Đầu tháng 3, khi thời tiết ấm lên thì đoạn đường vào đập thủy điện An Điềm (xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) dài chưa đầy 1km nhưng lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Vai mang ba lô, túi xách, họ đi theo từng tốp 2-3 người vào rừng, lâu lâu lại bắt gặp vài ba chiếc xe máy phía sau đèo gỗ rú ga inh ỏi chạy ra khỏi rừng ngang nhiên giữa ban ngày…
Con đường độc đạo
Từ khi thủy điện An Điềm được xây dựng, đường dẫn vào đập chứa nước được san ủi và tráng nhựa bằng phẳng. Cũng chính từ đây đường vào rừng trở nên thuận lợi hơn. Đây cũng chính là con đường duy nhất dẫn vào rừng. Người dân trong vùng vào rừng ngày một đông hơn, rừng từ đó cũng bị khai thác một cách khốc liệt hơn. Khi đến gần chân đập nước đã nghe thấy tiếng máy cưa gào rú liên hồi.
Từ trên các sườn đồi dựng đứng, gỗ được thả xuống theo những con đường mòn, tiếng gỗ va đập vào nhau liên hồi tạo nên một thanh âm hỗn loạn, tiếng người trò chuyện, gọi nhau râm ran làm sôi động một khoảng rừng. Khu đất trống gần bên hồ mọc lên một quán nước nhỏ đồng thời cũng là nơi gửi xe cho những người đi rừng. Chủ quán là một cô gái trẻ tên Lệ, quê ở xã Đại Hồng, cho biết: “Trông những chiếc xe máy cà tàng như thế nhưng lát nữa anh thấy nó chở gỗ mới ghê!”.
Nơi đây là điểm tập kết gỗ khai thác từ trong núi sâu, hoạt động sôi động nhất là vào giờ trưa. Gỗ hàng ngày được lâm tặc đưa lên xe máy và vận chuyển một cách công khai theo đường vào thủy điện ra ngoài, sau đó được thu gom, kết bè thả theo sông Vàng về xuôi. Trên đoạn đường này có rất nhiều cửa nhưng ban quản lý thủy điện An Điềm chỉ đóng cửa chính, bọn lâm tặc khi đến gần cổng chính lại tách ra một con đường nhỏ gồ ghề men theo con suối nhỏ dẫn ra bờ sông.
Theo con đường này gỗ dễ dàng qua mắt được BQL thủy điện An Điềm và lực lượng kiểm lâm đóng gần đó. Chỉ cần kiểm soát được các cổng ra vào thủy điện thì việc vận chuyển gỗ sẽ được ngăn chặn nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng chốt chặn ở các cổng này. Hàng ngày gỗ vẫn được tuồn ra khỏi rừng mà không bắt gặp bất cứ trở ngại gì?
Cơ quan chức năng có hay?
Khoảng 11g trưa ngày 13/03/2008, có mặt tại nơi này, như lời kể của cô chủ quán trẻ, những chiếc xe còn dựng lúc trước giờ đã được bọn lâm tặc buộc gỗ phía sau rú ga chạy phăng phăng trên đường. Mặc dù trạm kiểm lâm cách đoạn đường này vài trăm mét nhưng không thấy lực lượng kiểm lâm tuần tra nên bọn lâm tặc ngang nhiên vận chuyển mà không gặp bất cứ sự trở ngại nào.
Theo ông Lê Văn Hường, 48 tuổi, trú thôn Trúc Hà, Đại Hưng thường hay ra vào rừng lấy củi cho biết: “Gỗ ở đây được công khai đưa ra khỏi rừng một cách dễ dàng cả mấy năm nay mà không bắt gặp bất cứ một lực lượng nào ngăn chặn”.
Đoàn xe chở gỗ chạy được một đoạn thì gặp một chiếc xe của BQL thủy điện An Điềm đang đi thị sát công trình. Thấy động, bọn lâm tặc liền quay đầu xe chạy ngược vào rừng. Gỗ được tháo ra khỏi xe giấu hai bên đường đi, một số xe chạy trước bị nhân viên BQL thủy điện chặn lại đành bỏ gỗ lại phóng xe chạy thục mạng. Chỉ khi có người gọi điện báo thì lực lượng kiểm lâm mới xuất hiện để thu giữ số gỗ trên.
Khi đem vấn đề này lên gặp ông Phan Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng thì được cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên ngành tuần tra kiểm soát nhưng lực lượng mỏng không thể túc trực thường xuyên để quản lý một địa bàn rộng và phức tạp như thế này”. Ông giải thích thêm, hiện nay rừng của xã Đại Hưng còn rất ít, số gỗ mà bọn lâm tặc khai thác là ở huyện Đông Giang giáp ranh với xã Đại Hưng.
Lực lượng kiểm lâm thì lại cho biết, gỗ mà bọn lâm tặc khai thác là do đốn hạ rừng để thi công công trình thủy điện sông Vàng 2 nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ con dấu nào trên số gỗ thu giữ được cũng như số gỗ tạm giữ tại trạm kiểm lâm. Vả lại hai lời giải thích này quá mâu thuẫn và thiếu trách nhiệm, liệu có gì ẩn khuất sau lời giải thích này?
Được biết, rừng đầu nguồn sông Vàng là một trong những điểm nóng về việc khai thác gỗ. Hàng ngày gỗ được khai thác và vận chuyển một cách ngang nhiên, công khai thách thức cơ quan chức năng. Theo một đầu mối thu mua gỗ có tiếng trên địa bàn thì việc thu mua và vận chuyển gỗ ở khu vực này khá thuận lợi. Nếu kéo dài tình trạng này thì rừng đầu nguồn sông Vàng chẳng bao lâu sẽ cạn kiệt.