“Đành chấp nhận phần nào phát triển kinh tế trước, môi trường sau. Vấn đề là phát triển ở mức nào để không bị "lệch pha"… Các nhà khoa học cảnh báo!
Tại Hội thảo quốc tế “Bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp trong hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 17, 18/03/2008 tại TP.HCM do Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện Môi trường & Tài nguyên, Viện Nghiên cứu Khoa học của Đại học Lausanne, Thuỵ Sĩ đồng tổ chức, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng trước vấn nạn kinh tế phát triển nhưng để lại hậu quả môi trường ngày càng ô nhiễm.
Phát triển kinh tế vẫn là “số một”?
PGS.TS. Nguyễn Văn Phước (Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên) cho rằng, hiện môi trường đô thị chúng ta đang tụt hậu, chậm hơn kinh tế nên đã thấy những dấu hiệu suy thoái ngay trong quá trình đô thị hóa. Chúng ta ở ngưỡng ô nhiễm, nếu không có biện pháp thì sẽ rất nguy hại.
Đồng tình ý kiến này, PGS. TS. Đỗ Hồng Lan Chi (Phó trưởng ban Khoa học và Công nghệ, ĐH Quốc Gia TP.HCM) cho rằng: Các ban ngành quản lý cần có sự nhìn nhận cân bằng, dung hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Lúc kinh tế là điểm nóng thì cần ưu tiên phát triển trước nhưng ngay sau đó phải tính tới việc gìn giữ phát triển môi trường chứ không phải làm lơ hay chậm trễ, như thế sẽ dẫn tới hủy hại.
Ai cũng hiểu, càng phát triển thì càng có nhiều nguy cơ tàn phá môi trường. Vấn đề môi trường ngày càng phức tạp hơn, phát triển hơn, không thể giải theo cách cũ mà phải đón đầu. Chúng ta vẫn theo thói quen chạy theo thì khó mà giải quyết được.
Bước lệch pha giữa môi trường và phát triển kinh tế là chuyện muôn thuở, không đáng quan ngại. Từ lệch pha ấy cần đặt ra hướng điều chỉnh, đó là quá trình liên tục. Đôi khi ở chừng mực nào đó phải phát triển kinh tế. Hiện nay có khi mình đành chấp nhận phần nào phát triển môi trường sau, kinh tế trước. Vấn đề là phát triển ở mức nào – Vấn đề này được nhiều đại biểu đồng tình trong bối cảnh hiện nay.
Khái niệm mới: Sức khỏe môi trường
PGS. TS. Đỗ Hồng Lan Chi cho biết: Quá trình công nghiệp hóa sẽ sử dụng rất nhiều hóa chất khác nhau. Trước đây chỉ giặt đồ bằng xà bông thường, bây giờ xà bông phải “siêu sạch”, bên cạnh đó là nước làm mềm vải, nước làm thơm… tất cả đó đều là hóa chất mới khi thải ra môi trường rất lâu phân hủy và tổn hại đến môi trường. Cũng tương tự như thế, trong thức ăn của con người, ngày càng hiện đại, tiện lợi thì càng nhiều chất tổng hợp hơn. Điều này trực tiếp gây ảnh hưởng lên sức khỏe con người.
Cũng vì thế, bây giờ mới có khái niệm mới là “sức khỏe môi trường” (enviroment health). Đô thị hóa phát triển, ảnh hưởng tàn phá môi trường thì con người cũng bị tàn phá.
Một ngành công nghiệp sinh ra nhiều khí thải thì hậu họa ô nhiễm môi trường tác hại lên con người không hề nhỏ, vì chính chúng ta trong bầu không khí ấy, hít thở từng giây từng phút. Bệnh hen, suyễn, tim mạch ngày càng tăng là vì thế.
