“Chúng ta cần cố gắng giữ gìn bằng được vẻ hoang sơ được thiên nhiên ban tặng cho Cù Lao Chàm thay vì xây cất những biệt thự chen chúc nhau ven bãi biển…Cù Lao Chàm quả là một thiên đường, thật tuyệt vời” trích lời một nhà đầu tư du lịch người Ý".
Chuyến vượt biển đến với Cù Lao Chàm cách thị xã Hội An 19 km xuất phát chậm hơn so với dự kiến. Biển động, gió mùa đông bắc tới cấp 5, cấp 6, không an toàn nếu đi bằng xuồng cao tốc… Cuối cùng rồi cũng đi được bằng tầu chở khách thông thường, dù mất gần 1 giờ đồng hồ, tức là gấp đôi thời gian đi xuồng cao tốc. Đó là chưa nói đến việc gió mạnh ngoài khơi và trên đảo do có đợt gió lạnh bổ sung. Nhưng dù khó khăn gì đi nữa cả nhóm vẫn quyết tâm lên đường… với lời an ủi đi tầu khách không bị sóng va đập mạnh như xuồng cao tốc, đặc biệt vào lúc trời không yên, biển động…
Thực ra thời tiết tháng Ba đâu phải là lý tưởng để đi thăm Cù Lao Chàm cho dù lâu nay hòn đảo đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của những người yêu du lịch sinh thái biển. Làm sao có thể ngâm mình trong nước lạnh của biển mùa đông, còn đâu cảnh nước biển trong vắt có thể nhìn tận xuống đáy ngắm những bãi san hô dập dờn trong sóng. Biển mùa đông vắng khách du lịch, chỉ còn những ngư dân hoặc vài cặp tình nhân.
Giá cước rẻ đến bất ngờ…
Vào những ngày này khi xăng dầu vùn vụt tăng giá, kéo theo giá cước đủ các loại vận tải, tàu chở khách chạy liên tục giữa Hội An và Cù Lao Chàm, vốn nằm ở địa phận xã Tân Hiệp vẫn giữ giá 10.000 đồng/ lượt hành khách. Quá bất ngờ trước giá vé rẻ như vậy, hỏi người trưởng tầu và được trả lời rằng đây là quy định của Uỷ ban nhân dân thị xã, không muốn xáo động đời sống của hơn 3.000 người dân sống ở xã đảo vốn hoàn toàn trông cậy vào tàu chở khách như phương tiện giao thông duy nhất với đất liền. Cũng một lý do nữa là khuyến khích khách đi các tour du lịch tới hòn đảo.
Trên con tầu khách ra đảo ta có thể bắt gặp đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày từ thúng bánh mỳ còn nóng hổi đến két nước ngọt, gánh hàng tạp phẩm cho người dân đảo. Trên Cù Lao Chàm vẫn chưa có điện lưới, chủ yếu dựa vào nguồn điện máy nổ mỗi ngày 2-3 giờ vào buổi tối.
Nhìn đáy biển từ trên tầu và thuyền có đáy kính…
Tại Cù Lao Chàm có một tour hấp dẫn đối với du khách là đi xem san hô bằng tàu hoặc thúng đáy kính. Trong thời gian 45 phút lênh đênh ngoài biển du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời của rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Họ sẽ có dịp chiêm ngưỡng hoạt động dưới nước của các loài sinh vật biển như bào ngư, sao biển, ốc, cầu gai, các loài cá rạn, điệp biển. Nếu muốn mạo hiểm hơn nữa du khách có thể tham gia môn lặn dưới đáy biển để thấy thật gần với các sinh vật biển dưới làn nước trong vắt của đại dương. Chi phí cho một tour như vậy giá cũng không phải là đắt, thuê một con thuyền chạy ra vùng có san hô được trang bị máy lặn cả đi về khoảng 90 phút, chưa đến 1 triệu đồng. Du khách có thể ngủ đêm ở khu Bãi Chồng vốn là một bãi biển nên thơ, hiền hoà nằm nép mình bên một vịnh nhỏ trong những túp lều đôi bằng bạt căng trên cát hay nghỉ trên căn nhà sàn dài mang dáng dấp dân gian.
