Ở Hải Hậu (Nam Định), sinh vật cảnh đã thực sự trở thành lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, thu hút trên 6.000 người tham gia, tạo giá trị kinh tế trên trăm tỷ đồng/năm, trong đó gần 150 hộ đạt thu nhập từ 50 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bà Nguyễn Thị Nhự, Chủ tịch Hội SVC Hải Hậu cho biết: “Năm 2007, doanh thu từ cây cảnh của huyện đạt trên 3 tỷ đồng”. Thu nhập từ cây cảnh là nguồn thu lớn thứ 3 của xã Hải Sơn, chiếm 38,6% tổng thu nhập toàn xã. Năm 2007, hộ ông Vĩnh ở xã Hải Phương đạt doanh thu 1,32 tỷ đồng, trong đó có 4 cây thế được bán với giá 1,2 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều xã trong huyện đã chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả kém sang chuyên canh cây cảnh, với tổng diện tích lên tới 1.420ha. Qua mỗi năm, doanh thu từ cây cảnh ở Hải Hậu luôn tăng trưởng với tốc độ vũ bão: năm 2002 mới chỉ là 4,6 tỷ đồng; năm 2003 là 14,85 tỷ đồng; năm 2004 đạt 25,2 tỷ đồng; năm 2005 đạt 88,6 tỷ đồng; năm 2007 đã đạt 102,3 tỷ đồng.
Cây cảnh nghệ thuật trong dân còn nhiều giá trị tiềm ẩn, đa dạng và phong phú, chưa được khai thác, không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hoá. Cây thế trực (thẳng đứng) liên chi của ông Đại ở xã Hải Thanh, cây thế trực của anh Thanh ở xã Hải Cường đều đã có tuổi trên 100 năm vẫn lưu giữ được. Nhiều cây cổ thụ được đưa vào chăm sóc bảo vệ đặc biệt, nhất là những cây có độ tuổi 100 năm trở lên. Qua thống kê của huyện, hiện có 87 cây cổ thụ giá trị cao về sinh vật cảnh, trong đó 63 cây đã được xây bồn bảo vệ.
Đi đôi với phát triển kinh tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân cũng quan trọng không kém, bởi nhân dân ta có truyền thống yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp quê hương đất nước.
Nhận thức được điều đó, lãnh đạo huyện đã đề ra chủ trương biến Hải Hậu trở thành vùng quê xanh và đẹp, Hội SVC và Hội Làm vườn từ huyện đến xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân phát triển sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh, nhiều cơ sở đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế. Nhiều hội viên đã xây dựng được vườn cây cảnh nghệ thuật, khiến sản phẩm được khách hàng khắp nơi ưa chuộng và trở nên nổi tiếng.
Phong trào đã thực sự phát triển rộng rãi trong dân, không chỉ đẩy mạnh sản xuất, mà đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nghệ thuật, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Qua khảo sát của ngành văn hoá, xã hội, đã xác nhận tại Hải Hậu, 100% các công sở, khu di tích, nhà bảo tàng, đền thờ liệt sĩ, nghĩa trang, cơ quan, trường học, trạm y tế, bệnh viện, nhà thờ họ đều có mặt của hoa cây cảnh, tạo nên sắc thái hài hoà.
Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào của huyện, nhiều đơn vị cơ sở, cơ quan đã tự nguyện đóng góp những cây cảnh đẹp để trưng bày tại trụ sở UBND huyện, đền thờ liệt sĩ, nhà bảo tàng, trung tâm văn hoá. Nhờ vậy, đã tạo nên cảnh quan sinh động. Khách đến tham quan thưởng thức đều ca ngợi vẻ đẹp của một huyện có truyền thống nhiều năm là lá cờ đầu văn hoá cấp huyện của cả nước.
Song hành cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, tận dụng đất đai hoang hoá, đất chua mặn để trồng sinh vật cảnh, Hải Hậu sẽ triển khai mục tiêu xây dựng những làng nghề sinh vật cảnh trong địa bàn huyện.