ThienNhien.Net – Xử lý theo luật pháp hiện hành hay không? Đây là câu hỏi không chỉ quyết định số phận của 80 cá thể gấu nuôi nhốt ở tỉnh Quảng Ninh, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của một số loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp quý hiếm của Việt Nam.
Sau khi Quyết định 02 về quản lý gấu nuôi nhốt ra đời và có hiệu lực vào năm 2005, hơn 4.000 cá thể gấu nuôi nhốt đã được đăng ký và gắn chíp điện tử, giúp cơ quan chức năng có thể nhận diện chính xác từng cá thể.
Mục tiêu của Quyết định này là nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và nuôi nhốt gấu trái phép. Sau thời hạn cuối cùng vào ngày 28/02/2005, mọi cá thể gấu không đăng ký bị phát hiện trong các trang trại hay bị buôn bán đều được coi là bất hợp pháp; đồng thời chủ sở hữu của chúng sẽ bị khởi tố. Quy chế 47 ban hành vào tháng 06/2006 cũng đã nhấn mạnh nội dung này trong Điều 4 Khoản 2 rằng, những cá thể gấu không được gắn chíp sẽ bị tịch thu.
Về cơ bản, gắn chíp cho gấu nuôi và ngăn không để những cá thể gấu mới bị buôn bán là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, việc buông lỏng kiểm tra, giám sát các trang trại nuôi nhốt gấu của cơ quan chức năng và những thủ đoạn luồn lách luật pháp của các chủ trang trại đang ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, đe doạ đến tương lai của loài gấu, hổ, và những loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm khác.
Cuối tháng 07/2007, 27 cá thể gấu con đã được cơ quan chức năng phát hiện và xác định đang bị nuôi nhốt trái phép tại một trang trại ở Hà Tây. Tuy nhiên, khi quay trở lại hiện trường thì số gấu này đã biến mất.
Không chịu bỏ cuộc, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra và đã phát hiện thêm 80 con gấu không đăng ký nhưng vẫn đang được nuôi nhốt trái phép trong sáu cơ sở kinh doanh ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, cho tới nay, số gấu này vẫn nằm trong tay các chủ trang trại và chưa đối tượng nào có liên quan bị khởi tố vì tội đã mua bán trái phép số gấu nêu trên.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đang đợi quyết định về biện pháp xử lý trường hợp này. Sở dĩ đây là một vụ việc quan trọng vì nó không chỉ liên quan đến số phận của 80 con gấu mà còn thử thách tính nghiêm minh của luật pháp và quá trình thi hành pháp luật của cơ quan chức năng. Pháp luật được ban hành nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cộng đồng, bảo vệ loài gấu nói riêng và những loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm nói chung để chúng không bị tuyệt chủng chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân.
Quan trọng hơn cả, quyết định xử lý đối với 80 con gấu có thể dẫn đến hai khả năng: tăng cường hoặc sẽ làm tiêu tan những nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp ở Việt Nam. Có lẽ chính vì thế, vận mệnh của những con gấu này đang gây ra nhiều sự quan tâm của các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước.
Nếu như cơ quan chức năng ra quyết định bắt buộc đăng ký gắn chíp cho những con gấu này thì coi như Quyết định 02 và Qui chế 47 hoàn toàn không còn hiệu lực. Những chủ trại nuôi chỉ cần làm một việc hết sức đơn giản là đăng ký cho các cá thể ĐVHD khi bị phát hiện. Không có khung hình phạt nào, không có gì ngăn cản người dân mua bán và nuôi nhốt những loài
ĐVHD nguy cấp quý hiếm. Và một năm nữa, chúng ta sẽ phát hiện thêm 80 con gấu khác bị nuôi nhốt trái phép. Rồi lại 80 con gấu nữa…80 con gấu nữa, cho đến khi không còn con gấu nào ngoài tự nhiên. Như vậy thì cũng không mong gì người dân sẽ tôn trọng luật pháp và tình trạng vi phạm pháp luật sẽ ngày càng gia tăng. Những người nuôi nhốt hổ, vượn, voọc, mèo rừng, và những loài ĐVHD nguy cấp khác sẽ bất chấp luật pháp mà tiếp tục các hoạt động mua bán và nuôi nhốt trái phép.