Cũng thật tình cờ trong chuyến thăm đảo lần này, tình cờ gặp một nhóm du khách Tây phương gồm cả người lớn, trẻ con rủ nhau lên đảo mừng tuần trăng mật của một cặp chồng người Hà Lan, vợ người Việt. Bữa ăn tối ngoài trời rồi hát, múa, lửa trại bên những thùng rượu vang trong tiếng nhạc bập bùng của một ban nhạc mini được chở từ đất liền vào… Cảnh sắc tuy hoang sơ nhưng cũng thật ngoạn mục, hấp dẫn với du khách, mang lại cho họ những kỷ niệm khó quên.
Cua đá- “đặc sản” của Cù Lao Chàm. |
“Theo tôi chúng ta cần cố gắng giữ gìn bằng được vẻ hoang sơ được thiên nhiên ban tặng cho Cù Lao Chàm thay vì xây cất những biệt thự chen chúc nhau ven bãi biển.” Phát biểu đó là của ông Lader, một nhà đầu tư người Italia, người có sáng kiến tổ chức tour mừng đám cưới này cho hơn 30 khách phương Tây cũng được nhiều người tham gia tour chia sẻ. Ông Lader cũng là người nước ngoài đầu tiên đầu tư vào khu vực này. Ông cho biết “người dân địa phương rất thân thiện, chính quyền địa phương cũng có sự hỗ trợ, gắn bó với nhà đầu tư”. Còn về Cù Lao Chàm, thì ông nhận xét “Lần đầu tiên tới đây tôi thấy như một thiên đường, thật dễ thương, với vẻ độc đáo khác biệt… chúng tôi muốn đầu tư xây dựng nhiều resort để có nhiều hệ thống nhà tầng trệt…”
Thật may mắn, thị xã Hội An cũng đã có chỉ đạo rất cụ thể về phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm với việc khẳng định quyết giữ bằng được hoạt động du lịch sinh thái làm nền tảng. Ông Võ Phùng, giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao Hội An, cơ quan chịu trách nhiệm về phát triển du lịch ở thị xã cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục để Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những người làm văn hoá chúng tôi phải có trách nhiệm với Cù Lao Chàm để giữ những nét nguyên trên trên đất liền, từ những di tích đến lòng biển không có sự can thiệp nào của hiện đai. Khi đến đây, mọi du khách đều thấy một vùng dày đặc sinh thái và toàn bộ hệ thống kiến trúc văn hoá trên đảo vẫn giữ nguyên nét cổ kính của nó.”
Có lẽ chẳng phải chỉ riêng trên Cù Lao Chàm, du khách mới cảm nhận được cố gắng không mệt mỏi của chính quyền và người dân thị xã nhằm bảo tồn nét độc đáo của văn hoá Hội An. Đó là những sáng kiến liên tục từ Đêm rằm phố Hội đến các tua du lịch sinh thái Hội An. Trong một diễn biến mới nhất, từ đầu tháng 1 năm nay, Chính phủ đã quyết định, Hội An được nâng cấp thành đô thị loại 2, sẽ được gọi tên là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam thay vì thị xã như trước đây. Một sự kiện văn hoá nữa được nhiều người trông đợi là Lễ Bình chọn Hoa hậu Việt Nam 2008 đã được ấn định tổ chức tại đây từ 10 – 30/8/2008. Tờ Nhật báo Buổi chiều của Bỉ đã đánh giá Hội An là thành phố quyến rũ nhất Việt Nam, dẫn lời ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND Hội An cho biết đến nay thành phố vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể du lịch kiến trúc cổ với 1.360 di tích danh thắng…
Một bề dày lịch sử đồ sộ
Các nhà nghiên cứu cho rằng giao thương đã diễn ra từ rất lâu ở vùng biển Cù Lao Chàm. Các thương gia Ả rập đã sử dụng vùng biển giữa Hội An và Cù Lao Chàm làm nơi trú ẩn trong những trận bão lớn và là nơi lấy nước ngọt trên đường đi buôn bán đến Nhật. Những phát hiện khảo cổ mới đây về các cổ vật vớt được tại vùng biển này càng chứng minh tính đúng đắn của luận điểm này. Với 22 công trình kiến trúc đền, chùa, miếu mạo…có niên đại từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 trong đó có những chùa như chùa Hải Tạng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia cùng một số lăng miếu khác như Lăng Cô Hồn để thờ cũng những người xấu số chết trên biển, lăng Ông Ngư để thờ cúng cá Ông nhằm tôn vinh vai trò của nghề đánh cá đối với cư dân trên đảo, Miếu Tổ nghề Yến là nơi thờ cúng vị tổ nghề khai thác yến sào ở Cù Lao Chàm.
