Khi “hiến” đất nông nghiệp để xây dựng các KCN, CCN thì nông dân được lợi gì? Giải được câu hỏi đó không đơn giản, trong khi có một con số rất thật: 53% số hộ mất đất nghèo đi.
Nông dân mất đất – Câu chuyện đến hồi gay cấn (Kỳ 1)
Ông Lê Quý Đăng – Phó Cục trưởng Cục HTX – PTNT cho hay, việc làm và thu nhập của các hộ bị thu hồi đất dựa vào sản xuất nông nghiệp chiếm tới 60% và chính họ là đối tượng bị tác động lớn nhất sau khi bị thu hồi đất.
Hầu hết khi các doanh nghiệp vào lấy đất đều đưa ra cam kết ngon ngọt là sẽ tạo công ăn việc làm cho người mất đất nhưng khi xong rồi thì “sống chết mặc bay” với hàng tá lý do. Cục HTX – PTNT đưa ra con số đáng lo ngại là có tới 67% số lao động mất đất vẫn phải “bám” nghề nông để sống và thêm 20% nữa thì chịu cảnh nghề ngỗng lông bông hoặc không ổn định. Có nghĩa là, chỉ có 13% là tìm được công việc mới.
Đó cũng là nguyên nhân sinh ra các tệ nạn: cờ bạc, lô đề, nghiện hút, trộm cắp…ở những vùng nông thôn vốn bình yên…Hà Tây là địa phương số lao động mất việc làm lớn nhất do thu hồi đất, lên tới 35.700 người, kế đến là Vĩnh Phúc (22.800 người), Đồng Nai (12.300 người)…Một điều đáng lo ngại hơn, tới 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất và số hộ khá khẩm hơn lên chỉ là 13%.
Nhà bà Nguyễn Thị Hựu (thôn Lương, xã Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh) có thể coi là điển hình về hoàn cảnh của những người bị thu hồi đất. Nhà bà bị “xẻo” 2 sào 10 thước cho KCN và được nhận số tiền đền bù là 63,8 triệu đồng. Bà Hựu thừa nhận: “Đây là số tiền…trong mơ đối với gia đình tôi”.
Bà Hựu đưa ra những kiến nghị sát sườn với cơ quan quản lý: “Nhà nước thu hồi đất, cần nâng giá đền bù, không để nông dân thiệt thòi. Nên bù lại cho người dân một diện tích đất khác để canh tác. Đồng thời, tạo cho chúng tôi nghề thủ công, tận dụng thời gian rảnh rỗi hoặc hướng dẫn mô hình VAC để tạo việc làm cho gia đình, cải thiện đời sống”
Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ được đền bù khác, gia đình bà không biết sử dụng số tiền đó để nó sinh lời. 30 triệu để sửa chữa lại ngôi nhà xập xệ, 5 triệu dùng để mua sắm đố dùng sinh hoạt. “Non nửa số tiền còn lại, tôi đầu tư vào chăn nuôi gà, vịt nhưng bị “dính” vài trận cúm, gà vịt cũng bỏ tôi mà đi. Vậy là tôi lại trắng tay”- bà Hựu xót xa.
Chồng bà Hựu đã quá tuổi làm công nhân. Con trai thì được nhận vào làm ở nhà máy nhưng éo le là, tiền lương không đủ tiền…mua quần áo nên đã bươn bả lên Hà Nội kiếm sống và là “nguồn dinh dưỡng” lớn nhất của gia đình. So với trước khi bị thu hồi đất, gia đình bà Hựu khó khăn hơn nhiều.
TS Cao Vĩnh Hải – Viện Nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn (ISPARD) đưa ra ý kiến rất đáng chú ý, đó là vấn đề an ninh lương thực cho người dân mất đất. TS Hải cho rằng “những thôn, xã có diện tích thu hồi chiếm hơn 1/3 đất nông nghiệp đều không đảm bảo lương thực”.
Xã Tứ Minh (TP Hải Dương) sau khi “hiến” đất cho làm công nghiệp chỉ còn 65 ha đất nông nghiệp và diện tích trồng lúa đến nay chỉ còn vỏn vẹn…3ha nhưng năng suất cũng rất thấp do thiếu nước, chuột bọ ở KCN “đẻ” ra nhiều. Vậy nên, bình quân lương thực đầu người ở đây chỉ còn 25,61kg/năm. KS Nguyễn Vĩnh Khang- Bộ TN-MT cho rằng, với tình trạng đó thì “không đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ”.
Xã Đại Đồng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cũng rơi vào tình trạng tương tự và khả năng đói kém đã hiện hữu, bởi có tới 342 ha trên tổng số 430 ha đất nông nghiệp ở đây đã chuyển thành nhà máy, công xưởng. Dân số của xã là 10.668 hộ, nhu cầu lương thực cần vào khoảng 1.536 tấn trong khi khả năng lương thực tại chỗ chỉ đạt 1.022 tấn, như vậy xã này thiếu chừng 5.000 tấn lương thực/năm. Và, dự báo đến năm 2011 thì toàn bộ lương thực của xã phải phụ thuộc vào…nhập khẩu từ xã ngoài.
TS Phạm Sĩ Liêm -Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN nhận định:“Đừng nghĩ rằng, chúng ta đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo là tưởng chúng ta nhiều đất. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, dân số nước ta phải tăng đến 120 triệu dân thì mới ổn định. Như vậy, chúng ta phải tính đến chuyện để ruộng mà nuôi 40 triệu người tăng thêm nữa. Phải bảo vệ tương lai của con cháu chúng ta, thì đó mới được gọi là phát triển bền vững”