Những chiếc chuồng trống tại Trung tâm Cứu hộ gấu ở Tam Đảo đang đợi gấu được chuyển giao. Cơ sở vật chất do tổ chức AAF (Animals Asia Foundation) tài trợ đã được hoàn thành vào tháng 3 và đang chuẩn bị tiếp nhận 80 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép ở Quảng Ninh khi các cá thể gấu này được cơ quan chức năng tịch thu. (Ảnh: ENV) |
Còn nếu cơ quan chức năng ra quyết định tịch thu 80 con gấu này thì đây sẽ là một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng gửi đến những đối tượng nuôi nhốt ĐVHD trái phép. Luật pháp đã chứng tỏ được quyền lực của mình. Một người khi đã vi phạm pháp luật sẽ phải chấp nhận rủi ro, không có trường hợp ngoại lệ.
Điều này không chỉ tác động đến những người nuôi nhốt gấu trái phép mà còn ảnh hưởng đến những ông chủ nuôi nhốt hổ cũng như các loài ĐVHD khác. Một số đối tượng vi phạm sẽ tự nguyện chuyển giao những động vật đang bị nuôi giữ trái phép để tránh bị xử phạt. Những đối tượng khác sẽ bị buộc phải hoạt động bí mật vì lo sợ bị phát hiện và bị truy tố trước pháp luật. Mặc dù gấu và hổ có thể vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị săn bắt, nhưng các hành vi vi phạm sẽ giảm đi rất nhiều và những kẻ phạm tội sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. ĐVHD được bảo vệ tốt hơn và lợi ích chung được duy trì.
Luật pháp được lập ra để bảo vệ những loài đang bị nguy cấp khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Đã đến lúc chúng ta cần truyền tải một thông điệp mạnh mẽ đến những đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép. Hành động của chúng là không thể chấp nhận được chỉ vì muốn làm giàu cho bản thân mà không đảm bảo lợi ích của những người xung quanh, đến con em chúng ta và tương lai của chúng ta.
Trong thời gian này, 20 con gấu nữa lại được phát hiện tại một trong sáu trại gấu đang bị điều tra trong vụ 80 con gấu trước đó. Phải chăng chủ trang trại này chẳng sợ gì pháp luật nên mới ngang nhiên tiếp tục vận chuyển trái phép 20 con gấu mới, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm biện pháp xử lý vụ việc một cách hợp lý? Mặc dù đã có Quyết định 02 và Quy chế 47 nhưng nạn buôn bán gấu vẫn tiếp diễn trừ khi cơ quan chức năng quyết tâm chấm dứt tình trạng này bằng việc thực thi pháp luật và áp dụng các khung hình phạt thích đáng để làm gương cho những kẻ coi thường luật pháp.
Không khoan nhượng đối với các hành vi buôn bán và nuôi nhốt gấu trái phép
Nếu muốn chấm dứt nạn buôn bán và nuôi nhốt gấu, chúng ta cần nghiêm khắc thực thi pháp luật. Những đối tượng buôn bán gấu sẽ nhanh chóng biến mất, hay sẽ suy giảm xuống chỉ còn số ít tội phạm hoạt động bí mật nhưng luôn có nguy cơ bị cơ quan chức năng phát hiện. Không khoan nhượng có nghĩa là không chấp nhận bất cứ hình thức cũng như mức độ phạm tội nào.
Một vài cán bộ chức năng cho rằng họ thấy tội nghiệp cho các chủ trại gấu bởi nuôi nhốt gấu là cả một quá trình tốn kém. Nếu như không cho phép các chủ trại gấu khai thác và bán mật gấu thì làm sao họ có thể tiếp tục công việc nuôi nhốt gấu của mình???
