Khai thác và sử dụng nước ngầm bừa bãi trong nhiều năm khiến Hà Nội đang phải đối mặt với những nguy cơ hiển hiện. Hậu quả nhãn tiền là nhiều khu vực ở Hà Nội đã bị lún khá nghiêm trọng. Tai hại hơn, nguồn nước ngầm nuôi sống thành phố đang bị ô nhiễm và suy kiệt theo từng ngày.
Suy kiệt và ô nhiễm
Số liệu thu thập từ 91 công trình quan trắc động thái nước dưới đất do Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội tiến hành cho thấy, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố đã lên tới mức đáng báo động.
Mực nước trung bình ghi được tại giếng quan trắc P41 (Hạ Đình, Thanh Xuân) là – 33,65m (thấp hơn so với năm 2002 là -0,73m); tại giếng quan trắc Q63 khu vực nhà máy nước Mai Dịch là -24,78m (thấp hơn so với năm 2002 là -0,11m).
Ở một số điểm tại các phường Vĩnh Tuy, Giáp Bát… nhiều hộ gia đình phải khoan tới độ sâu trên dưới 40m mới gặp mạch nước ngầm là chuyện thường thấy. Diện tích của phễu hạ thấp mực nước ngầm, do tình trạng khai thác tràn lan, cũng đang ngày càng mở rộng.
Cụ thể, với cốt cao <-8m đến đầu năm 2004 diện tích phễu hạ thấp mực nước đo được là 115,6km2 (rộng hơn gần 10km2 so với thời điểm tháng 09/2003); với cốt cao <-14m đến đầu năm 2004 là 40,3km2 (so với 33,1km2 đầu năm 2003).
Theo Sở TN-MT&NĐ, nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do hoạt động khoan và khai thác giếng khoan bất hợp lý diễn ra ở nhiều nơi. Ngoài việc bị khai thác bừa bãi, nước bẩn theo các mũi khoan “chui” xuống đất còn gây thêm ô nhiễm cho nguồn nước ngầm.
Đã thế, các giếng “hoang”, đã bị hút hết nước hoặc không sử dụng, lại không được trám lấp đúng cách càng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước bởi các chất độc hại như Amoni, Thạch tín, nước rác, nước thải… sẽ theo các giếng này xâm nhập vào lòng đất.
Ghi nhận thực tế tại các khu vực phía Nam thành phố cho thấy, tầng chứa nước Haloxen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, ở tầng thứ nhất, các chất bẩn đã bắt đầu xuất hiện do nước thải, chất thải và phân bón xâm nhập.
Hiện nay, nhiều hộ dân sử dụng nước ngầm ở khu vực phía Nam thành phố như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… đều phải trang bị hệ thống lọc mới có thể sử dụng trong sinh hoạt. Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, quận Hai Bà Trưng than thở: “Nước giếng khoan đục, mùi rất tanh, không lọc thì không thể dùng trong sinh hoạt được…”
Hà Nội lún vì khai thác nước ngầm quá mức
Theo Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, kết quả quan trắc tại 10 trạm đo lún bề mặt đất do thay đổi mực nước ngầm cho biết, bề mặt đất thành phố hàng năm có sụt lún nhưng không đồng đều. Hiện tượng này đã tạo nên trên bề mặt những phễu lún phân bố rải rác ở nội thành và các vùng ven.
Đáng chú ý, kích thước các phễu lún phát triển theo thời gian. Mỗi năm, các phễu này lại sâu hơn, rộng hơn. Trong số những khu vực bị lún, khu Thành Công có tốc độ lún lớn nhất (trên 41mm/năm). Minh chứng rõ ràng cho hiện tượng này là nhiều tòa nhà tại khu này đã, đang và sẽ bị lún, nứt khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân trong khu vực.
Tiếp đó là các khu vực có các nhà máy nước lớn như Mai Dịch, Pháp Vân, Lương Yên, Tương Mai, Hạ Đình… cũng bị lún trong nhiều năm dài. Cũng theo Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, mực nước ngầm bị hạ thấp là một trong các nguyên nhân chính gây nên biến dạng lún bề mặt đất thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Thái Lai – Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng hoàn toàn nhất trí với nhận định này. “Việc đào và đóng các cọc móng các tòa nhà cao tầng hiện diễn ra khá phổ biến khiến sự vận động của nước dưới đất bị cản trở, không lưu thông được bình thường cũng dẫn tới sụt lún cục bộ.” – ông Nguyễn Thái Lai nói.
Để giảm tải cho nguồn nước ngầm, Hà Nội đang gấp rút triển khai xây dựng các nhà máy nước cỡ lớn khai thác nước mặt để phục vụ người dân. Trong đó, Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Hồng là những dự án khả thi.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án này hiện vẫn rất chậm do vướng mắc trong GPMB. Đã vậy, một số chuyên gia còn cảnh báo, nếu Hà Nội không khảo sát kỹ lại hệ thống mạng lưới đường ống khu vực Tây Nam thành phố, sẽ có nguy cơ không nhỏ khi tiếp nhận nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà.
Các chuyên gia nhận định, với một khối lượng nước lớn, khả năng bục, rò rỉ rất dễ xảy ra bởi hệ thống đường ống cũ hầu hết đã quá cũ nát, không đủ sức tiếp nhận sức ép lớn. Đây rõ ràng là vấn đề đau đầu của các cơ quan chức năng khi triển khai chuyển nước mặt sông Đà về cho thành phố.
Như vậy, áp lực khai thác nguồn nước ngầm vẫn rất lớn trong những năm tới và vấn đề giảm thiểu ô nhiễm, chống suy kiệt nguồn nước ngầm của Hà Nội vẫn là bài toán chưa có lời giải!