Theo số liệu công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tại TP. Hồ Chí Minh, lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả ra mỗi ngày khoảng hơn 1 triệu mét khối, trong đó có tới hơn 90% số nước thải chưa qua xử lý.
Hầu hết các kênh, rạch nội thành cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng các chất hữu cơ, kim loại nặng, nồng độ ô xy hòa tan DO đo được ở tất cả các trạm quan trắc đặt tại 4 hệ thống kênh rạch chủ yếu của thành phố đều cho giá trị rất thấp, thậm chí một số điểm đo tại Ông Buông, Hòa Bình, Ruột Ngựa, cho kết quả nồng độ DO bằng 0.
Ở Hà Nội mỗi ngày tổng lượng nước thải xả ra là hơn 500.000 mét khối, trong đó có tới 260.000 mét khối nước thải do các cơ sở sản xuất, dịch vụ thải vào hệ thống thoát nước chung. Các nhà môi trường đã cảnh báo, nước ngầm khu vực phía Nam Hà Nội đang có biểu hiện nhiễm bẩn cục bộ, có nơi bị nhiễm amoni vượt gấp hàng chục lần tiêu chuẩn cho phép về nước phục vụ sinh hoạt.
Tính chung trên địa bàn cả nước, lượng nước thải các loại chưa được xử lý nhưng vẫn xả thẳng ra môi trường hàng năm lên tới 1,5 tỷ mét khối; trong đó các khu đô thị và khu công nghiệp mỗi ngày thải khoảng hơn 3 triệu mét khối nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất xả trực tiếp vào nguồn nước mặt.
Với hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao, khối lượng nước thải này đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho rất nhiều con sông, mà chính những sông đó lại là nguồn cấp nước chủ yếu cho các nhà máy nước công suất lớn và trạm cấp nước qui mô nhỏ hơn phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất hàng ngày tại các đô thị, các khu tập trung đông dân cư.
Để đảm bảo tài nguyên nước được ổn định, bền vững cần đảm bảo tốt khâu xả thải, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149 về quy định xả nước thải vào nguồn nước. Đây chính là biện pháp xử lý tận gốc nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Do vậy, các cơ quan Nhà nước, nhất là các tỉnh có lưu vực sông cần xây dựng chương trình, dự án chung để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm nước trước khi xả nước thải vào lưu vực sông.