Cuối cùng thì Trung Ương cũng nhận ra chúng ta đã không kiểm soát chặt chẽ khi lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp. Và ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các địa phương: Không được lấy đất “bờ xôi ruộng mật” làm công nghiệp. Vậy nhưng, các địa phương vẫn “xẻo” đất một cách vô tội vạ…
Nông dân mất đất – Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 1)
Nông dân mất đất – Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 2)
Nghe có nhà đầu tư, cán bộ xã “tranh nhau” đón rước
Mặc dù Đồng bằng sông Hồng đang vào vụ xuân nhưng không khí xuống đồng của nông dân lại trầm lắng đến lạ. Sự buồn rầu và lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt nông dân. Họ buồn chưa hẳn vì phải gieo mạ lần thứ 3, mà buồn vì mấy chục triệu đồng bán ruộng năm ngoái giờ chẳng thể xây nổi một cái nhà 3 gian. Và không lo lắng làm sao được khi hàng ngày hết doanh nghiệp lại đến cán bộ địa phương đến “gạ” bán nốt những mét ruộng còn lại…
Trái ngược với sự lo lắng, buồn bã của nông dân, cán bộ cơ sở tỏ ra rất vui, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tiếp cận dân để vận động họ đi họp nghe giới thiệu về dự án, GPMB, lấy tiền đền bù…Khi tới một vài xã dọc QL5 và QL39 thuộc tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, đều bị từ chối với lý do bận tiếp những nhà đầu tư về xin đất làm Nhà máy. Ngay cả khi người dân phản ánh là cánh đồng này không có nước cấy, họ vẫn bình chân như vại. Cán bộ cơ sở dường như đang bị “hút hồn” bởi những dự án công nghiệp.
Chán ruộng, chán làm nông, đó là tâm lý của rất nhiều cán bộ cơ sở thuộc tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Xã đã có dự án cũng chán mà chưa có dự án vào cũng chán. Lãnh đạo một xã thuộc huyện Văn Lâm (Hưng Yên) thú thật: “Bao nhiêu đời chủ tịch xã này không làm nổi cho dân một con đường. Xây được cái trường học thì bị mất chức vì bán đất trái phép. Giờ thì khác, có thể làm được nhiều công trình công cộng nếu như nhiều nhà đầu tư vào. Vì theo quy định, họ phải hỗ trợ xã tiền xây dựng các công trình phúc lợi. Ngoài ra xã còn thu được tiền đền bù từ diện tích là bờ mương, đường đi, đất 5%… Nên mới chỉ nghe phong phanh có dự án thôi là phải đến tận nơi…đón họ về”
Cán bộ xã bảo vì dân, vì địa phương, còn nông dân lại bảo cán bộ chỉ vì cái túi của cán bộ. Ông Nguyễn Văn Tổn, thôn Ngải Dương, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm đứng trên nền KCN mà mới đây là cánh đồng canh tác 3 vụ, xót xa: “Giá cả tăng thế này, hơn hai chục triệu đồng đền bù cho một sào ruộng có nuôi nổi nông dân không?”.
Mỗi cánh đồng, một Khu công nghiệp
Ông Lương Đức Cường, Phó phòng TN-MT huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết: “Toàn huyện đã thu hút được 52 dự án, với tổng diện tích gần 830 ngàn m2. Mặc dù Chính phủ chỉ đạo cấm lấy đất “bờ xôi ruộng mật”, nhưng khó. Dự án vẫn đang vào và chúng ta…phải chấp nhận”.
Cái khó như ông Cường nói có thể hiểu: Tỉnh nào cũng trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, doanh nghiệp vào chỉ đất ở đâu là tỉnh cắm đấy. Nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp “ăn từ ngọn”. Từ trước đến nay chỗ nào đất tốt thì ta mới chịu đầu tư đường sá, thuỷ lợi. Nay công nghiệp vào muốn thuận đường sá, nước thải… thì muốn lấy đất tốt là đương nhiên. Hệt như đánh bắt xa bờ và gần bờ vậy. Giải quyết được không dễ chút nào.
Nông dân mấy huyện thuần nông của tỉnh Hưng Yên đang xôn xao bàn tán. Chả là tỉnh Hưng Yên vừa quy hoạch và đang mời gọi đầu tư 4 KCN thuộc các huyện Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TX Hưng Yên, với tổng diện tích sẽ thu hồi là 500 ha. Nếu xem các xã được quy hoạch vào các KCN này thì toàn là xã có đất rất tốt, người dân trồng 3-4 vụ/năm.
Như vậy, đến thời điểm này tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch tới 20 KCN tập trung. Quy mô sử dụng đất là 6.155 ha vào năm 2015 và 9.305 ha năm 2020. Nếu tính thêm cả các dự án lấy đất làm đô thị, khu du lịch… thì lên tới hàng chục ngàn ha. Hàng chục ngàn nông dân sẽ sống bằng gì?