Nhắc đến Cù Lao Chàm không thể không kể đến đợt khai quật khảo cổ học dưới nước trên chiếc tầu đắm ngoài khơi cách hòn đảo 20 km về phía đông. Đây cũng là hoạt động khai quật kéo dài nhất trong 3 năm từ 1997 đến 2000, tốn kém nhất nhưng cũng có kết quả nhất từ trước tới nay với con số kỷ lục 240.000 hiện vật bao gồm nhiều đồ gốm men, đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ đá và di cốt người…
Nghề cá và việc bảo tồn sinh vật biển.
Cù lao Chàm gồm 8 hòn đảo, trong đó chỉ có Hòn Lao có người sinh sống với 3.000 dân. Sinh vật biển được bảo tồn trong khu vực rộng 5.175 hec ta với 165 hec ta dành cho san hô và 500 ha cho các loài rong biển. Có 135 loài san hô trong đó 6 loài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, 202 loài cá, 5 loài cua và 84 loài nhuyễn thể. Sinh vật rất phong phú và đa dạng từ loài chim yến đến giống cua đá trên núi.
Tại Cù Lao Chàm các nhà khoa học nghiên cứu trong và ngoài nước đã có nhiều cố gắng nhằm bảo tồn các giống loài sinh vật biển cũng như môi trưởng nơi đây. Khu Bảo tồn sinh vật xây dựng ngay trên bờ Bãi Làng. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thành lập là kết quả của dự án thành lập Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm do tổ chức DANIDA của chính phủ Đan Mạch tài trợ. Đây là khu bảo tồn biển thứ hai của Việt Nam sau khu Bảo tồn biển thí điểm Hòn Mun (tỉnh Khánh Hoà).
Theo ông Võ Phùng sự tồn tại của khu bảo tồn biển tại đây là một thông điệp để cho mọi đối tác đến đây hiểu rằng ở khu du lịch sinh thái, mọi động tác, mọi xử sự cũng như việc khai thác đều phải tôn trọng, giữ gìn cảnh quan môi trường một cách toàn vẹn nhất. Khu bảo tồn biển chia biển quanh Cù Lao Chàm thành ba vùng để có những những biện pháp bảo vệ thích hợp. Một ngư dân cho biết rằng giờ đây tất cả đều có ý thức bảo vệ môi trường biển. “Chúng tôi không bao giờ xâm nhập đánh bắt hải sản ở vùng cấm..” ông nói.
Dù có một ít đất trồng giống lúa đặc sản nhưng nghề chính của người dân Cù Lao Chàm vẫn là đánh bắt cá. Ở đây không có nghề đánh bắt xa bờ, chủ yếu vẫn là kéo lưới ở vùng biển lân cận. Những chuyến đi biển từ sáng sớm rồi lại trở về đem theo hải sản đánh bắt được bán cho thương nhân gần như là một chu trình khép kín đối với ngư dân trên đảo.
Cuộc sống vùng đảo xa thật gian nan, phải vật lộn hàng ngày với thiên nhiên khắc nghiệt trong công cuộc mưu sinh đầy thách thức. Hãy dành thời gian để đến thăm Cù Lao Chàm, báu vật của thiên nhiên, và chia sẻ với người dân nơi đây những băn khoăn, trăn trở của họ sao cho giữ bằng được vẻ đẹp hoang sơ đang còn lại rất hiếm hoi ở đất nước này.