hành hung anh Hiếu và Sơn, đồng thời đổ xăng lên người anh Trần Xuân Cường để đốt nhưng anh Cường nhanh chân chạy thoát thân vào rừng. Sau khi đánh người, nhóm người này đã phóng lửa đốt trạm cháy rụi.
Những phút giây nghỉ ngơi hiếm có của những người giữ rừng (Ảnh: PanNature) |
Trước đó, vào ngày 31-3- 2006, trạm bảo vệ này đã bị trên 40 lâm tặc đập phá sập hoàn toàn, khi bà Thái Thị Tú Anh, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đắk Song vào giải quyết vụ việc thì bị lâm tặc bao vây không cho đi về cho tới khi lực lượng Công an huyện Đắk Song vào ứng cứu. Mặc dù chính quyền địa phương và Công ty lâm nghiệp Đắk song đã tạo điều kiện cấp đất sản xuất và cho xen canh trên diện tích đất công ty nhưng các hộ dân này vẫn ngang nhiên phá rừng lấy gỗ, lấy đất lập trang trại. Khi lực lượng bảo vệ phát hiện vụ vi phạm nào và muốn xử lý thì ngay lập tức các hộ dân trên huy động hàng trăm người già, trẻ em và phụ nữ bao vây bảo vệ vòng trong, còn thanh thiếu niên bao vây vòng ngoài la hét khủng bố lực lượng thi hành nhiệm vụ. Tổ tuần tra bảo vệ đã nhiều lần phải dở khóc dở cười khi phát hiện các đối tượng đang phát rừng làm rẫy, khi lực lượng tới, đàn ông thì chạy trốn vào rừng, còn phụ nữ không chạy mà đứng lại cởi bỏ hết quần áo, mình trần như nhộng và miệng la hét vu cáo bảo vệ(!). Sau sự kiện đêm 28 – 5, lực lương bảo vệ công ty buộc phải rút ra, ngay lập tức trên 50 ha trồng cây xoan được 2 năm tuổi của đơn vị bị người dân chặt phá trả thù, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, nhiều diện tích rừng nhanh chóng bị tranh thủ chặt phá.