Tại hội thảo này, PGS. TS. Phước cũng đưa ra những con số đáng báo động trong quá trình đô thị hóa như: các chất ô nhiễm chính trong không khí giao thông, chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 tăng 1, 07 lần, nồng độ Ôzôn tăng 1,12 lần ở môi trường không khí xung quanh khu vực dân cư…
PGS. TS. Phước nhận xét: kênh rạch ở khu vực nội thành bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh mức độ cao. Phần lớn nước thải sinh hoạt chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại gia đình. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có trang bị thì không vận hành thường xuyên. Bên cạnh đó, môi trường không khí bị ô nhiễm bụi và khí thải do các phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng, sản xuất, dịch vụ. Môi trường đất tại một số khu vực ngoại thành còn tồn đọng thuốc Bảo vệ thực vật do hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Những hệ quả, ảnh hưởng này sẽ có “đáp số” ngay trong vấn đề sức khỏe con người ngày càng hiện đại, phát triển nhưng bệnh tật vẫn nhiều, không giải quyết được.
GS.TS Lâm Minh Triết (Viện trưởng Viện Nước và CNMT) đánh giá: Vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng chứ không giảm. Công tác bảo vệ môi trường của chúng ta hiện không chạy theo kịp những bước phát triển khác. Nếu giữ được mức độ y nguyên không tăng ô nhiễm đã là rất tốt, nhưng chúng ta không làm được, ô nhiễm ngày càng tăng và người dân sẽ phải trả giá. Lúc ấy, chắc chắn bao nhiêu lợi nhuận kinh tế cũng không bù lại, không “mua lại” được thực trạng ban đầu của môi trường.
Báo động cho tương lai
Tiến Sĩ Mathias Finger, hiện là viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học của Đại học Lausanne, Thuỵ Sĩ (EPFL – Swiss Federal Institute of Technology Laussan) cho biết: Việt Nam cũng như những nước đang phát triển khác trên thế giới, đang chịu những tác động của ô nhiễm do quá trình phát triển, đặc biệt trong công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả để khống chế ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước. Theo số liệu trình bày tại hội thảo, mặc dù các chỉ số ô nhiễm vẫn chưa phải lên đến mức trầm trọng. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, một số khu công nghiệp lớn của TP.HCM nằm sát khu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai nên tác động của chất thải lên dòng sông lớn này của TP.HCM là sự tích luỹ nguy hiểm.
Theo khảo sát của các chuyên gia tại cuộc hội thảo nhằm ứng dụng thử nghiệm ở một địa phương của VN, các nghiên cứu này không chỉ ứng dụng tại TP.HCM mà còn ứng dụng ở một số tỉnh thành khác ở phía Nam như khu công nghiệp Trà Nóc ở Cần thơ.
Hiện nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai vẫn còn nằm trong mức an toàn, nhưng nếu không có biện pháp hữu hiệu để khống chế thì không thể bảo đảm nguồn nước của TP.HCM trong vòng 5 hoặc 10 năm tới không còn an toàn nữa.
PGS.TS Nguyễn Văn Phước khẳng định: Nếu phát triển kinh tế không gắn với bảo vệ môi trường thì những thảm họa do ảnh hưởng môi trường về lâu dài sẽ lớn hơn những hiệu quả kinh tế mà mình thu được rất nhiều. Nên cần đặt ra quan điểm phát triển bền vững, nếu không, thế hệ mình gánh hậu họa một thì con cháu mình gánh hậu họa mười.
Ông ghi nhận: từ hội thảo này, chúng ta học hỏi được hệ thống quản lý nước và xử lý nước ở Singapore rất tuyệt vời, hay những chương trình nghiên cứu quản lý môi trường rất nghiêm ngặt ở thụy Sỹ. Từ đó những công nghệ về xử lý cấp nước, hay xử lý nước thải trong các khu công nghiệp sẽ được áp dụng hiệu quả vì họ đi trước và thành công trước mình.
Điều đáng nói, hiện trước tình trạng báo động này, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận, ô nhiễm nước, không khí, xử lý chất thải là những vấn đề rất trầm trọng của TP, cũng là những vấn đề khó xử lý của Việt Nam.
PGS.TS. Đỗ Hồng Lan Chi chỉ ra thêm khó khăn: chính sách hiện nay chưa ra đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường đô thị.
Đây là vấn đề khó vì tiêu chuẩn ngặt nghèo quá thì các nhà đầu tư ngại tiếp xúc, dễ dãi quá thì dẫn tới tàn phá môi trường, đời con cháu phải chịu.