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, những chủ trại gấu ngay từ đầu đã biết mình vi phạm pháp luật. Nếu họ tuân theo pháp luật thì họ đã không rơi vào tình cảnh như thế. Tại sao chúng ta lại thấy tội nghiệp cho những chủ trại này? Nếu như vậy, có lẽ chúng ta cũng nên thương cảm đối với những đối tượng buôn lậu ma tuý khi hàng hoá của họ bị tịch thu? Mọi người đều phải lựa chọn. Đôi khi đó là những lựa chọn sai lầm. Và bài học rút ra từ những sai lầm này chính là cơ hội để họ có thể học hỏi và tránh những sai lầm tương tự.
Cho phép các chủ nuôi gấu khai thác và bán mật gấu có nghĩa là chúng ta đã gửi thông điệp đến tất cả các đối tượng hiện đang vi phạm và sẽ vi phạm rằng, pháp luật không phải là luật lệ mà chỉ là một đề xuất. Cũng giống như vấn đề đội mũ bảo hiểm, mặc dù hầu hết mọi người đều biết rõ về những mối nguy hiểm có thể gặp phải khi điều khiển xe cơ giới nhưng họ vẫn thích ra đường không đội mũ bảo hiểm. Nhưng khi có quy định về đội mũ bảo hiểm cùng với việc giám sát và xử lý nghiêm khắc của cảnh sát, gần như tất cả mọi công dân đều đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường trừ một vài trường hợp cá biệt. Những đối tượng này có thể sẽ bị bắt đi bắt lại cho đến khi họ nghiêm chỉnh chấp hành quy định.
Thực thi pháp luật để bảo vệ gấu không có gì khác biệt so với quy định về đội mũ bảo hiểm xe máy. Nếu nghiêm khắc thực thi pháp luật, chúng ta có thể thành công và chấm dứt nạn buôn bán gấu trái phép. Trong trường hợp này, vấn đề được đưa ra xem xét là khai thác vì mục đích thương mại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ một loài ĐVHD nguy cấp.
Theo pháp luật hiện hành, những vi phạm sau được coi là tội phạm liên quan tới gấu, thuộc nhóm 1B, theo Nghị định 32:
– Sở hữu gấu không gắn chíp là bất hợp pháp. Quá trình đăng kí gắn chíp phải được hoàn tất trước ngày 28/02/2005. Mục đích của quá trình này nhằm tránh tình trạng gấu mới bị săn bắt hoặc buôn bán.
– Khai thác mật gấu, kể cả từ những cá thể gấu đã đăng kí là bất hợp pháp.
– Quảng cáo, buôn bán mật gấu, tay gấu, nội tạng gấu, thịt gấu, nanh gấu hay các bộ phận khác của gấu kể cả những cá thể gấu đã đăng ký đều là bất hợp pháp.
– Di chuyển gấu đã đăng ký từ địa điểm này sang địa điểm khác, ngay cả trong cùng một tỉnh không có giấy phép của cơ quan kiểm lâm là bất hợp pháp.
Nếu chúng ta thực thi pháp luật, tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam sẽ chấm dứt. Không khoan nhượng và chấm dứt vấn đề nuôi nhốt gấu trái phép ở Việt Nam.
Cũng cần lưu ý, mùa xuân là mùa săn bắt gấu con. Vào thời gian này khi gấu con ra đời, những tay sợ săn thường bắn hạ gấu mẹ ngay trong rừng, sau đó bắt gấu con đem bán. Chúng ta có thể thấy rằng các đối tượng buôn bán luôn tìm cách đưa gấu con vào Việt Nam bằng đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Campuchia. Hãy thông báo ngay những hành vi vi phạm liên quan đến gấu qua biên giới tới cơ quan chức năng, Kiểm lâm địa phương hoặc liên hệ đội Kiểm lâm Đặc nhiệm thuộc Cục Kiểm lâm.