Sáng 20/3 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3). Tham dự có Thứ trưởng Thường trực Bộ TN&MT Nguyễn Công Thành, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ông Antonio Montressor cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan và nhiều tổ chức quốc tế.
Như thường lệ, hàng năm Đại hội đồng Liên hiệp quốc và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đưa ra các chủ đề phù hợp cho những ngày kỷ niệm này. Để nhấn mạnh vấn đề vệ sinh và hưởng ứng Năm Quốc tế về vệ sinh, chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2008 là “Vệ sinh”.
Đối với Ngày Khí tượng thế giới, để ghi nhận những lợi ích khoa học và kinh tế xã hội từ hệ thống quan trắc tin cậy trên phạm vi rộng lớn, WMO đã chọn chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới năm 2008 là “Quan trắc hành tinh chúng ta vì một tương lai tốt đẹp hơn”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Công Thành cho rằng, thiếu nước uống an toàn và điều kiện vệ sinh không đảm bảo gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 60 quốc gia trên thế giới lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hiện 1/5 dân số thế giới thiếu nước uống an toàn và 1/2 số dân không có dịch vụ vệ sinh. Mỗi năm có đến 3-4 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến nước.
Ở nước ta, kết qua điều tra mới đây cho thấy, hầu hết trẻ em từ 4 đến 14 tuổi ở nông thôn miền Bắc bị nhiễm giun đũa, 50-80% bị nhiễm các loại ký sinh trùng… Nguồn nước của nước ta đang bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, dòng chảy mưa tràn qua các đô thị. “Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên nước dưới đất làm sụt lún, hạ thấp mực nước, ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng đang gia tăng”, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành cảnh báo.
Để đảm bảo nguồn nước vệ sinh, an toàn, đáp ứng các nhu cầu một cách bình đẳng, bền vững, theo Thứ trưởng Nguyễn Công Thành, thời gian tới cần đẩy mạnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống ô nhiễm nước dưới đất, đảm bảo dòng chảy tối thiểu của các sông. Các ngành cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động thăm dò nước dưới đất, xả thải vào nguồn nước, hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các loại chất độc hại trong nông nghiệp, thủy sản.
Việc phát động các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ tài nguyên nước, tạo cơ chế và điều kiện để người dân hỗ trợ đắc lực trong giám sát, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây suy thoái nguồn nước cũng cần được tăng cường. “Nếu dùng 1 USD vào việc cải thiện cấp nước và vệ sinh môi trường có thể tiết kiệm từ 3-34 USD các chi phí giáo dục, y tế, phát triển kinh tế khác”.
Nhấn mạnh vai trò của hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành cho rằng, các số liệu thu thập được từ mạng lưới 170 trạm khí tượng bề mặt, 231 trạm thủy văn, 18 trạm khí tượng hải văn, 3 trạm vô tuyến thám không, 29 trạm khí tượng nông nghiệp và 393 trạm đo mưa nhân dân đã góp phần phục vụ cho công tác phát hiện, giám sát, cảnh báo sớm và dự báo bão, lũ lụt, mưa lớn, không khí lạnh, hạn hán… Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn, cần tăng cường cho mạng lưới này cả về thiết bị và nhân lực.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành kêu gọi cộng đồng quốc tế, các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, xã hội, công dân, các công ty tư nhân, các phương tiện truyền thông đại chúng… cùng phối hợp hành động để góp phần hoàn thành mục tiêu đến 2015 giảm một nửa số người không có nước uống và điều kiện vệ sinh đảm bảo. Các cấp, các ngành cùng nỗ lực để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, một Hội thảo bàn về vấn đề vệ sinh nước và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đã được tổ chức. Các báo cáo viên đã trình bày kết quả điều tra vệ sinh cá nhân và môi trường nông thôn nước ta, phương pháp xác định vị trí các nguồn dầu gây ô nhiễm trong khu vực biển Đông, tác động của biến đổi khí hậu với cấp nước sinh hoạt và vệ sinh…